.
.

Đổi mới phân cấp quản lý đầu tư công trong lộ trình tái cơ cấu đầu tư

Thứ Sáu, 08/06/2012|08:30

Đầu tư công trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên đầu tư công của Việt Nam đang có không ít vấn đề bất cập cần phải giải quyết trong quá trình tái cơ cấu. 

Theo Luật Ngân sách 2004, việc phân bổ vốn đầu tư được giao chủ yếu cho các ngành và địa phương, tạo chủ động cho các đơn vị. Với quy định trên, hầu như đã giao toàn quyền cho các ngành và địa phương thẩm định và quyết định đầu tư. Thực trạng gần như là “khoán trắng” đó dẫn đến chỗ các cơ quan trung ương cũng chỉ giám sát, kiểm tra chiếu lệ mang tính hình thức, không có chế tài kỷ luật nghiêm ngặt, dẫn tới quản lý, điều chỉnh vĩ mô trong đầu tư công đã bị buông lỏng. Do vậy, theo PGS.TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, điều này dẫn tới các địa phương được quyền tự chủ rất lớn về quy hoạch phát triển, phân cấp đất, quyền quyết định xây dựng các cơ sở hạ tầng tại địa phương, gây nên hiện tượng đầu tư dàn trải. “Hệ quả là Việt Nam đang có tới 63 nền kinh tế tỉnh thành và 1 nền kinh tế toàn quốc, tỉnh thành nào cũng phấn đấu trở thành những nền kinh tế công nghiệp - có các khu cụm công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường Đại học cao đẳng, đài truyền hình và phát thanh riêng...” - PGS Võ Đại Lược nói.

Ngoài ra, trong việc phân bổ vốn đầu tư còn thể hiện tính chất “bình quân”. Điều này đã thể hiện khá rõ trong Quyết định số 210/26/QĐ – TTg của Thủ tướng năm 2006, quy định 5 tiêu chí phân bổ vốn ngân sách cho các địa phương là dân số; trình độ phát triển - tỷ lệ nghèo, thu nội địa, tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương; diện tích tự nhiên; số các đơn vị hành chính; tiêu chí bổ sung - thành phố trực thuộc trung ương và vùng trọng điểm. Tính “bình quân” trong phân bổ vốn ngân sách đã hạn chế khả năng tập trung vốn đầu tư vào những vùng có lợi thế địa kinh tế cao, khả năng sinh lời lớn - đây là một yếu tố hạn chế hiệu quả của đầu tư công. Chẳng hạn 2 tuyến phát triển Hà Nội - Hải Phòng và Hồ Chí Minh - Vũng Tàu đã tập trung tới gần 80% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao... trong khi vốn đầu tư công lại ưu tiên cho đường Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, thể chế về quản lý đầu tư và huy động sử dụng vốn, về thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới, mở thêm ngành nghề kinh doanh, tuyển chọn và sử dụng cán bộ quản lý DNNN nói chung còn nhiều bất cập. TS.Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thể chế, cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu chưa đủ rõ, còn nhiều sơ hở. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN đã thiếu cơ chế thẩm định, kiểm tra, giám sát... chặt chẽ; quản lý tài chính nội bộ kém hiệu quả. Các bộ chức năng quản lý ngành chưa có cơ chế hữu hiệu để quản lý các tập đoàn và DNNN. Các DNNN có cơ quan quản lý cấp trên là các bộ, ngành, nhưng dường như chính các bộ, ngành lại bị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chi phối. Điều này còn dẫn tới hiện tượng chạy theo “lợi ích nhóm” hơn là lợi ích quốc gia.

Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia nhắc đến là quá trình phân cấp quản lý các dự án đầu tư công hiện còn nhiều bất cập. Từ 2006 đến nay, phần lớn dự án đầu tư công đều được phân cấp cho ngành và địa phương - hệ quả là việc quyết định đầu tư công đã tách rời việc bố trí vốn. Hiện nay các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn vốn đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách trung ương”. Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, hệ quả là các dự án do các địa phương quyết định quá nhiều, nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn hẹp và bị dàn trải. Không ít dự án bị thiếu vốn, thực hiện cầm chừng, kéo dài thời gian kết thúc, chậm đưa vào sử dụng, do vậy hiệu quả ngày càng giảm. Bên cạnh đó còn dẫn đến tình trạng tham nhũng trong đầu tư công.

Trước những vấn đề bất cập trên, các chuyên gia cho rằng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư nói riêng, việc cần giải quyết ngay là cần đổi mới cơ chế phân cấp quản lý đầu tư công.

Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, việc cần làm ngay là phải đổi mới việc quản lý các vùng kinh tế. Phải thực hiện quy hoạch vùng phát triển trước, từ quy hoạch vùng mà tính tới quy hoạch phát triển các tỉnh, chứ không phải ngược lại như hiện nay.

Ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần tái cấu trúc DNNN không chỉ theo hướng tiết kiệm chi tiêu, không kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành được giao...; mà quan trọng hơn là phải giảm tỷ trọng của khu vực DNNN từ 28% GDP hiện nay xuống khoảng 15% GDP. Thủ tướng không nên trực tiếp chỉ đạo các tập đòan kinh tế, mà nên giao các bộ ngành quản lý.

Ngoài ra, theo GS Võ Đại Lược, trong thời gian tới cần ban hành Luật Đầu tư công theo hướng hiện đại và phù hợp thông lệ quốc tế. Cần nghiên cứu các Luật Đầu tư của Xingapo, Hàn Quốc, một số nước tiên tiến khác để từ đó soạn thảo ra Luật Đầu tư công Việt Nam. Cùng với đó cũng cần sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư công như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đất đai...

Tầm Nhìn 

.
.
.
.