.
.

Hội nghị Tổng kết thi hành Luật tổ chức VKSND

Chủ Nhật, 23/12/2012|13:53

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự hội nghị.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự hội nghị.

 

Sáng 6/12 tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo tổ chức Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003,  Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân và Tổ chức Viện kiểm sát quân sự cho thấy đã đạt được những kết quả tích cực, ngăn ngừa đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tại Hội nghị cũng đã chỉ ra những bất cập và tồn tại như chất lượng của công tác tư pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, vẫn còn bỏ lọt tội phạm và còn oan, sai, vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân...

Chính vì vậy, đòi hỏi cần phải đẩy mạnh cải cách tư pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, trong đó việc sửa đổi 2 Bộ luật và 2 Pháp lệnh là yêu cầu cấp thiết đặt ra để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhấn mạnh mục tiêu là “phải xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp đánh giá cao kết quả mà ngành kiểm sát nói riêng, cũng như các cơ quan tư pháp nói chung, đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách phấn đấu để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ tịch nước cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng; tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen” chưa giảm; yêu cầu của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp sẽ ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm và mọi vi phạm pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu đó việc sớm hoàn thiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi và Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi có ý nghĩa  rất quan trọng.

Nhấn mạnh cải cách tư pháp được Đảng tích cực chỉ đạo và xem đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị việc nghiên cứu, sửa đổi Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự phải quán triệt đầy đủ, đúng đắn quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng của Cương lĩnh và Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ là phải bảo đảm sự kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Để đảm đương được trọng trách đó, Chủ tịch cho rằng, vấn đề có tính quyết định, đó là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn đối với kiểm sát viên nhằm đáp ứng đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đồng thời, ngành Kiểm sát nhân dân cần tiếp tục thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm chủ động hơn trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước tin tưởng, phát huy truyền thống đáng tự hào trên 50 xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra./.

Hoàng Dũng/VOV1

 

.
.
.
.