.
.

Thực hiện có hiệu quả NQTW 4: “biện pháp đặc biệt” để làm tốt công tác xây dựng Đảng

Thứ Hai, 23/04/2012|15:58

Đó là chia sẻ của chuyên viên cao cấp Uỷ Ban kiểm tra Trung ương Bùi Khánh Thuỵ, người đã có 53 tuổi đảng và 25 năm kinh nghiệm làm trong ngành kiểm tra, giám sát của Đảng, khi nói về biện pháp tích cực để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vào cuộc sống.

Theo đồng chí Bùi Khánh Thuỵ, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, đặc biệt những lớp đảng viên từ 40 – 60 tuổi đảng đều rất vui mừng và hoan nghênh . Đồng chí cho biết: “Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 4 đề ra vấn đề rất đúng và rất trúng. Bài phát biểu của Tổng Bí thư đầy đủ, chặt chẽ và thể hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay ,vì đây là vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng và đất nước”.

Ngay từ những năm Đại hội lần thứ IV (1976), Đảng đã xác định: “Xây dựng Đảng là một nhiệm vụ chiến lược”. Từ Đại hội VI đến nay, qua 5 kỳ Đại hội, Đại hội lần nào cũng có báo cáo về xây dựng Đảng, về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, rồi có hẳn bộ phận thường trực để chỉ đạo, đôn đốc, triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này. Qua mỗi lần như vậy, công tác xây dựng Đảng đã có những chuyển biến nhưng chưa thật cơ bản và chưa thật vững chắc, chưa đạt yêu cầu như mong muốn, chưa chặn đứng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" như một biện pháp đặc biệt để giải quyết những vấn đề trong xây dựng Đảng hiện nay và chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực. Vì những nội dung được đưa ra bàn thảo và quyết định tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) là sáng suốt và đúng đắn, phản ánh đúng thực tiễn và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng chí Bùi Khánh Thuỵ đã đưa ra một số ý kiến góp ý:

Về công tác tư tưởng, phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt trong toàn Đảng từ trên xuống dưới tinh thần và nội dung của Nghị quyết, từ đó tạo nên một sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm cao trong toàn Đảng để thực hiện Nghị quyết. Cần bám sát các địa bàn, đối tượng trọng điểm, kịp thời tuyên truyền, cổ vũ những tập thể cá nhân làm tốt việc tự phê bình và phê bình. Phê phán những người cố tình tránh né sai lầm khuyết điểm. Phải xác định đây thực sự là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái tích cực và tiêu cực. Báo chí và các phương tiện truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải thông tin và định hướng dư luận.

Về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng:
 
Thứ nhất, cần phải phát động quần chúng tham gia phát hiện, đấu tranh, giám sát, chống các biểu hiện tiêu cực của đảng viên ở nơi cư trú, ở nơi công tác, thông qua hệ thống chính trị xã hội (là các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, mặt trận Tổ quốc…), trong đó lấy đoàn thể cựu chiến binh làm nòng cốt. Một ví dụ đơn giản như việc cán bộ đảng viên phải kê khai tài sản, nếu chưa biết được rõ việc kê khai đúng hay sai, cần xác minh, thẩm tra lại ở khu dân cư. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có nói đến từ giám sát. Cần phải phát động quần chúng tham gia phát hiện, giám sát, cung cấp thông tin, bằng chứng.

Thứ hai, phải xác định được mục tiêu trọng điểm, trọng tâm. Trong 63 tỉnh thành, cấp ủy thường vụ nào cần phải quan tâm nhất, trong các ban cán sự Bộ, ngành thì Bộ ngành nào phải quan tâm nhất để tập trung tiến hành kiểm tra, thanh tra. Xác định rõ đối tượng và nội dung kiểm tra, thanh tra, không cần dàn trải, làm nhiều, mà cần phải có kiểm tra sát sao, quyết liệt của cơ quan kiểm tra của Đảng, kết hợp với Thanh tra Chính phủ.

Sau mỗi lần kiểm tra, thanh tra, cần rút kinh nghiệm trong kiểm điểm, trong tự phê bình và phê bình, trong xử lý, phổ biến kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn.

Thứ ba, trong kiểm tra, kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, cần nhất quán quan điểm “đau cũng phải làm”, có mất cán bộ cũng không sợ. Vì chúng ta chỉ mất cán bộ yếu. Mất những cán bộ loại này chỉ làm cho Đảng mạnh lên, uy tín của Đảng được tăng lên. 

Hoạt động kiểm tra, thanh tra trong Đảng phải hết sức chặt chẽ. Cơ quan thanh tra, kiểm tra phải cung cấp, tích luỹ, thu thập tất cả các bằng chứng, để cung cấp cho các trọng điểm, trọng tâm để biết phê bình và kiểm điểm. Tất nhiên, không phải là kiểm điểm, phê bình đồng loạt, mà phê bình kiểm tra những người có dấu hiệu vi phạm. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu là phải làm đi làm lại, chứ không phải làm qua loa cho xong. Phải thực hiện việc kiểm điểm, phê bình quyết liệt, triệt để, làm rõ cái đúng cái sai. Bản thân người làm công tác đó kiểm điểm, phê bình cũng phải làm rõ, hiểu rõ cái đúng cái sai. Như vậy, đội ngũ cán bộ đi làm việc này phải có nghề trong tay, bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ thì mới “bắt bệnh” , chỉ ra được những người không tự giác phê bình và kiểm điểm.

Thu Hằng

Tuyengiao.vn

.
.
.
.