.
.

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: Phải có dũng khí nhìn thẳng sai lầm

Chủ Nhật, 01/04/2012|12:51

“Chỉnh đốn Đảng là đụng chạm đến lợi ích, uy tín của cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phải có dũng khí nhìn thẳng vào sai lầm, khiếm khuyết để có giải pháp khắc phục, sửa chữa” - đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh khi nói về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung
Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung

Trao đổi với PV, đồng  chí cho rằng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta tổ chức thực hiện trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, nhưng lần này có những điểm mới, cách làm mới có thể đạt kết quả tích cực… 

Cần có đóng góp tích cực, tránh  tâm lý hoài nghi

- Đồng chí cảm nhận như thế nào về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 lần này?

+ Qua theo dõi, tôi thấy Nghị quyết Trung ương 4 lần này đáp ứng đúng yêu cầu cuộc sống, đáp ứng mong muốn của cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước. Nghị quyết khẳng định rất cao yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng bởi đúng như Trung ương nhận định, đó là vấn đề hết sức hệ trọng, phải được đặt ra nghiêm túc, kiên quyết để quyết tâm thực hiện, đạt được bước chuyển biến quan trọng. Tôi thấy cách triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 lần này có nhiều nét mới, từ việc tổ chức phê bình, kiểm điểm đến thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài. Qua cách tổ chức hội nghị cán bộ rất lớn vừa rồi của Trung ương để bàn về việc thực hiện Nghị quyết, cũng như việc mời nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao phổ biến nội dung Nghị quyết và kế hoạch triển khai, cho thấy Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương có sự quyết tâm rất lớn để làm sao đạt được kết quả, tạo bước chuyển biến quan trọng.

Cá nhân tôi có nhiều niềm tin vào việc thực hiện Nghị quyết. Bây giờ, nhiều người có tâm trạng nghi ngờ, băn khoăn, theo dõi, chờ xem liệu lần này có thực hiện đi đến kết quả hay giẫm chân tại chỗ như một số lần trước. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người trong phạm vi, khả năng của mình cần có đóng góp tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết, tránh tâm lý hoài nghi, băn khoăn, chờ đợi.

- Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo động lực cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này, Trung ương cần kiểm điểm, làm rõ những cá nhân có sai phạm, khuyết điểm để xử lý nghiêm, công khai trước dân?

+ Theo tôi hiểu, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có chủ trương đó, tức là sẽ tổ chức kiểm điểm trong tất cả cấp ủy Đảng và công khai kết quả kiểm điểm trong phạm vi cần thiết. Tôi nghĩ sẽ có nhiều trường hợp được Trung ương và các tổ chức Đảng công khai, như vừa rồi một số trường hợp được xử lý và đã công khai (như trường hợp Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư – PV). 

- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) trước đây cũng đề cập và thực hiện quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí thấy công tác xây dựng Đảng đặt ra hiện nay so với 13 năm trước có gì giống và khác nhau?

+ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 4 lần này đều có những điểm giống nhau. Đó là đều ở thời điểm mà cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là cấp bách, không thể trì hoãn. Lần này có cái khác, đó là chúng ta đã trải qua thời gian tương đối dài thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho nên có những thành công, nhưng cũng có cái chưa đạt. Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 lần này ta có nhiều kinh nghiệm hơn và tôi tin có những bước tiến mới.

Lấy phiếu tín nhiệm góp phần thúc đẩy công tác xây dựng Đảng

- Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) năm 2001, Trung ương công khai danh sách nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, trong đó có cán bộ cấp cao. Lần này, nên chăng theo định kỳ cần công bố danh sách xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm trước toàn dân?

+ Tôi nghĩ vấn đề cũng không phải chỉ chăm chăm vào những người sai phạm. Vấn đề là cần có nhiều giải pháp, thực hiện nhiều hơn nữa việc công khai hóa những nội dung công tác xây dựng Đảng, ví dụ như lần này Trung ương đã nghiên cứu việc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt và công khai (các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn). Cho nên không nhất thiết chỉ công khai trường hợp xử lý kỷ luật, mà công khai việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là hình thức tốt, góp phần thúc đẩy công tác xây dựng Đảng được tốt hơn.

- Nhiều người ủng hộ cách làm mới và đề nghị cần sớm triển khai, nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại vì việc bỏ phiếu tín nhiệm dễ đụng chạm danh dự, uy tín cá nhân trong trường hợp người đó không được tín nhiệm cao, đồng thời có những điểm không thuận về tâm lý?

+ Tôi nghĩ đây là vấn đề nên làm, tất nhiên về phương pháp thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm để cải tiến cho tốt.

- Việc lấy phiếu tín nhiệm theo đề án mới chỉ đặt ra ở chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, nhưng tương lai có nên mở rộng ra các chức danh khác, như lãnh đạo ở bộ, ngành, địa phương?

+ Tôi nghĩ nên mở rộng, kể cả ở các cấp khác chứ không chỉ ở Quốc hội, Trung ương.

- Còn việc lấy tín nhiệm của nhân dân?

+ Tín nhiệm của nhân dân, cũng có thể có hình thức trong trường hợp cần thiết. Nhưng trước mắt là lấy tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo ở trong các tổ chức Đảng, Nhà nước cho tốt, trong trường hợp nào đó có thể mở rộng lấy phiếu tín nhiệm trong nhân dân và tôi tin có thể mở rộng được.

- Trung ương nhấn mạnh việc phê bình, kiểm điểm ở tất cả các cấp ủy Đảng và xác định đây là biện pháp quan trọng. Theo ông, việc kiểm điểm, phê bình cần tiến hành như thế nào để đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả?

+ Xây dựng Đảng có nhiều biện pháp, trong đó có kiểm điểm, phê bình. Tôi nghĩ, việc tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng, cơ quan lãnh đạo của Đảng là biện pháp cần thiết và hoàn toàn có thể đem lại kết quả tích cực. Vấn đề quan trọng, như Nghị quyết Trung ương 4 đã khẳng định, đó là người đứng đầu các tổ chức Đảng phải thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất. Nếu chúng ta có quyết tâm như vậy thì hoàn toàn có thể làm được. Đó là một trong các giải pháp góp phần xây dựng Đảng. Nghị quyết lần này chỉ ra 3 trọng tâm. Chúng ta cần phải phấn đấu để làm tốt 3 trọng tâm này.

- Nhưng thưa đồng chí, trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức cơ sở Đảng cũng mắc khuyết điểm, sai lầm thì việc kiểm điểm là rất khó?

+ Người đứng đầu phải gương mẫu. Nhưng khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng mắc khuyết điểm, thì đòi hỏi phải có dũng khí để nghiêm khắc, tự xem xét nhìn lại mình, tức là kiểm điểm của chính người đứng đầu trước. Tôi tin, lần này với phong trào của toàn Đảng, toàn dân, có sự động viên khuyến khích toàn xã hội, chúng ta có thể từng bước vượt qua khó khăn. 

- Xin cảm ơn đồng chí!

“Bây giờ, nhiều người có tâm trạng nghi ngờ, băn khoăn, theo dõi, chờ xem liệu lần này có thực hiện đi đến kết quả hay giẫm chân tại chỗ như một số lần trước. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người trong phạm vi, khả năng của mình cần có đóng góp tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết, tránh tâm lý hoài nghi, băn khoăn, chờ đợi”.

Đăng Trường (thực hiện)

Theo CAND

 

.
.
.
.