Phỏng vấn Giáo sư Vũ Khiêu nhân kỳ họp Quốc hội
Nhân dịp kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đang thảo luận sôi nổi về tình hình kinh tế - xã hội, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu xung quanh một số vấn đề lớn mà xã hội đang hết sức quan tâm.
Phóng viên: Kính thưa Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, với tư cách là một học giả lớn của đất nước, là nhà nghiên cứu xã hội học hàng đầu Việt Nam, Giáo sư có thể cho biết cảm nghĩ của mình như thế nào về kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIII lần này?
Tuy đã 97 tuổi, hàng ngày Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu vẫn miệt mài làm việc, nghiên cứu khoa học |
Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi đặt hy vọng rất lớn vào cuộc họp vô cùng quan trọng này của Quốc hội ta. Quốc hội họp trong tình hình đất nước đứng trước những khó khăn và thử thách vô cùng to lớn mà toàn đảng toàn dân đang phải đương đầu.
Nền kinh tế của chúng ta tuy đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể nhưng còn rất nhiều việc quan trọng và cấp bách phải giải quyết. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và có xu hướng suy thoái đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Trật tự và an ninh xã hội vẫn giữ vững nhưng nhiều hành vi tiêu cực và nhiều tệ nạn xã hội vẫn đang gây bức xúc trong lòng mọi người. Kẻ địch từ bên ngoài và một số phần tử phản động trong nước đang chống phá chế độ ta bằng mọi phương tiện truyền thông và mọi thủ đoạn đen tối. Chúng xuyên tạc sự thật, đổi trắng thay đen, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và làm giảm niềm tin của nhân dân. Thêm vào đó là sự tàn phá thường xuyên của thiên tai, dịch bệnh. Trận bão to lớn vừa qua đã đem lại quá nhiều tổn thất cho nhân dân ta.
Trong tình hình trên có thể nói Quốc hội ta đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn không chỉ đối với sự thành bại của nhân dân mà còn đe dọa cả sự tồn vong của đất nước. Nhân dân ta vẫn hằng ngày theo dõi hoạt động của Quốc hội đang mong đợi Quốc hội có những ý kiến sáng suốt nhằm khắc phục các khó khăn nói trên.
Phóng viên: Theo Giáo sư thì Quốc hội cần làm như thế nào?
Giáo sư Vũ Khiêu: Quốc hội bao gồm những công dân ưu tú của đất nước do chính nhân dân bầu ra, coi như những người đáng tin tưởng và và đáng trông cậy nhất của mình. Những đại biểu chân chính này của nhân dân là những người có lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần đại đoàn kết dân tộc như Hồ Chủ tịch vẫn thường xuyên nhắc nhở:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.
Trong lịch sử lâu đời của dân tộc ta, mọi thành công đều đạt được trên cơ sở của đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh lớn nhất để nhân dân ta hoàn thành mọi nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù.
Tôi mong Quốc hội lần này sẽ đạt tới sức mạnh của tinh thần đoàn kết ấy, để cùng toàn thể nhân dân vượt qua mọi khó khăn và thử thách nói trên.
Phóng viên: Xin Giáo sư có thể nói rõ thêm về sức mạnh của đại đoàn kết?
Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi xin dẫn chứng một số bài học lịch sử mà ông cha ta để lại:
1. Mất đoàn kết là mất nước: đó là trường hợp của Hồ Quý Ly. Ông vua anh hùng này đã tạo nên sự hùng mạnh của đất nước với thành cao hào sâu, với vũ khí tối tân là súng thần công đại bác và với một triệu quân hùng tráng. Nhưng vì sao quân xâm lược vào đánh chiếm nước ta chỉ trong có 6 tháng mà nước ta đã mất vào tay giặc, mà cha con nhà vua đều bị giặc bắt mang đi. Đó là vì Hồ Quý Ly đã mất lòng dân. Cả trí thức, nông dân và nhà buôn đều bất mãn và không ủng hộ nhà vua.
2. Đại đoàn kết là đại thành công: đó là trường hợp của Vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi). Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã dựa vào tinh thần đoàn kết của toàn dân nên ông đã "tập hợp bốn phương manh lệ" nghĩa là đông đảo nhân dân lao động, những người sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc.
3. Xóa bỏ mọi sự bất hòa trong nội bộ giới cầm quyền là trường hợp Trần Hưng Đạo và các vua quan nhà Trần. Khi quân Mông Cổ đánh vào Trung Quốc và lại tràn đến biên giới Việt Nam một lần nữa thì Tiết chế Trần Hưng Đạo, người chỉ huy toàn quân đội Việt Nam đã lập tức đến gặp người em con chú mình là Thái sư Trần Quang Khải để giải quyết xích mích giữa hai người. Sự đoàn kết giữa hai vị đứng đầu triều Trần đã nêu gương và mở đầu cho tinh thần đại đoàn kết của toàn dân, tạo nên sức mạnh long trời lở đất để ba lần đánh bại quân xâm lược.
Tôi nghĩ rằng nếu như Quốc hội lần này xây dựng được tinh thần đại đoàn kết ấy từ trong Quốc hội đến toàn thể nhân dân thì Tổ quốc ta có thừa sức mạnh để dẹp yên cả giặc ngoài, thù trong và mãi mãi vững vàng trong cường thịnh.
Phóng viên: Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có đọc một bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội dài 17 trang. Giáo sư đánh giá thế nào về bản báo cáo ấy?
Giáo sư Vũ Khiêu: Bản báo cáo này gồm hai phần: Phần thứ nhất trình bày tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Phần thứ hai nói về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Nói chung nhiệm vụ của cả hai phần đều được nêu lên một cách cụ thể bằng sự việc và con số, đủ để Quốc hội góp ý kiến về những ưu khuyết điểm trong nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng từ đầu năm 2012 và xem xét những việc sẽ hoàn thành vào năm 2013. Rất nhiều ý kiến sâu sắc của các vị trong Quốc hội đã phân tích và bổ sung cho từng điểm trong báo cáo, khiến cho báo cáo sẽ được hoàn thiện hơn để vừa rút ra bài học của thời gian đã qua, vừa định ra phương hướng cho thời gian sắp tới.
Phóng viên: Giáo sư có ý kiến gì về những dòng kết thúc bản báo cáo của Thủ tướng Chính phủ?
Giáo sư Vũ Khiêu: Đoạn này chủ yếu dành cho việc Thủ tướng kiểm điểm lại hoạt động của Chính phủ và của bản thân mình. Thủ tướng cùng Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Đặc biệt là Thủ tướng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm chính cho bản thân mình và thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành nhất là trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế điển hình là Vinashin, Vinalines,…
Qua những lời phát biểu của Thủ tướng, tôi thấy rằng thành thực nhận lỗi vẫn chưa đủ mà nhận lỗi phải trở thành những hoạt động thực tế, phải nghiêm túc, nghiêm khắc với mình, phải đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm như Thủ tướng đã hứa hẹn.
Phóng viên: Giáo sư có nhận xét thái độ của Quốc hội như thế nào đối với bản báo cáo và những lời tự phê bình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Giáo sư Vũ Khiêu: Trong bản báo cáo của mình, Thủ tướng có thái độ nghiêm khắc với bản thân mình và nhận ra những khuyết điểm của chính mình. Đó là một hành động rất cần thiết của bản thân Thủ tướng.
Quốc hội thì có khác. Quốc hội rất nghiêm khắc, đã phê phán rất kỹ từng khuyết điểm của Thủ tướng nhưng mặt khác cũng đã rất khách quan và công bằng, không bỏ qua những thành tựu mà Chính phủ và Thủ tướng đã đạt được. Ta thấy rõ điều này ở chính những lời phát biểu của các đại biểu trong mấy hôm nay.
Tôi nghĩ rằng thái độ công minh ấy của Quốc hội đã đem lại không chỉ cho Thủ tướng mà cho tất cả các Bộ và các cấp hành chính dưới sự điều hành của Thủ tướng những bài học vô cùng sâu sắc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Từ Lương thực hiện
Theo Chinhphu.vn