Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược: Cần người có đức, tài
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc- Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng |
Vừa qua, Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa XI họp xem xét, cho ý kiến sơ kết thực hiện một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong đó, có một nội dung quan trọng là Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc- Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi một số suy nghĩ xung quanh nội dung này.
Tầm tư duy chiến lược, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước
PV: Thưa đồng chí, việc Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược có ý nghĩa như thế nào đối với một chính đảng cầm quyền, duy nhất lãnh đạo xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Đối với việc xây dựng một chính đảng cách mạng chân chính như Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong điều kiện đảng cầm quyền. Vấn đề xây đựng đội ngũ cán bộ nói chung có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc, huấn luyện đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Với tầm quan trọng của công tác cán bộ, với tư cách là một nội dung thiết yếu trong xây dựng Đảng, việc lần này Đảng ta xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược càng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về sự phát triển lâu dài của sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đương nhiên trong đội ngũ cán bộ có cán bộ ở cấp chiến lược cấp Trung ước (tức là cấp lãnh đạo ở cấp cao nhất) và có lãnh đạo ở cấp địa phương, các ngành, cấp cơ sở thì ở cấp nào cũng có vai trò, vị trí của cấp cán bộ nhưng xét trên tổng thể hai cấp hết sức quan trọng là cấp cán bộ chiến lược trung ương và cấp cán bộ lãnh đạo quản lý cơ sở (Cấp thực thi quyền lãnh đạo chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước).
Trở lại vai trò, vị trí của cán bộ cấp chiến lược.Tầm quan trọng đây chính là nơi hoạch địch cương lĩnh, đường lối chiến lược của Đảng, hoạch định hệ thống pháp luật để quản lý xã hội do đó đòi hỏi người cán bộ quản lý tầm tư duy chiến lược nghĩa là phải nhìn xa, trông rộng, thấu đáo vấn đề của đất nước, của xã hội không những của hiện tại mà còn của tương lai. Và cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ này tầm cao trí tuệ (tức là am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, của đất nước, nhiệm vụ chính trị của Đảng; Bản lĩnh chính trị, trách nhiệm chính trị và đạo đức cách mạng trong sáng, thực sự vì nước vì dân. Với tư cách như thế, chúng ta có thể thấy được việc quy hoạch, lựa chọn được đội ngũ cán bộ tầm đó có ý nghĩa quyết định đến đường hướng phát triển của đất nước, của cách mạng, của dân tộc, sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ vạch ra từ năm 1930 đến nay và đưa sự nghiệp này đến thắng lợi cuối cùng.
PV: Thời gian qua, Bộ Chính trị đã sớm chỉ đạo triển khai Đề án Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Tại hội nghị lần thứ 7, đề án cũng đã được trình hội nghị cho ý kiến. Vậy trong đề án theo ông cần chú ý vào những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, vì tầm quan trọng của công tác chiến lược như vậy cho nên, trong các nguyên tắc, tiêu chí Trung ương nêu ra thể hiện cách nhìn toàn diện, thể hiện sâu sắc tổng thể, nhưng điều hết sức quan trọng là phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của sự nghiệp cách mạng. Đó là giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền, toạn vẹn lãnh thổ quốc gia; Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Từ mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ chính trị như vậy để đặt ra những yêu cầu. Ngoài ra, công tác xây dựng Đảng cũng cần bám chắc nội dung nguyên tắc về xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước như thế nào vì chúng ta đang xây dựng đảng cầm quyền đủ mạnh, đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và cũng xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân. Với đòi hỏi xây dựng một hệ thống chính trị như thế phải đặt ra những vấn đề gì thì phải chọn cán bộ cho đúng đáp ứng đòi hỏi đó. Từ đó mới quyết định đến những vấn đề, tiêu chí cụ thể trên tất cả các phương diện như: phẩm chất chính trị, đạo đức, bản lĩnh chính trị, học vấn trí tuệ và các yêu cầu khác… cho từng loại cán bộ ở cấp chiến lược.
PV: Theo quan điểm cá nhân đồng chí việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược có những thuận lợi và khó khăn nào?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, việc xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược hiện nay đặt ra có cả thuận lợi và khó khăn. Có thuận lợi là kế thừa được quá trình lãnh đạo xây dựng đảng của Đảng ta trong hơn 80 năm qua. Vì trong hơn 80 năm, Đảng ra rất coi trọng việc lựa chọn những cán bộ lãnh đạo quản lý ở tầm chiến lược và thời nào, chặng đường nào cũng có những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc cho sự nghiệp lãnh đạo của Đảng. Đó là một thuận lợi cơ bản kế thừa được. Ngay bản thân cán bộ ở cấp chiến lược được quy hoạch kỳ này được học tập kế thừa ở những thế hệ lãnh đạo trước rất bài bản. Một thuận lợi nữa là hiện nay, đội ngũ cán bộ được quy hoạch cấp cán bộ chiến lược cũng đã được đào tạo bài bản cả về trình độ lý luận chính trị của Đảng, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn xũng được rèn luyện trong thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Sự nghiệp đổi mới hơn 25 năm qua rất khó khăn, phức tạp mà cán bộ của chúng ta cũng đã trưởng thành lên từ thực tiễn của công cuộc đổi mới đó. Thuận lợi thứ ba, cán bộ quy hoạch cấp chiến lược hiện nay cũng đã tiếp cận được với những vấn đề lớn của thời đại, tiến trình phát triển của thế giới đương đại, đã nhìn ra bên ngoài, tiếp cận với những thành quả bên ngoài. Vì thế tầm tư duy cởi mở, rộng lớn hơn so với thế hệ trước. Đó là những thuận lợi cho quá trình quy hoạch cán bộ cấp chiến lược hiện nay.
Về khó khăn, tôi thấy nổi bật, đó là tình trạng tìm được những người tiêu biểu trong hoàn cảnh tình hình xây dựng Đảng như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị và tư tưởng đạo đức lối sống. Trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý, thậm chí cán bộ lãnh đạo cấp cao. Trong hoàn cảnh như thế, làm thế nào chọn được người thật sự tin cậy, có phẩm chất, có trình độ, có trách nhiệm với đất nước với dân tộc cũng không dễ dàng. Vả lại quá trình đổi mới đội ngũ cán bộ cũng bị tác động của những tiêu cực bên ngoài rất nhiều, tác động mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, lơi lỏng trong giáo dục cũng như tu dưỡng rèn luyện cán bộ, đảng viên… Đây sẽ là những mặt chúng ta cần thấy trước khi lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch ở cấp chiến lược phải hết sức cẩn trọng để có thể tìm đúng người có tài, có đức để đưa vào quy hoạch.
PV: Với những yêu cầu đặt ra về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch như đã nói ở trên, vậy có thể hình dung thế nào về đội ngũ lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ tới có những gì nổi bật?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, cũng có thể đưa vào quy hoạch sau này từng bước làm công tác nhân sự chúng ta có thể hình dung đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ 12 sắp tới trên mấy nét chính. Một là tầm tư duy chiến lược phải cao, nhìn xa trông rộng, xử lý các mối quan hệ chiến lược của cách mạng ở tầm cao. Hai là, đội ngũ lãnh đạo ấy phải thật sự là những người có trí tuệ, học vấn ở trình độ cao thì mới đáp ứng đòi hỏi sự nghiệp phát triển đất nước. Ba là, phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị vững vàng. Nếu cán bộ tầm chiến lược mà có dao động, không kiên định lý tưởng, lập trường quan điểm, mục tiêu của cách mạng, dễ hoang mang dao động thì không thể đứng lãnh đạo ở cấp chiến lược. Bốn là, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ấy phải thật sự có đạo đức cách mạng như tấm gương trong sáng mà Bác Hồ đã nêu. Những đồng chí có đạo đức tốt như vậy, chắc chắn sẽ là tấm gương cho đảng viên làm cán bộ quản lý lãnh đạo ở cấp cơ sở, tấm gương cho nhân dân và sẽ củng cố được niềm tin của nhân dân với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng với tư cách là một Đảng cầm quyền.
Phát huy dân chủ, chọn người tài - đức
PV: Ông có thể làm rõ hơn phân biệt Công tác quy hoạch và công tác nhân sự là gì?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Công tác tạo nguồn và đưa vào quy hoạch cán bộ là vô cùng quan trọng, quy hoạch một chức danh có thể quy hoạch nhiều người, tìm nguồn cũng từ nhiều người, nhiều hướng. Từ đó mới chính thức đưa vào lực lượng quy hoạch. Tiếp theo là bước nhân sự cụ thể, chính thức cho vị trí này là ai. Lúc này đã sàng lọc qua kết quả của quá trình dự nguồn, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng. Khi đi vào chọn nhân sự cụ thể thì cũng phát huy dân chủ để đại hội lựa chọn một người trong nhiều ứng cử viên để tìm được chính xác người đúng đắn theo yêu cầu của công tác cán bộ, nhất là đối với chức danh chủ chốt. Tôi cho rằng cách làm như thế thực sự phát huy dân chủ trong Đảng và chọn được người tài đức.
PV: Trung ương Đảng thừa nhận lần đầu tiên tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sẽ có những hạn chế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ông có thể bình luận về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Đúng như thế! Tôi là người nghiên cứu lịch sử Đảng thấy rằng, đây là lần đầu tiên công tác quy hoạch cán bộ ở cấp chiến lược tức là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu tiên thảo luận ở một hội nghị trung ương. Còn trước đây cũng có đặt vấn đề quy hoạch cán bộ ở cấp này nhưng thường Ban Tổ chức Trung ương dự kiến danh sách những đồng chí đưa ra Bộ Chính trị, để Bộ Chính trị trình ra Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất được trình ra đại hội bầu chứ chưa có quy hoạch bài bản cho một nhiệm kỳ tới mà trong hội nghị này lại bàn ở hội nghị trung ương đưa ra những nguyên tắc, tiêu chí, những chỉ đạo hết sức chặt chẽ để tạo được nguồn, tạo được lực lượng quy hoạch. Từ đấy chủ động trong công tác nhân sự. Làm được vấn đề này, chính là chủ động trong công tác cán bộ, từ đó tránh được những vấp váp, tránh được sự lựa chọn sai cán bộ. Đương nhiên lần đầu tiên thì phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tôi tin rằng từ nay đến đại hội XII, Trung ương sẽ còn phải trở đi trở lại vấn đề này chứ không chỉ ở Hội nghị Trung ương 7 này là xong. Học viện Chính trị-Hành chính sẽ mở 5 lớp tạo dự nguồn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, từ đó xác định ai thuộc quy hoạch cụ thể ở các cấp lãnh đạo đó rồi mới đến nhân sự. Tôi tin rằng với bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của Đảng đối với không những bản thân Đảng mà trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân, đối với sự tồn vong phát triển của đất nước chắc chắn Trung ương có đủ bản lĩnh sáng suốt để tìm ra những người có đức, có tài đưa vào vị trí lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là vị trí then chốt quyết định đến sự phát triển của đất nước.
PV: Xin cám ơn ông!./.
H.La/VOV online