.
.

Quyền lãnh đạo của Ðảng là sự tín nhiệm, thừa nhận của nhân dân

Thứ Sáu, 01/03/2013|19:53
Hơn 80 năm qua, những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đó là sự thật không ai có thể bác bỏ. Sự đúng đắn đó thể hiện trước hết ở mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong sáu chữ "độc lập - tự do - hạnh phúc", và ngày nay trong bước phát triển mới của lịch sử, đó chính là mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức của thực dân, đế quốc. Tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc là nền tảng và gắn liền với quá trình xây dựng đường lối, lãnh đạo đấu tranh của Ðảng Cộng sản Việt Nam, gắn liền với lịch sử hiện đại của đất nước. Tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển, bổ sung, hoàn thiện qua mỗi giai đoạn lịch sử thông qua việc kết hợp lý luận với thực tiễn, được kiểm nghiệm qua thực tiễn và đã trở thành đường lối của Ðảng, được hiện thực hóa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Con đường cách mạng giải phóng dân tộc mà Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn không theo lối mòn, mà đó là chiến lược luôn luôn phát triển trong sự tiếp thu, có phê phán và chọn lọc, hướng tới mục tiêu triệt để là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hồ Chí Minh đã thể hiện sự độc lập sáng tạo và cả sự dũng cảm trong tư duy, hành động của mình khi khẳng định rằng: Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng chính mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi trước ở một nước thuộc địa. Ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giành độc lập, giải phóng dân tộc thành công sẽ tạo tiền đề để tiến lên giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ðộc lập dân tộc phải được xem là mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng ở các nước thuộc địa mà Việt Nam là một trường hợp điển hình.

  Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam - đây là điểm khác biệt với lịch sử hình thành các Ðảng Cộng sản ở những nước khác. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Ðảng đã tập hợp được lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất để bảo đảm giành thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc (chân chính) là động lực lớn của đất nước và khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng của liên minh công - nông và trí thức là lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam, đại đoàn kết là một chiến lược cách mạng.

  Lý luận cách mạng tiên tiến, khoa học là điều kiện cần cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điều kiện đủ không thể thiếu là phải xây dựng được một Ðảng cách mạng vững mạnh, với đội ngũ cán bộ cách mạng trung kiên, đủ nhiệt tình và năng lực đưa lý luận cách mạng vào thực tiễn đấu tranh. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị "mảnh đất" để gieo những "hạt giống đỏ" đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, từng bước đưa tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin bén rễ vào thực tiễn cuộc đấu tranh ở Việt Nam. Nhìn lùi về lịch sử hơn 80 năm, chúng ta càng thấy rõ hơn sự năng động, sáng tạo, nhạy bén kịp thời, vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với việc tổ chức Hội nghị hợp nhất thành lập Ðảng - sự kiện mang tính bước ngoặt trong phong trào cách mạng Việt Nam và lịch sử dân tộc nói chung, cũng như các cống hiến quan trọng của Người về mặt lý luận, đường lối cho Ðảng. Chúng ta cũng thấy rõ hơn tư duy sáng tạo, vượt trước thời đại của Người đã góp phần định hướng đúng đắn cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

  Quan điểm về Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân Việt Nam đồng thời là đảng của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh đưa ra lần đầu tiên trong Báo cáo chính trị đọc tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Ðảng (3-1951): "Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân, và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Ðảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Ðảng của dân tộc Việt Nam" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, H.2011, tr 41). Hồ Chí Minh nêu luận điểm: Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng của giai cấp công nhân "phải là" Ðảng của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam khi Người bàn đến và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Ðảng trong khi gánh vác các nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra. Quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam nằm trong và đồng hành với những quyền lợi của dân tộc. Ðiều này luôn phù hợp trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Thực tiễn lịch sử cho thấy, khi Ðảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ điều này trong việc xác định mục tiêu của cách mạng cũng như khi xác định trận tuyến, bố trí lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thì cách mạng Việt Nam phát triển, đạt rất nhiều thắng lợi.

  Ðảng là một bộ phận của nhân dân, phân biệt với bộ phận còn lại ở tính cách mạng, tính tiên phong, tính tổ chức của mình. Ðảng là người lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành lấy những quyền lợi của mình và là người bảo vệ kiên quyết nhất đối với các lợi ích của nhân dân. Những điều này nêu bật tính nhân dân của Ðảng, cũng như nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít Ðảng với nhân dân - quan hệ tạo nên cội nguồn sức mạnh vô địch của Ðảng. Ðảng đại diện cho lợi ích của người lao động trong xã hội, tranh đấu nhằm đạt mục tiêu mang lại lợi ích cho số đông quần chúng chứ không phải chỉ cho một nhóm nhỏ nào. Mọi hành động của Ðảng đều tuân theo, nhằm thực hiện những ý nguyện của toàn dân như Hồ Chí Minh nhấn mạnh với các cán bộ, đảng viên: "Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H.2011, tr.289).

  Chính vì thế, quyền lãnh đạo của Ðảng là dựa trên sự tín nhiệm của nhân dân. Quyền ấy được nhân dân trao cho. Sự tín nhiệm đó có được từ sự đúng đắn của đường lối, chính sách ở tầm vĩ mô, từ sự gương mẫu hy sinh, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị của mình, trong đó có sự hòa đồng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa quyền lợi của giai cấp và lợi ích của toàn thể dân tộc. Bản chất giai cấp của Ðảng được thể hiện rõ ở mục đích lý tưởng cao đẹp của Ðảng giải phóng giai cấp khỏi mọi xiềng xích áp bức, bóc lột, ở sự kiên định phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng đó. Tuy nhiên, giai cấp công nhân ở Việt Nam có những đặc điểm riêng của mình. Xem xét những đặc điểm riêng đó với tính lịch sử của nó có thể lý giải thêm quan điểm của Hồ Chí Minh nêu lên từ năm 1951, đại ý: Ðảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Ðảng của dân tộc Việt Nam. Ðiều đó hoàn toàn tương đồng với luận điểm của C. Mác và F. Ăng-ghen đã nêu trước đó hơn 100 năm, khi hai ông cho rằng giai cấp vô sản ở mỗi nước trong quá trình đấu tranh giành chính quyền về tay mình cần "phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc" (Mác - Ăng-ghen Toàn tập, tập 4, NXB CTQG, H.1995, tr.624). Theo quan điểm đó, Ðại hội lần thứ XI của Ðảng khẳng định: "Ðảng Cộng  sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc". (Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Việt Nam - NXB CTQG, H.2011, tr.4).

  Ngọn cờ chính nghĩa thể hiện khát vọng về quyền lợi thiêng liêng, chính đáng của dân tộc, của con người về một xã hội mới dân chủ và công bằng, bình đẳng và tự quyết, không có sự áp bức nô dịch dân tộc, không có sự phân biệt đối xử giữa con người,... đã được Ðảng Cộng sản Việt Nam giương cao trong cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc và chống lại các thế lực xâm lược. Trong công cuộc Ðổi mới, từ đổi mới tư duy, Ðảng đã tìm được con đường và những bước đi thích hợp để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, từng bước tiến lên, tích cực, chủ động hội nhập để phát triển đi vào chiều sâu, bền vững trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn của một thế giới đầy biến động. Ðể đảm đương được vai trò lãnh đạo, Ðảng ta thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong; xây dựng Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có tầm cao trí tuệ, có phương thức lãnh đạo khoa học... Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, xác lập được vị thế ngày càng quan trọng trong các quan hệ quốc tế và khu vực. Sự thật ấy bác bỏ ý kiến của một số cá nhân đang cố tình hạ thấp vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước.

Báo Nhân Dân

.
.
.
.