.
.

Bàn giải pháp thực hiện "Cơ cấu lại nền kinh tế"

Thứ Ba, 20/12/2011|17:03

 

Ngày 16-12, Báo Nhân Dân, phối hợp các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư; Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm "Cơ cấu lại nền kinh tế".
 

Những ý kiến trao đổi tại cuộc tọa đàm tập trung vào việc tìm giải pháp và lộ trình cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong ba lĩnh vực trọng tâm của nội dung tái cấu trúc nền kinh tế đã được Hội nghị T.Ư 3 và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đặt ra. Sau đây là lược ghi ý kiến trao đổi cụ thể của các đại biểu tại cuộc tọa đàm.

 

Mở đầu cuộc tọa đàm, Ðồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thay mặt các cơ quan, tổ chức cảm ơn và ghi nhận sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của đông đảo các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước và lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí cả nước đối với cuộc tọa đàm. Trong đề dẫn cuộc tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Năm 2011, một năm đầy khó khăn, thách thức với nền kinh tế nước ta, đang dần khép lại. Với sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn của toàn bộ hệ thống chính trị, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6%, các cân đối vĩ mô đã chuyển biến theo hướng tích cực... Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đó là: kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; kinh tế tăng trưởng chậm, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn tín dụng hạn hẹp... Ðời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, công nhân ở các khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

 

Bước sang năm 2012, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục có những biến động khó lường. Trong nước, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ sâu sắc hơn, đặt ra yêu cầu cấp bách phải nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế. Ðồng chí đề nghị các đại biểu tập trung nêu các giải pháp để thực hiện cho được nội dung và lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế trên ba lĩnh vực quan trọng nhất: tái cấu trúc đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Ðặc biệt, trong năm 2012 khởi động quá trình này như thế nào; cần chuẩn bị các điều kiện gì để bảo đảm mục tiêu từ năm 2013 đến năm 2015 cơ cấu lại nền kinh tế tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt.

 

Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư, TS Nguyễn Ðình Cung, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đã trình bày đề án "Tái cơ cấu đầu tư công: giải pháp, khó khăn và thách thức". TS Nguyễn Ðình Cung cho rằng, định hướng của quá trình này là huy động hợp lý tổng mức đầu tư xã hội trong mối quan hệ với các cân đối lớn của nền kinh tế, gồm cân đối giữa tiết kiệm và tiêu dùng, cân đối tiết kiệm nội địa và đầu tư, cân đối ngân sách, cân đối cán cân thanh toán, nợ công và nợ nước ngoài.

 

Giảm tỷ trọng đầu tư công (ÐTC) trong tổng đầu tư xã hội xuống mức hợp lý, đi đôi tăng cường huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác và cải thiện hiệu quả đầu tư. Vốn đầu tư nhà nước phải được ưu tiên phân bổ vào xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Ðể nâng cao hiệu quả ÐTC cần các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, trong đó, về ngắn hạn cần tập trung khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và thiếu đồng bộ đã tồn tại nhiều năm nay. Xử lý được mâu thuẫn hết sức cam go giữa một bên là vốn đầu tư có thể huy động được (rất có hạn) và một bên là nhu cầu, yêu cầu vốn đầu tư của các dự án đã quyết định đầu tư (rất lớn). Một vấn đề lớn đặt ra là, số lượng dự án phải cắt, đình hoãn có thể lớn, quyết định cắt giảm dự án nào đó liên quan đến việc người được, người mất. Ðiều này đòi hỏi sự quyết tâm, kiên định và cứng rắn của các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý và phân bổ vốn đầu tư, mà cả sự thấu hiểu, ủng hộ và đồng thuận của các cấp, ngành, trước hết là các bên liên quan từng dự án cụ thể.

 

Về dài hạn, phải xây dựng khung hay kế hoạch đầu tư trung hạn để quản lý ÐTC; phải thay thế chế độ phân cấp và phối hợp thực hiện đầu tư giữa các địa phương với nhau, giữa T.Ư và địa phương, giữa các ngành, các cơ quan T.Ư để các dự án ÐTC bổ sung, phối hợp với nhau, tận dụng được lợi thế quy mô, qua đó phát huy được lợi thế của từng địa phương, vùng và ngành nghề kinh tế, hơn là cạnh tranh và loại bỏ lẫn nhau.

 

Ðánh giá việc thực hiện ÐTC trong thời gian qua, TS Lê Ðình Ân, nguyên Giám đốc Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, chúng ta mới chỉ chú trọng vấn đề cắt, giảm dự án mà chưa quan tâm tới việc điều chỉnh, xem xét những văn bản, quy phạm pháp luật liên quan vấn đề này.

 

Các hệ thống văn bản cũng chưa đồng bộ, chưa ăn khớp, nặng tính hành chính, còn nhiều bất cập.

 

Thí dụ, Luật Ðấu thầu rất chi tiết, nhưng vẫn xảy ra tình trạng "quân xanh, quân đỏ". Ðã đến lúc cần phải thực hiện nghiêm việc quy trách nhiệm đối với người đứng đầu ra quyết định đầu tư vì thời gian qua, nhiều trường hợp làm sai trong đầu tư mà không ai chịu trách nhiệm. Cơ chế quản lý ÐTC hiện chưa phù hợp, không hiệu quả. Vấn đề tư duy nhiệm kỳ vẫn là đặc trưng cũng cần khắc phục.

Chúng ta còn chưa có quy hoạch đầu tư nước ngoài, quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng. Chúng ta có quá nhiều quy hoạch, nhưng tổng lại thì không đâu ra đâu. Cơ quan quản lý ÐTC cần được cải thiện từ cấp Chính phủ về quy hoạch, phân vốn...

 

 

 

 

Ðề cập tình hình ÐTC ở ngành giao thông vận tải (GTVT), Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Ðầu tư, Bộ GTVT Nguyễn Hoằng cho biết: Thời gian tới, ngành GTVT tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, riêng đường sắt cao tốc điều chỉnh phù hợp điều kiện nguồn lực thực tiễn.

 

Ðiều chỉnh chiến lược mục tiêu từng giai đoạn đến năm 2015-2020 theo hướng đột phá dài hạn, theo nâng cao năng lực vận tải giao thông các tuyến, tăng cường công tác bảo trì, nhằm nâng cao năng lực vào trục bắc - nam.

 

Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng bền vững. Về giải pháp, trước mắt, ngành GTVT tập trung thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công.

 

Tuy nhiên, quá trình này sẽ phát sinh nhiều khó khăn đối với ngành, trong đó, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp.

 

Ngành đang rà soát những công trình khối lượng còn nhiều, có thể phải kéo dãn, mục tiêu hoàn thành dự án, phân kỳ đầu tư lại. Ðể thu hút đầu tư trong và ngoài nước thì việc cần cải tiến chính sách, trong đó điều quan trọng là phải có nguồn vốn mồi, có khoản bù khoản thiếu hụt cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư không có lợi nhuận.

 

 

 TS Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách tài chính tán thành chủ trương cắt, giảm ÐTC trong ngắn hạn. Về dài hạn, để nâng cao, định vị đúng ÐTC, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, lập hệ thống dự án; công khai hóa, tận dụng mọi phản biện xã hội, đưa ra đường hướng, khung khổ phát triển ÐTC trong khuôn khổ đầu tư của toàn xã hội.

 

Ðiều quan trọng là cần định hình lại quan hệ trong phân cấp ÐTC giữa T.Ư với địa phương, để chất lượng ÐTC được thực hiện thông suốt từ trên xuống, tránh tình trạng ra ngoài nguyên tắc. Chúng ta nên đánh giá đúng thực lực của các khu vực kinh tế để đưa ra kế sách ÐTC thế nào, tốc độ cắt giảm ra sao để phù hợp nền kinh tế, tránh tình trạng như chúng ta đã quá kỳ vọng vào FDI. Trong lĩnh vực đầu tư công, chúng ta cần làm gấp, có trọng tâm, trọng điểm nhưng cần bình tĩnh, không nên quá vội vàng rút quá nhanh, bất quy tắc, dẫn đến tình trạng tự chúng ta tạo ra khoảng trống nhất định.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các giải pháp tái cấu trúc DNNN

 

Trình bày đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), GS, TS Vương Ðình Huệ Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Tài chính khẳng định: Hội nghị T.Ư 3 khóa XI đã xác định tái cấu trúc DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TÐKT, TCTNN) là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.

Năm 2012 được xác định là cột mốc thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ trên các lĩnh vực của nền kinh tế mà Chính phủ hoạch định. Thời gian qua, DNNN thể hiện vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, TÐKT, TCTNN vẫn duy trì hoạt động và đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực nhằm ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của DNNN còn hạn chế. Trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DNNN được xác định là khó khăn nhất, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, hệ thống tài chính quốc gia chưa đủ mạnh để hỗ trợ hữu hiệu cho việc sắp xếp, cơ cấu lại DN. Việc nhận thức đầy đủ và thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị đối với tái cấu trúc nền kinh tế không phải dễ dàng. Chi phí tái cấu trúc có thể phát sinh lớn sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế, nhiều khả năng làm tăng thêm nợ công, nếu không có phương án xử lý tốt... Bên cạnh khó khăn, thách thức, tái cấu trúc DNNN cũng có những thuận lợi cơ bản. Ðây là một trong những mục tiêu, chiến lược quan trọng, đã chín muồi, đã được Ðại hội Ðảng lần thứ XI thông qua. Mặt khác, hệ thống các hạ tầng thông tin, kinh tế - kỹ thuật, tài chính cũng như thể chế đang dần hoàn thiện; nhiều công cụ tài chính mới đã góp phần giảm bớt khó khăn cho tiến trình tái cấu trúc,... Việc tái cấu trúc nhất quán theo quan điểm DNNN là công cụ quan trọng giúp Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Tái cấu trúc phải làm cho DNNN mạnh hơn, thật sự trở thành nòng cốt, góp phần để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tái cấu trúc phải thực hiện trên cả phương diện vĩ mô và vi mô, đồng thời gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

 

Chia sẻ các vấn đề về tái cấu trúc DNNN với Bộ Tài chính, TS Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN khẳng định:

 

Phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tái cơ cấu DNNN, để DN 100% vốn nhà nước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy định về cổ phần hóa DN 100% vốn nhà nước; hoàn thiện thể chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi đầu tư và hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TCT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước với vị trí là DN đặc thù. Phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 DN 100% vốn nhà nước hiện có đến năm 2015 để sau năm 2015, cả nước còn 692 DN 100% vốn nhà nước, được tổ chức thành 44 TÐKT, TCT với 150 công ty con 100% vốn. Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất, đồng thời chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh thành các đơn vị sự nghiệp. Tạo chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu nông, lâm trường quốc doanh.

 

 

 

 Nhất trí cao với ý kiến của GS, TS Vương Ðình Huệ và TS Phạm Viết Muôn,TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định:

 

Tái cấu trúc nền kinh tế ở nước ta thời gian qua không phải vấn đề mới nhưng chưa làm được, nguyên nhân do mới chỉ phát triển theo chiều rộng và chưa chú ý đến chiều sâu, chưa hướng đến chất lượng và hiệu quả. Việc tái cấu trúc DNNN là phải tăng sức ép cạnh tranh lên DNNN. Việc CPH, tư nhân hóa không phải là giải pháp duy nhất thúc ép DN hoạt động hiệu quả, cần có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DNNN, sau đó mới cạnh tranh bình đẳng với DN các khu vực khác. Từ đó, sẽ xuất hiện các DN tìm ra mô hình nâng cao sức cạnh tranh và chiến thắng trên thị trường. Về mặt quản trị, cần áp dụng chuẩn mực quản trị hiện đại, minh bạch và hiệu quả và DNNN cần đi tiên phong trong việc này, để phổ biến nhân rộng trong cộng đồng DN. Về quản lý nhà nước, cần đẩy nhanh và quyết liệt việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với quyền sở hữu nhà nước. Những giải pháp gần đây của Chính phủ đã có tác dụng hết sức tích cực như thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu DNNN, cũng như cải thiện khuôn khổ pháp lý trong việc CPH.

 

Trong quá trình sắp xếp, tái cấu trúc DNNN và DN nói chung, Chính phủ cần hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy xu hướng liên kết các DN với nhau. Phần lớn các DN cho rằng, yêu cầu quan trọng là cần tăng cường tính minh bạch, sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng. Chính điều này sẽ tạo ra sức ép nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy quá trình cải cách các DNNN.

 

 

 

Chia sẻ kinh nghiệm tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Phó trưởng Ban Ðổi mới DN Tập đoàn PVN Lê Xuân Vệ cho rằng, PVN đã đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ trong việc thành lập một TÐKT mạnh, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

 

Qua đánh giá, thời gian qua, PVN đã có bước phát triển mạnh, vốn điều lệ tăng từ 77 nghìn tỷ đồng lên hơn 170 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản tăng gấp 14 lần. Khi CPH, PVN đã rất thành công, thu về cho Nhà nước nguồn vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, việc thành lập các công ty cổ phần tại các đơn vị của PVN đã diễn ra có phần quá đà, tràn lan, buộc PVN phải ra chỉ thị dừng thành lập các công ty con và tiến hành tái cơ cấu, sắp xếp lại. Với đề án thành lập Tập đoàn  - công ty mẹ, chúng tôi chọn mô hình công ty mẹ có chức năng sản xuất, kinh doanh mạnh. Về vấn đề này, có nhiều ý kiến không đồng tình, nhưng cuối cùng thì quyết định của PVN là đúng. Ðề án tái cấu trúc của PVN vẫn tiếp tục được nghiên cứu, hoàn chỉnh do hiện nay mô hình TÐKT vẫn còn nhiều bất cập về phương thức quản trị, cần phải tổng kết, xem xét hiệu quả.

 

 

 

 

 

 

 Tổng Giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC)Phạm Thanh Quang cho biết, thực hiện tái cấu trúc DNNN thông qua xử lý nợ là một trong những giải pháp đẩy nhanh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN và hỗ trợ cho DN nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

 

Ðây là hoạt động mới mẻ ở nước ta, được triển khai từ năm 2006 đến nay, góp phần vào việc lành mạnh hóa tài chính của các DN và thúc đẩy tiến trình sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu các DNNN. Ðến hết tháng 9-2011, DATC đã thực hiện được 109 phương án mua bán nợ và tài sản theo phương thức thỏa thuận để thực hiện tái cơ cấu DN và xử lý tài sản, thu hồi nợ. Ngoài ra, DATC đang bước đầu tiếp cận hình thức mua lại DN hoặc mua lại phần vốn chi phối của cổ đông nhà nước tại DN với giá tượng trưng để tiếp tục đảm nhiệm vai trò chi phối của cổ đông nhà nước, nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển DN thông qua việc thực hiện các bước của quá trình tái cấu trúc. Các DN sau khi được tái cấu trúc thông qua xử lý nợ đều có chuyển biến tích cực, thay đổi cơ bản về chất, hoạt động kinh doanh có lãi hoặc hòa vốn. Ðể DATC hoạt động hiệu quả hơn, cần có thông tư hướng dẫn riêng trong việc tái cơ cấu các DN có giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả khi thực hiện cổ phần hóa; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ của DATC theo hướng tạo quyền chủ động cho DATC trong xử lý nợ phù hợp thông lệ quốc tế ...

 

 

 

 

 

 Quyết liệt thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

 

Trình bày tóm tắt đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, TS Nguyễn Văn Bình, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định:

 

Ðây không phải là lần đầu tiên ngành ngân hàng đặt ra vấn đề tái cấu trúc mà trong suốt thời gian qua, các ngân hàng đã liên tục tái cấu trúc để tự hoàn thiện mình.

 

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện nay dư nợ của nền kinh tế tại hệ thống ngân hàng bằng 116% GDP, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng bằng 244% GDP. Tuy nhiên, do từ trước đến nay phải đáp ứng vốn cho nền kinh tế nên hệ thống ngân hàng hoạt động chủ yếu là tín dụng (chiếm hơn 80% tổng số hoạt động khác của hệ thống). Nếu hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động như thế này thì Việt Nam sẽ không bao giờ có một thị trường vốn phát triển, bởi ngân hàng hiện đang giữ vai trò lớn trong thị trường vốn. Do đó, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có những thay đổi cơ bản trong hoạt động tín dụng của mình và mở ra các hoạt động khác, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng sao cho thật sự có chất lượng.

 

Về quan điểm tái cấu trúc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn cho rằng, do hệ thống ngân hàng đã tồn tại 25 năm qua nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Thống đốc đã chỉ ra những khó khăn mà quá trình tái cấu trúc sẽ gặp phải, như: tái cấu trúc ngân hàng sẽ diễn ra giữa một bên là Nhà nước và một bên là thị trường, lúc này, nhóm lợi ích sẽ nổi lên. Trong toàn hệ thống ngân hàng hiện nay thì các ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng 48%, còn lại 52% thuộc về các thành phần kinh tế khác không phải của Nhà nước. Do đó, việc tái cấu trúc ở những ngân hàng không phải do Nhà nước nắm giữ là điều rất phức tạp. Ngoài ra, Việt Nam cũng không đủ chi phí để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như các nước đã làm. Do vậy, quá trình tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước, có những việc cần làm ngay và có những việc làm dần dần.

 

Ðề cập lộ trình tái cơ cấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề thanh khoản của các ngân hàng trước tháng 3-2012, đồng thời xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trong năm 2012.  Ðến năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện hợp nhất các ngân hàng nhưng chủ yếu là để củng cố hoạt động, mở rộng quy mô các nhà băng. Quá trình này sẽ cơ bản kết thúc vào năm 2014 - 2015 khi Việt Nam có từ một đến hai ngân hàng đủ mạnh để hoạt động ở tầm khu vực. Tuy vậy, việc củng cố hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến năm 2020. Thống đốc cũng cho biết, về cơ bản sau khi tái cơ cấu, 80% thị phần sẽ thuộc về 12 đến 15 ngân hàng, 20% còn lại, sẽ tiếp tục dành cho các ngân hàng quy mô nhỏ nhưng hoạt động ở phân khúc thị trường và quy chế riêng.

 

Trao đổi ý kiến tại cuộc tọa đàm, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, chưa bao giờ trong hàng ngũ từ lãnh đạo đến các nhà tài trợ và giới nghiên cứu lại có một sự đồng thuận tương đối cao về mục tiêu phát triển cũng như định hướng tái cấu trúc có tính quyết liệt lần này.

 

TS Võ Trí Thành cũng đồng tình với lộ trình tái cấu trúc ngân hàng, theo đó, có nội dung cần phải làm từng bước, nhưng cũng có nội dung cần phải làm ngay từ năm 2012.

 

Thứ nhất là lộ trình quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng phải được tiến hành theo những tiêu chuẩn, thông lệ tốt nhất.

 

Thứ hai là có cơ chế giám sát tốt đối với các khoản nợ, các liên quan đến công ty tài chính, công ty chứng khoán, liên quan tới cả hệ thống tài chính Việt Nam.

 

Và lớn hơn, chúng ta vẫn không thoát khỏi câu chuyện muốn giảm dần tình trạng đô-la hóa, vàng hóa, gắn câu chuyện Việt Nam mở cán cân tài khoản vốn... mà đằng sau đấy là câu chuyện về các tổ hợp tài chính, tập đoàn tài chính đa năng bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam.

 

 

 Ðặt vấn đề Việt Nam sẽ cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo những nguyên tắc nào, TS Vũ Ðình Ánh, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, cần phải gắn quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính với quá trình cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công và với quá trình cơ cấu lại các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn tổng công ty.

 

Ngoài ra, phải gắn quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng với cơ cấu lại toàn bộ hệ thống tài chính bởi các định chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau rất chặt chẽ. Và quá trình này cũng phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể để xác định lại vai trò của từng kênh dẫn vốn trong nền kinh tế. Tiếp đến, cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản cả trước, trong và sau khi cơ cấu lại hệ thống ngân hàng để thật sự lành mạnh hóa hệ thống khi kết thúc tiến trình cơ cấu lại, tránh tình trạng "tái" đi, "tái" lại như thời gian vừa qua. Công việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chỉ thành công khi gắn kết với cơ cấu lại từng ngân hàng thương mại (từ cơ cấu lại vốn điều lệ đến cơ cấu lại tài sản Có và tài sản Nợ của mỗi ngân hàng). Ðặc biệt cần xử lý vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung.

 

Kết thúc cuộc tọa đàm, thay mặt các cơ quan tổ chức, đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cảm ơn và ghi nhận các ý kiến của các đại biểu đã trao đổi trực tiếp tại tọa đàm cũng như các ý kiến đóng góp bằng văn bản cho cuộc tọa đàm này. Báo Nhân Dân sẽ lần lượt đăng tải ý kiến đóng góp của các đại biểu trên chuyên mục riêng trong thời gian tới. Các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư; Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh các đề án được Chính phủ giao, nhằm thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được Ðảng, Nhà nước đề ra.

 

Theo Nhân Dân

 

.
.
.
.