.
.

Việc gì cũng phải làm thật

Thứ Bảy, 24/03/2012|22:46

Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết có nội dung được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mỗi khi đảng viên tự phê bình thường nói: “Tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng…” và “trung thành với Đảng, tin yêu chế độ…”. Điều đó có được là do Đảng ta đã có truyền thống vẻ vang, lớp lớp đảng viên của Đảng đã không tiếc máu xương hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân. Trong nhiều đảng viên, cán bộ gương mẫu, tôi được biết đồng chí Se Bân rất tận tụy, liêm khiết. Có lần đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ chuyển 2 bao tải tiền từ miền Nam ra miền Bắc, đồng chí giao tận nơi, không suy suyển một xu. Đồng chí Se Bân tên thật là Mai Đắc Bân, tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm đầu thành lập Đảng, được Đảng tin cậy giao làm công tác kinh tài. Đồng chí đã vượt bao gian khó, suốt đời sống liêm khiết, tận tụy với Đảng theo gương đồng chí Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng).

Cuộc sống luôn phát triển và nảy sinh nhiều vấn đề mới. Nhất là khi nền kinh tế nước ta hoạt động theo cơ chế thị trường, mặt trái tác động mạnh vào lối sống của từng người, khi làm giàu được khuyến khích. Trong xã hội hiện nay, phân hóa giầu nghèo quá xa, kẻ sống như đế vương, người khó khăn nai lưng kiếm từng đồng xu, “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Ngay trong Đảng, nhiều cán bộ có chức, quyền có cuộc sống giàu sang không phải bằng thu nhập chính đáng, khác hẳn mức sống của số đông cán bộ, đảng viên và dân chúng.

Chúng ta hãy bình tâm, suy ngẫm tự hỏi:
1. Cái gì đã làm suy giảm lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ?
2. Cái gì làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, của không ít cán bộ chủ chốt, dân không tôn trọng, không tin?

Phải chăng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Công tác xây dựng đảng được Trung ương (TƯ) rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu và: Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm sói mòn lòng tin đối với Đảng. Trong vô vàn nguyên nhân, nổi lên là nhiều cán bộ, đảng viên bị khuất phục bởi sức mạnh của đồng tiền. Người có chức quyền thì ham đặc quyền, đặc lợi, chủ nghĩa cá nhân lấn át, che mờ đạo đức; kẻ làm giàu bất chính thì bằng mọi thủ đoạn hối lộ, mua chuộc bằng tiền, bằng gái, làm mờ đi ánh hào quang “làm công bộc của dân”. Thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Bộ Chính trị ngày 31-10-1998 nêu rõ: “Điều chủ yếu phải nhấn mạnh là người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức đảng, nhà nước, các đoàn thể quần chúng số đông hư hỏng, thoái hóa biến chất, chạy theo chức, quyền, tiền, danh lợi đang làm cho phần lớn nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin đối với Đảng ta, đưa đến nguy kịch, không thể coi thường…

Tư lợi, đặc quyền, dẫn đến quan liêu, xa dân… Để bảo vệ tài sản, quyền lợi, những người có quyền thế dùng mọi thủ đoạn để che lấp những quan điểm, hành động sai trái - làm không THẬT. Điều đó đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết  TƯ 6 (2) kéo dài gần 8 năm (2-1999 – 6-2006), lấy tự phê bình và phê bình làm trọng tâm, một tỉnh báo cáo lên Ban chỉ đạo TƯ 6 (2): “Phê bình đạt kết quả tốt, sau tự phê và phê bình đoàn kết, tổ chức đại hội thắng lợi, bầu ra BCH mới tốt”. Nhưng chỉ sau 10 ngày, nhiều đơn thư gửi lên Trung ương nói rằng họ phê bình xuê xoa, bao che cho tiêu cực, tham nhũng…

Tham nhũng và chống tham nhũng là một nội dung lớn mà bộ phận thường trực Ban chỉ đạo TƯ 6 (2) theo sát, góp phần chỉ đạo xử lý rất chặt chẽ, nhưng đến nay tham nhũng không giảm, nhiều vụ lớn vẫn bùng lên, ngày càng tinh vi, như vụ Vinashin, vụ đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng).... Dư luận xã hội rất gay gắt về việc cán bộ lợi dụng chức quyền chiếm đất, nhhà, lợi dụng chính sách đặc lợi, đặc quyền … Nhiều vụ việc bê bối, hủ bại trong lối sống của một số cán bộ cao cấp đã và vẫn đang gây dư luận xấu trong nhân dân. Vì vậy chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi cấp thiết của  Đảng, tác động trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, lần này phải làm tốt, làm THẬT. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp”, "khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Tôi đã bám sát Nghị quyết TƯ 4 khóa XI từ khi dự thảo để trình Hội nghị Trung ương. Theo dõi qua bài phát biểu khai mạc, bế mạc của Tổng Bí thư, khi ban hành, theo dõi Hội nghị cán bộ toàn quốc các ngày 27, 28, 29-2-2012, ý kiến các nơi, các cuộc tọa đàm trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến đồng chí Lê Phước Thọ, Nguyên trưởng Ban Tổ chức TƯ, ý kiến đồng chí Lê Viết Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ và từ kinh nghiệm đợt chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết TƯ 6 (2), điều tôi rút ra là:

1. Chuẩn bị cần thật chu đáo, kỹ lưỡng, tiến hành có bước đi chắc chắn.

2. Chọn những khâu đột phá, Trung ương làm gương cho các cấp, các ngành và trong toàn Đảng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia. Tất cả các khâu cần phải làm thật, tạo chuyển biến cụ thể.

Phải chăng những đột phá đó là:

- Tự phê bình và phê bình trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo phương châm làm từ trên xuống. “Từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại…” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.

- Quy hoạch BCHTƯ nhiệm kỳ XII, đặc biệt là Tổng Bí thư. Đồng thời quy hoạch tổng thể cán bộ của hệ thống chính trị, tạo nguồn cán bộ dồi dào để thực hiện chủ trương bầu cử có số dư ở các chức danh.

- Xây dựng quy chế về trách nhiệm của Tổng Bí thư - người đứng đầu của Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn diện đất nước. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và các chế độ chính sách đãi ngộ tương xứng theo hướng: Phải rõ bổn phận là công bộc của dân, sát dân, dân chủ. Triệt để tiền tệ hóa tiền lương, bảo đảm cho cán bộ đủ sống và nuôi gia đình. Đồng thời xóa bỏ các chính sách đặc quyền đặc lợi. Ví dụ chế độ ưu đãi suốt đời với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

- Ngăn chặn, xóa bỏ tệ nạn chạy chức, chạy quyền. Thanh lọc những ủy viên trung ương, đại biểu quốc hội không bảo đảm phẩm chất, năng lực, bị dư luận lên án làm gương cho việc làm trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị nước nhà.

- Chấn chỉnh bộ máy chống tham nhũng. Nên xây dựng bộ máy chống tham nhũng của Nhà nước độc lập với Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng và kiểm soát của Quốc hội, được giao đủ thẩm quyền và gồm những người có bản lĩnh, năng lực, có đạo đức và đời sống liêm chính. Bộ máy gọn nhẹ, được sử dụng, phối hợp các cơ quan kiểm tra, thanh tra, công an,  kiểm sát, tòa án để thi hành nhiệm vụ.

- Trên cơ sở phát triển sản xuất, quản lý tốt nguồn thu, dần  nâng cao đời sống dân nghèo, nhất là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, nông dân; thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, khuyến khích làm giàu chân chính bằng sức lao động và trí tuệ theo nhiều tấm gương đã và đang xuất hiện.

- Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính đúng hướng đi đôi với kiểm kê, kiểm soát, làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Trên đây là những khâu đột phá, cần làm THẬT, không hình thức. Đồng thời, cần nghiên cứu, đổi mới công tác cán bộ. Trong đó chú ý: 
- Đánh giá cán bộ sao cho thực chất, hiệu quả.
- Bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương.
- Cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó.
- Mở rộng, phát huy thực chất dân chủ trong Đảng.

Ngô Minh Giang
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
.
.
.
.