Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Tăng hiệu quả đầu tư và năng lực quản trị doanh nghiệp
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) để trình Chính phủ. Trong đề án, ngoài việc thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính theo yêu cầu Chính phủ, thì việc bổ sung lĩnh vực phát triển khu công nghiệp (KCN) và đặc biệt là sắp xếp lại mô hình tổ chức, quản lý DN là nội dung trọng tâm.
Các dự án dở dang: Hoàn chỉnh trước, thoái vốn sau
Theo ông Phạm Văn Thành - Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG, từ nay đến năm 2015 VRG sẽ có khoảng 10 công ty thoái vốn ngoài ngành nghề chính. Thoái vốn theo hướng các công ty đủ điều kiện sẽ hoàn tất thủ tục để giao dịch và bán chủ yếu trên sàn chứng khoán. Với những công ty đã kinh doanh nhưng chưa đủ điều kiện giao dịch trên sàn sẽ tìm đối tác quan tâm chuyển nhượng cổ phần.
Với các dự án đang trong giai đoạn đầu tư, chưa có hiệu quả, chưa đủ điều kiện để thoái vốn (điển hình là các dự án thủy điện), VRG sẽ tiếp tục đầu tư theo cam kết để đảm bảo dự án hoàn thành. Sau khi hoàn thành dự án sẽ từng bước thoái vốn theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Có ý kiến cho rằng lĩnh vực thủy điện nên tập trung nguồn lực đầu tư dứt điểm, nếu càng kéo dài sẽ tăng vốn đầu tư, càng khó hoàn thành và chuyển nhượng. Những công ty VRG nắm dưới 30% vốn sẽ thực hiện thoái vốn triệt để để tập trung vốn vào công ty VRG trực tiếp quản lý. Việc thoái vốn sẽ được xác định lộ trình, giải pháp và bước đi cụ thể cho từng công ty.
Cũng có ý kiến cho rằng việc tìm được đối tác để chuyển nhượng vốn trong thời điểm hiện tại là cực kỳ khó khăn. Có thể xem xét việc chuyển vốn giữa ngành nghề phụ của VRG đồng thời là ngành nghề chính của đối tác khác và ngược lại. Ví dụ như chuyển nhượng dự án điện cho TĐ Điện lực VN… Ông Huỳnh Văn Bảo - Trưởng ban Tài chính Kế toán VRG, cho rằng về các lĩnh vực như tài chính, góp vốn vào các quỹ hay ngân hàng nên thực hiện chuyển nhượng ngay, nhất là các cổ phần, cổ phiếu được phép giao dịch trên sàn.
Phát triển khu công nghiệp là lĩnh vực chính?
Trong công tác cổ phần hóa (CPH), đề án đưa ra những đánh giá mặt được, chưa được của CPH, về mức độ đáp ứng của các công ty khi CPH. Về lộ trình, các ý kiến cho rằng nên thực hiện chậm lại theo chỉ thị của Chính phủ về việc thí điểm CPH nông lâm trường quốc doanh, trong đó có ngành cao su, hiện nay chưa có tổng kết công tác này. Hơn nữa, thực tế trong điều kiện ảm đạm của thị trường chứng khoán hiện nay thì CPH sớm sẽ làm mất nguồn lực bổ sung cho các công ty, sẽ thực hiện khi có điều kiện thích hợp. Trong đề án đề nghị việc bán CP để chuyển thành công ty đại chúng bao gồm cả công ty cao su lẫn công ty thuộc ngành khác, tuy nhiên số công ty cao su hiện nay không nhiều vì phần lớn hiệu quả chưa cao. Ông Thành cho biết, chỉ có Công ty CPCS Việt-Lào đến năm 2015 mới tương đương các công ty tại Tây Nguyên hiện nay. Còn các công ty thuộc ngành khác sẽ tiến hành bán CP song song với việc thoái vốn ngoài ngành chính.
Một nội dung quan trọng khác của đề án là bổ sung ngành nghề chính, cụ thể là chứng minh việc phát triển KCN hiệu quả để được công nhận là ngành nghề chính, bên cạnh lĩnh vực trồng, chế biến cao su, gỗ và công nghiệp cao su. Hiện nay mỗi năm diện tích cao su thuộc VRG thanh lý để phát triển KCN theo yêu cầu của địa phương là khá lớn, nhất là tại những tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Lãnh đạo VRG cho rằng, có thể giữ lại đất cao su để phát triển mạnh lĩnh vực này thay vì giao về cho địa phương. Đến nay, một số công ty cũng đã đầu tư phát triển KCN từ diện tích đất cao su, việc được công nhận là ngành nghề chính sẽ là cơ sở để tiếp tục đầu tư vào các KCN đang dở dang. “Nếu ta không đưa vào ngành nghề chính sẽ mất lợi thế vì diện tích đất đai lớn”, ông Phạm Văn Hiền – Phó TGĐ VRG bày tỏ quan điểm.
Tuy vậy, cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại về hiệu quả của lĩnh vực này, nhất là khi hiện nay chỉ có KCN Nam Tân Uyên chứng minh được hiệu quả, còn các KCN khác vẫn đang trong quá trình đầu tư, nhất là các KCN trên đất ngoài cao su. Phó TGĐ Lê Xuân Hòe còn đề nghị đưa KCN vào ngành chính nên kết hợp với đầu tư khu dân cư tại KCN, bởi phát triển KCN phải gắn liền với khu dân cư, giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân. Tán thành ý kiến này, ông Võ Sỹ Lực - Chủ tịch CĐ Cao suVN cho biết thêm, một bộ phận công nhân cao su hiện nay không có đất để làm nhà ở. Quỹ Mái ấm CĐ có hỗ trợ tiền cho công nhân làm nhà nhưng CN không có đất, vì vậy phải xác định lĩnh vực KCN, khu dân cư là nguồn lực để phát triển.
Sắp xếp mô hình tổ chức: Định hướng quy hoạch công ty hạt nhân để trở thành công ty mẹ
Ông Phạm Văn Thành cho biết, VRG đang quản lý 116 công ty mà VRG chiếm trên 30% vốn điều lệ và khoảng từ 40-50 công ty liên kết khác, là tập đoàn có quy mô tổ chức lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên công tác quản lý, tổ chức các đơn vị thành viên này hiện nay chưa đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết và đồng đều, công cụ quản lý chưa hiện đại, tiếp cận thông tin chậm và chưa chính xác. Theo ông Thành, trong công tác sắp xếp lại mô hình tổ chức, đề án chỉ nêu định hướng, còn thực hiện chỉ khi có điều kiện chín muồi. Lý do là hiện nay VRG quản lý quá nhiều đầu mối nên dẫn đến bộ máy bị sa đà vào giải quyết sự vụ, trong khi nhiều lĩnh vực hiện nay VRG chưa thực hiện đúng vai trò hỗ trợ về kỹ thuật, thị trường, như các lĩnh vực gỗ, công nghiệp cao su, khu công nghiệp. Nếu hình thành các công ty mẹ (TCT) theo từng vùng, theo ngành nghề (như Tây Bắc, Lào, Campuchia, Gỗ, Khu công nghiệp, Thủy điện…) thì việc hỗ trợ sẽ sâu sát hơn. Lúc đó bộ máy TĐ sẽ quản lý những công ty lớn và công ty mẹ, tập trung về các đầu mối lớn sẽ quản lý hiệu quả hơn so với ôm đồm quá nhiều công ty nhỏ như hiện nay.
Dẫn chứng các TĐ, TCT khác cho thấy, TĐ Điện lực thì có các TCT điện lực theo từng vùng, TCT Xăng dầu thì có các công ty xăng dầu khu vực I, II, III…VRG hiện cũng quản lý diện tích cao su trải dài theo từng khu vực: miền Đông, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc, Lào, Campuchia nên việc hình thành các TCT theo khu vực này cũng hợp lý hơn.
Tuy nhiên, theo ông Thành, trong điều kiện hiện nay thành lập TCT chưa thể thực hiện được, do chưa hình thành được những công ty đủ năng lực để trở thành công ty mẹ, cả về năng lực quản lý của lãnh đạo, khả năng vốn và năng lực về kỹ thuật. Hơn nữa, việc sắp xếp theo mệnh lệnh hành chính dễ bị phản tác dụng. Ông Thành lý giải một số TĐ, TCT nước ta sau khi hình thành không thành công, thậm chí yếu hơn một phần xuất phát từ lý do mệnh lệnh hành chính. Bởi vậy sẽ định hướng quy hoạch các công ty hạt nhân, có biện pháp hỗ trợ đặc biệt để công ty này đảm nhận nhiệm vụ công ty mẹ khi có điều kiện.
Tái cơ cấu là điều kiện tốt để VRG sắp xếp lại mô hình quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, là cơ hội để ta đánh giá lại mình. Nếu không có chủ trương của Đảng, Chính phủ thì VRG cũng thực hiện. Quan trọng là thực hiện như thế nào. VRG thực hiện theo đặc điểm, thực trạng của mình, không theo nguyên tắc chung. TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận |
Theo TGĐ Trần Ngọc Thuận, trong đề án tái cơ cấu, cần phải xem lại cơ cấu ngành nghề như thế nào là hợp lý, tăng, giảm ngành nào. “Ngành tài chính thì thoái triệt để, du lịch giảm dần, lĩnh vực đầu tư hạ tầng BOT thoái đến một mức độ nào đó”, TGĐ chỉ rõ. Với lĩnh vực trồng cao su, xác định sẽ đạt quy mô 500.000 ha vào năm 2015. Về gỗ là sản phẩm MDF và gỗ tinh chế từ nguồn nguyên liệu cao su thanh lý và gỗ rừng trồng. Đối với sản phẩm công nghiệp cao su, sẽ liên doanh liên kết với các đối tác có kinh nghiệm, năng lực để sản xuất vỏ ruột xe, ngoài ra sẽ sản xuất những sản phẩm khác bằng hình thức mua cổ phẩn hoặc liên kết. Định hướng từ nay đến năm 2015 sẽ sản xuất được sản phẩm không chi phối, còn sản phẩm chi phối (vỏ ruột xe) sẽ thực hiện sau năm 2015.
Nguyên Khánh