.
.

Để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả, cần phân loại đúng đối tượng

Thứ Hai, 28/05/2012|07:43

“Kinh tế trong nước hiện đang phải gặp nhiều khó khăn, việc Chính phủ ban hành gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là điều kiện tốt để doanh nghiệp có thể bứt lên và phát triển. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ triển khai một cách hiệu quả nhất thì cần phải có sự công khai, minh bạch và phân loại đúng đối tượng doanh nghiệp cần”.

TS. Cao Sỹ Kiêm (ảnh: P.H)
TS. Cao Sỹ Kiêm (ảnh: P.H)

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.

PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó, Chính phủ quyết định dành gói hỗ trợ lên tới 29000 tỷ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo ông, gói hỗ trợ này sẽ có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp hiện nay? 

TS. Cao Sỹ Kiêm: Kinh tế trong nước hiện đang phải gặp nhiều khó khăn, đó là sức mua đang giảm xuống, tồn kho cao, nhập khẩu giảm xuống… Việc Chính phủ ban hành gói giải pháp hỗ trợ lần này là rất cần thiết và cũng là điều kiện để doanh nghiệp có thể bứt lên và phát triển. 

Trước đây, chúng ta chỉ có giãn, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng bây giờ bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất và hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, giải quyết hàng tồn kho... Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ rất mừng. Tuy nhiên, cần phải xác định cụ thể gói hỗ trợ này sẽ giải quyết cho ai. Nghĩa là cần phải có những tiêu chí cụ thể để sự hỗ trợ thực sự đến được với địa chỉ cần. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho doanh nghiệp. 

PV: Trong thời gian qua, Nhà nước liên tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, song doanh nghiệp hầu hết đều “kêu” vì ngày càng rơi vào cảnh bế tắc. Phải chăng là những giải pháp mà chúng ta đưa ra chưa thực sự là giải pháp mà doanh nghiệp cần, thưa ông? 

TS. Cao Sỹ Kiêm: Những giải pháp mà Chính phủ ban hành trong thời gian qua đều rất thiết thực. Có thể thấy, Chính phủ luôn đồng hành với những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, sự hỗ trợ của Nhà nước bao giờ cũng chỉ là một phần để động viên, khích lệ doanh nghiệp, còn muốn trụ vững thì quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tự nỗ lực, tự đánh giá lại mình, xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình và phải tự vươn lên, thì mới có thể phát triển bền vững được. 

Bài học trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, đó là mỗi doanh nghiệp phải hoạch định chiến lược rõ ràng để phát triển. Thực tế, trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp thành lập quá nhanh nên chưa chuẩn bị những yếu tố cần và đủ để tiếp cận thị trường, do đó mà đã gặp nhiều rất rào cản và dẫn đến đổ vỡ. 

PV: 
Như ông nói, vướng mắc hiện nay cần xác định rõ đó là tiêu chí. Vậy chúng ta cần phải phân loại doanh nghiệp như thế nào để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, thưa ông? 

TS. Cao Sỹ Kiêm: Chúng ta phải phân loại cụ thể theo nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào khó khăn do khách quan thì phải có trách nhiệm giúp đỡ, vực họ dậy để tiếp tục phát triển. Còn những doanh nghiệp gặp khó khăn do chủ quan, do yếu kém trong quản lý, điều hành, không thích nghi được thì khó có thế cứu và nếu có cố gắng cứu vớt những doanh nghiệp như thế sẽ có thể kéo cả tình hình chung xuống xấu hơn. Nói thật, khi doanh nghiệp đã quá yếu kém, không đủ sức để tồn tại thì chúng ta cũng nên để nó giải thể. 

PV: Theo ông, giải pháp nào để gói hỗ trợ 29000 tỷ triển khai hiệu quả nhất, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn? 

TS. Cao Sỹ Kiêm: Với gói hỗ trợ này, để triển khai một cách hiệu quả nhất thì có ba việc mà chúng ta phải làm. Một là, đánh giá cho rõ thực trạng của doanh nghiệp, của thị trường; Hai là, phải cụ thể hóa giải pháp và công khai hóa giải pháp; ba là, phải có lộ trình thực hiện một cách nghiêm minh và phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, kịp thời xử lý các vi phạm. 

Làm được tất cả những yếu tố này sẽ góp phần để gói hỗ trợ đến đúng được với địa chỉ cần. Có như vậy, chúng ta mới có thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thu nhập cho người dân, từ đó, làm cho sức mua tăng lên, giải quyết được tồn kho… 

PV: 
Xin trân trọng cảm ơn ông! 
 

Phạm Hằng (thực hiện)

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

.
.
.
.