Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam: Sợ quyết định sai
Giới doanh nhân Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ tâm lý “sợ sai” khi ra quyết định.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đã chia sẻ một kết cục buồn về một doanh nghiệp có tuổi đời 8 năm khá huy hoàng vừa chết rụi trong vòng một tháng rưỡi. Không muốn đề cập cụ thể đến tên tuổi này, song ông Đoàn tiết lộ, nguyên nhân là sai lầm trong những quyết định quan trọng của lãnh đạo doanh nghiệp.
Cơ hội sẽ mở cửa đối với các doanh nghiệp sáng tạo, mạnh dạn thực hiện các kế hoạch kinh doanh dựa trên các nghiên cứu thị trường đầy đủ |
Tất nhiên, có thể đây không phải là trường hợp duy nhất, doanh nghiệp ra đi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô diễn biến phức tạp, gây nên hiệu ứng đô-mi-nô trong những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, song lý do doanh nghiệp phá sản vì quyết định sai của lãnh đạo doanh nghiệp đang nổi lên là vấn đề lớn.
Trong kết quả khảo sát về chất lượng lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được công bố cuối tuần trước, trong Ngày Nhân sự Việt Nam 2012 (Vietnam HRday2012) tại Hà Nội, có tới 44,2% lãnh đạo doanh nghiệp sợ sai khi ra quyết định, gần 26% gặp khó khăn khi phải quyết định, có tới hơn 10% lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận không có sự nhất quán giữa ban điều hành và hội đồng quản trị trong các quyết định liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
“Điều này là dễ hiểu khi môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, rủi ro do thay đổi chính sách đang khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không thể đưa ra những dự báo trong kinh doanh một cách sát sao”, ông Lê Quân, Trưởng ban tổ chức Vietnam HRday2012 phân tích trên cơ sở kết quả khảo sát 478 phiếu khảo sát từ lãnh đạo doanh nghiệp 21 ngành, lĩnh vực, gồm chứng khoán, công nghệ thông tin, xây dựng, bất động sản, thương mại, chế biến thực phẩm…, hoạt động chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng và Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào chính những nhận định của các vị lãnh đạo doanh nghiệp này, cũng có thể thấy, khả năng dự báo và nắm bắt tình hình kinh tế vĩ mô, cơ sở để xây dựng kế hoạch của doanh nghiệp, đang rất đáng báo động.
Trong khảo sát này, trên 54% doanh nghiệp cho rằng, phải mất 24 tháng nữa, kinh tế Việt Nam mới có thể có dấu hiệu phục hồi; 37% tin rằng, mọi việc sẽ tốt hơn trong 12 tháng nữa; 9% lạc quan với khoảng thời gian chờ đợi tín hiệu tốt của nền kinh tế chỉ sau khoảng 6 tháng. Nhưng chỉ cách đây 10 tháng, trong cuộc khảo sát tương tự về việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2012, đa phần doanh nghiệp cho rằng, tình hình kinh tế sẽ tốt hơn trong năm nay.
“Có thể thấy, doanh nghiệp đã quá lạc quan khi lập kế hoạch cho năm 2012. Và sự lạc quan này đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì không dự liệu đúng rủi ro và chuẩn bị đúng kịch bản đối phó”, ông Lê Quân phân tích và nhấn mạnh đến những điểm yếu đang lộ rõ trong quản trị của nhiều vị đứng đầu doanh nghiệp, như không chú trọng đến cân bằng tài chính, quản trị dòng tiền, quản trị khả năng thanh toán và đầu tư tăng trưởng, đa dạng hoá ngành nghề.
Hệ lụy của nó có thể là sự bùng nổ quá nhanh của các doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình, mà điển hình là hầu như doanh nghiệp nào được thành lập trong vài năm trở lại đây đều tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán…
Cũng không thể không đề cập đến thực tế là, hầu hết các vị trí lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp không có bảng mô tả công việc một cách cụ thể. Đây là lý do trong Ngày Nhân sự Việt Nam, các doanh nhân không thống nhất được các tiêu chí định lượng cho các yêu cầu về tâm, tài, tầm mà nhiều doanh nhân Việt Nam đang đặt mục tiêu cho mình.
Thêm vào đó, trong khảo sát đánh giá lãnh đạo từ nhân viên của mình cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam ít biết lắng nghe và hành xử theo quy tắc chuẩn… Đây cũng là một trong những lý do khiến họ cảm thấy run tay trong các quyết định liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp cần nắm rõ biến động thị trường tới cả các đối thủ, đối tác của mình” Ông Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Doanh nghiệp Việt Nam cần lập nhóm nghiên cứu và theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô, xem tình hình xuất khẩu, tỷ giá, đầu tư… trên thế giới, trong nước đã thay đổi, biến động thế nào, tác động đến không chỉ doanh nghiệp mình, mà cả các đối tác, đối thủ của mình ra sao. Nhiều doanh nghiệp vì không để ý đến biến động của thị trường, mà đã không biết rằng, đối tác hoạt động rất tốt của mình trong tháng trước, nay đang ngập trong nợ nần… Kinh tế khó khăn không có nghĩa là các cơ hội đều đóng cửa. Vấn đề là cơ hội sẽ mở cửa đối với các doanh nghiệp sáng tạo, mạnh dạn thực hiện các kế hoạch kinh doanh dựa trên các nghiên cứu thị trường đầy đủ. Các lĩnh vực như y tế, giáo dục…, theo tôi, vẫn đang có nhiều cơ hội. “Không thể duy trì thói quen trình diễn các giá trị không có thật” Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT Có một số điều doanh nhân nên làm vào lúc này. Một là, tái cấu trúc chi phí. Trong lúc doanh thu không có, doanh nghiệp không thể duy trì thói quen “trình diễn” các giá trị không có thật. Hai là, bằng mọi giá phải giữ chân người tài. Nhiều người trong số họ đang bị chèo kéo bởi các doanh nghiệp khác, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ba là, hiện là lúc suy nghĩ về chiến lược, tìm lối ra bằng chính năng lực của mình. Tôi muốn các doanh nhân tự đặt câu hỏi rằng, họ đang dành bao nhiều thời gian để tư duy cho sự nghiệp, bao nhiêu thời gian cho các mối quan hệ. “Thông tin đầy đủ tình trạng của doanh nghiệp cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên” Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Tập đoàn Seatech Tôi hoạt động trong nhóm ngành nhà thầu cơ điện lạnh, phải làm sâu thì mới bền được. Chúng tôi đã quyết định giảm bớt xây dựng hình ảnh bên ngoài, quay về xây dựng vững chắc bản sắc, văn hoá doanh nghiệp. Cách đây 1 năm, khi nhận thấy tình hình kinh tế khó khăn, chúng tôi đã quyết định thông tin một cách đầy đủ về tình trạng của doanh nghiệp cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên, đồng thời ban bố chính sách “cộng sản thời chiến”. Nhờ dự liệu được tình hình, từng nhân viên đều hiểu và tự cải thiện năng suất của chính mình để bù đắp lại những phần mất đi. Nhờ vậy, chúng tôi đã đạt được kết quả là tăng 10% lương cho người lao động trong năm nay. |
Theo Dautu