.
.

Sở hữu chéo và vốn ảo trong hệ thống ngân hàng

Thứ Ba, 09/10/2012|13:35

Theo TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), rủi ro hoạt động hệ thống ngân hàng liên quan tới tình trạng sở hữu chéo cổ phần (giữa các ngân hàng thương mại, các tập đoàn/tổng công ty có các hoạt động liên quan tới hoạt động tài chính, bất động sản). Tình trạng này tạo ra các nhóm lợi ích có thể chi phối thị trường, gây khó tách bạch sở hữu, do vậy cản trở quá trình giám sát, tái cơ cấu ngân hàng. Vấn đề sở hữu chéo cũng khiến nợ xấu, nợ quá hạn dắt dây trong toàn bộ hệ thống, và khó có thể khoanh vùng để giải quyết.

Nhìn nhận lại lịch sử của sở hữu chéo, ông Tomoyuki Kimura – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: Bản chất sở hữu chéo không phải là xấu. Sở hữu chéo giữa NH lớn với NH nhỏ là khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Khi có tình huống xấu xảy ra, NH lớn có thể giúp NH nhỏ bằng việc đưa thêm nhân lực, tư vấn cách quản lý, điều hành… Sở hữu chéo trở thành vấn đề khi nó không được quản lý chặt chẽ, gây hậu quả xấu.

Trở lại với câu chuyện của Việt Nam, ông Thành khẳng định thực tế có việc các ngân hàng đầu tư chéo vào nhau, nắm cổ phần của nhau, qua đó giúp nhau nâng vốn điều lệ một cách nhanh chóng. “Điều này có thể xác thực ở tình hình Việt Nam nếu quan sát hai điểm. Thứ nhất là những vụ việc gần đây và dòng tiền đầu tư của các ngân hàng thương mại; Thứ hai là trong thời gian quá ngắn, người ta có thể  tạo được nguồn vốn rất lớn để tăng vốn điều lệ (vốn sở hữu của ngân hàng). Điều đó cho thấy vốn ảo là có thực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam”.

Trước thực tế này, ông Thành cảnh báo: “Điều này nguy hiểm ở chỗ, sở hữu chéo làm sai lệch việc đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng. Vì rất nhiều chỉ số dựa trên số vốn sở hữu mà ngân hàng có, trong khi vốn đó là vốn ảo. Khi các chỉ số không chính xác thì dẫn đến sai lệch cả về quản trị ngân hàng cũng như việc giám sát đối với hệ thống tài chính”.

Rủi ro thị trường tài chính ngân hàng mang tính hệ thống, dù rủi ro ấy ban đầu chỉ xuất phát từ một vài tổ chức riêng lẻ. Vì đó là quan hệ giữa dòng tiền với nền sản xuất kinh tế thực. Rủi ro này khi vỡ, do quan hệ “lằng nhằng” do sở hữu chéo giữa các ngân hàng, thì không chỉ lan tỏa đối với hệ thống sản xuất kinh doanh ngoài ngân hàng mà ngay cả trong ngân hàng.

Nếu Nhà nước có khả năng giám sát, khung khổ pháp lý chặt chẽ thì hạn chế được rủi ro. Ngược lại sẽ dẫn đến rủi ro đạo đức. Bản thân các định chế tài chính, đặc biệt là hệ thống tài chính lớn, họ đều biết từ khi sinh ra là rủi ro của họ mang đến rủi ro hệ thống. “Nhưng có lẽ các ngân hàng đều dựa vào việc Chính phủ sẽ lại bỏ tiền đứng ra cứu khi có rủi ro, nếu không thì cả hệ thống sụp đổ. Ai cũng hiểu cần chặn rủi ro ngay từ đầu. Nhưng trên thực tế không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều giai đoạn khủng hoảng cho thấy thế giới đều vấp phải sai lầm như thế” – TS Võ Trí Thành dẫn chứng.

Về mối quan hệ giữa nợ xấu và sở hữu chéo, TS Võ Trí Thành phân tích, nợ xấu là hệ lụy của câu chuyện sở hữu chéo. Nếu giám sát không chặt chẽ, dòng tiền có thể chuyển cho vay các dự án sân sau do chính những người chi phối hoặc làm chủ ngân hàng làm chủ. Như vậy, rõ ràng nguồn lực dễ không được đánh giá, giám sát đầy đủ, dễ dẫn đến câu chuyện nợ xấu. Khi đã xuất hiện nợ xấu, thì việc xử lý khó khăn hơn nhiều, vì mối quan hệ lằng nhằng của sở hữu chéo.

“Như vậy có hai phí tổn, một là nguồn lực phân bổ không hiệu quả dẫn đến rủi ro cao, đó là nợ xấu. Và thứ hai là xử lý nợ xấu gắn với câu chuyện sở hữu chéo với các mối quan hệ lằng nhằng rất phức tạp” – ông Thành nói.

Làm gì để ngăn chặn sở hữu chéo? Theo ông Thành, cần có một bức tường lửa giữa ngân hàng đầu tư và thương mại. “Phải có sự tách bạch rõ ràng. Một số nước họ còn xây dựng bức tường lửa ngăn giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư” – ông Thành nói.

Bảo hiểm tiền gửi phải được quan tâm

Vào những thời điểm khủng hoảng, các nước đặc biệt quan tâm cải tổ mạnh mẽ hệ thống tài chính ngân hàng. Những quy định thông thường về bảo hiểm tiền gửi đều được nâng lên rất mạnh, thậm chí bảo hiểm 100% giá trị khoản tiền gửi. Điều này có ý nghĩa quan trọng để có được mức độ ổn định trong quá trình tái cấu trúc hay cải cách để lành mạnh hệ thống ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi cũng để giảm bớt khó khăn khi khủng hoảng. Ở các nước thời khủng hoảng 2008 - 2009, bảo hiểm tiền gửi giúp tránh tình trạng người dân quá lo lắng, ồ ạt đến ngân hàng rút tiền.

Về vấn đề này, ông Thành lưu ý hai trạng thái, đó là trong điều kiện bình thường, chúng ta cần một tỷ lệ bảo hiểm tiền gửi nhất định, nhưng cũng đảm bảo nếu ngân hàng làm ăn kém thì phải rút khỏi thị trường và phá sản. Còn trong khủng hoảng mà cần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thì có thể Nhà nước buộc chấp nhận bảo hiểm tiền gửi phải mạnh mẽ, thậm chí là 100%.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình và các cộng sự, TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra rằng, giải pháp về tăng mức phí bảo hiểm tiền gửi lại không nhận được sự ủng hộ và hiệu quả rất thấp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính người dân phải tự chịu trách nhiệm về việc lựa chọn các NH uy tín để gửi tiền, chứ không phải chạy đua theo lãi suất. Khi đó, việc đảm bảo công khai, minh bạch thông tin trong hệ thống NH sẽ càng có vai trò quan trọng. Nếu mức bảo hiểm có tăng lên nữa, thì khi rủi ro xảy ra, người thiệt hại đầu tiên sẽ là người gửi tiền, trừ trường hợp bảo hiểm 100%. Bên cạnh đó, phí bảo hiểm tiền gửi nên được tính theo mức độ rủi ro của NH, chứ không phải là mức đồng đều 0,15% tính trên dư nợ tiền gửi, mức bảo hiểm cũng nên tính theo tỷ lệ phần trăm của món tiền gửi chứ không phải một mức 50 triệu như hiện nay.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, về dài hạn cần xây dựng hệ thống pháp lý để Bảo hiểm tiền gửi có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật đề xử lý các NH đổ vỡ và xây dựng hệ thống pháp lý cho phép các NH phá sản. Hai nhóm giải pháp này có quan hệ chặt chẽ với nhau, vì chỉ khi nào pháp luật cho phép các NH phá sản, và Bảo hiểm tiền gửi đủ mạnh thì việc phá sản NH, xử lý các NH đổ vỡ sẽ diễn ra theo qui luật thị trường.

“Hai nhóm giải pháp này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên, chưa được đề cập đến trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015””-TS Sơn lưu ý./.  
 

PV

.
.
.
.