Đại biểu Quốc hội góp ý về Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm
Sáng nay (11/10), Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc chia các mức khác nhau để đánh giá tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là rất cần thiết. Các đại biểu cũng đồng tình với quy định của dự thảo Nghị quyết là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ của việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Theo đó, người mà 2 năm liên tiếp có trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Một số ý kiến khác đề nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc quy định lấy ý kiến tín nhiệm đối với cấp Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội vì quy định này rất khó thực hiện. Trên thực tế, nhiều cấp phó là đại biểu kiêm nhiệm.
** Sáng nay (11/10), Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội “Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”.
Các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết của Nghị quyết này, nhưng cần bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo về công tác cán bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 thành viên là những người đứng đầu do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chứ không cần lấy phiếu tất cả 389 người, không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ nhiệm và các thành viên các Ủy ban của Quốc hội như dự thảo nêu.
Đối với Hội đồng nhân dân thì quy định rõ là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và chỉ cần lấy phiếu đối với cấp trưởng. Một số ý kiến góp ý Nghị quyết cần bổ sung tiêu chí cụ thể để tránh việc bỏ phiếu mang cảm tính, cá nhân. Cũng có ý kiến cho rằng tách bạch giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm để tránh hiểu nhầm.
Ông Trần Thanh Vân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: “Tôi đề nghị phần 4 của Điều 13 cần thêm việc công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm”./.