.
.

3 thách thức trong phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam

Thứ Sáu, 02/11/2012|09:36

 

Theo ông Lê Minh Đức, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược và Chính sách công nghiệp: 3 thách thức lớn của chính sách phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam là nhận thức, năng lực, thể chế.


Việt Nam có những khó khăn riêng, đó là những quan ngại trong vấn đề làm sao để phát triển hài hoà giữa tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế...
Việt Nam có những khó khăn riêng, đó là những quan ngại trong vấn đề làm sao để phát triển hài hoà giữa tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế...

 

Trong hai ngày 31/10-1/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của “Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô tại Việt Nam” – GIZ đã tổ chức diễn đàn quốc tế về Chính sách cơ cấu và công nghiệp xanh cho Việt Nam.

Những vấn đề về tăng trưởng xanh và chính sách cơ cấu cho phát triển công nghiệp xanh đã được các diễn giả đưa ra thảo luận sôi nổi. Những kinh nghiệm hay của nước ngoài cũng được các chuyên gia các nước chia sẻ, nhằm mục đích tìm kiếm các yếu tố để thực thi thành công các chính sách cơ cấu và công nghiệp xanh cho Việt Nam.

Bà Annette Frick, Thư ký thứ  nhất, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam chia sẻ, để có một nền công nghiệp xanh nước Đức luôn khuyến khích những sáng kiến trong công nghiệp, những mô hình hay được phát huy, nhân rộng...Tuy nhiên, với Việt Nam có những khó khăn riêng, đó là những quan ngại trong vấn đề làm sao để phát triển hài hoà giữa tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế...

Vì vậy, diễn đàn lần này là  cơ hội để Việt Nam phân tích và đánh giá tình hình, từ đó giúp chính phủ đưa ra những giải pháp cụ thể hướng tới hình thành những khu công nghiệp xanh. “Cộng hoà Liên bang Đức luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong phát triển công nghiệp xanh”, bà Annette Frick khẳng định.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, ngày nay, vấn đề cấp thiết đặt ra tại các quốc gia châu Á Thái Bình Dương đang không ngừng phát triển kinh tế với mục tiêu giảm đói nghèo nhằm đạt được mục tiêu tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, sự xuống cấp về môi trường, biến đổi khí hậu và suy thoái về  nguồn lực đang ngày càng gia tăng đòi hỏi các nước này phải đánh giá lại con đường phát triển của mình. Trong đó, tăng trưởng xanh cần phải được coi như một nhánh của phát triển bền vững bởi một quốc gia không chỉ khuyến khích tăng trưởng kinh tế mà còn cần quan tâm đến các vấn đề về môi trường và xã hội...

Có thể nói, trong quá trình tăng trưởng, các ngành kinh tế, sản xuất và các yếu tố sản xuất trong ngành phải thay đổi. Chính sách công nghiệp xanh là tập hợp của nhiều chính sách cụ thể nhằm vào quá trình thích nghi với biến đổi khí hậu và các quy trình giúp tăng trưởng bằng việc sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và giảm tác động tiêu cực bên ngoài đến môi trường.

Chiến lược Tăng trưởng xanh vừa được Thủ  tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9 vừa qua đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về  một sự tăng trưởng với nền công nghệ sạch, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Đức, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược, Chính sách công nghiệp, 3 thách thức lớn của chính sách phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam là nhận thức, năng lực, thể chế. Mặt khác quá trình xanh hóa diễn ra chậm do xuất phát điểm thấp như ô nhiễm công nghiệp vẫn rất nghiêm trọng; sản xuất sạch hơn vẫn không đạt được kết quả như kỳ vọng; quản trị doanh nghiệp yếu kém, mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO.

Về năng lực sản phẩm xanh, thực tế Việt Nam mới chỉ có 3 sản phẩm được cấp nhãn xanh so với thị trường Hàn Quốc là gần 9000; thiếu sách và nguồn nhân lực đối với sẩn phẩm xanh; lực cản thị trường lớn; sản phẩm chưa phù hợp, giá thành cao. Đặc biệt, năng lực công nghiệp môi trường của Việt Nam còn yếu kém, mới chỉ có 15% chất thải sinh hoạt và gần 6% nước thải đô thị được chế biến, xử lý.

Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó  Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết Việt Nam đã bước đầu hình thành khung khổ thể chế hướng tới nền công nghiệp xanh như khung pháp luật, chính sách khuyến khích, hệ thông tiêu chuẩn định mức, cơ quan chịu trách nhiệm, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng cũng cho biết, thách thức về tài chính cho phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay là hạn chế nguồn ngân sách để thực thi chiến lược phát triển công nghiệp xanh, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn trong bối cảnh khó khăn kinh tế, chưa có những thể chế tài chính.

Trước những khó khăn, thách thức trên, theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Việt Nam cần có sự tiếp cận và giải quyết đa ngành trong thể chế và phối hợp chính sách công nghiệp xanh; sự tiếp cận theo vùng, tăng cường liên kết theo vùng; cần đề cập đến vài trò của bên liên quan khác...

Tăng trưởng công nghiệp xanh ở Việt Nam là con đường đúng đắn và hợp lý, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến  đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần bị cạn kiệt. Do đó, tăng trưởng xanh cần có khung chính sách hợp lý và lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi

Theo Baodautu.vn

.
.
.
.