03 Tập đoàn thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương ký thỏa thuận hợp tác chiến lược
Chiều 26/2, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013 – 2018.
Đến dự lễ ký có Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu; về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh; phía Vinacomin có Chủ tịch HĐTV Trần Xuân Hòa, Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn; cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN, EVN, Vinacomin; lãnh đạo các phòng, ban của 3 Tập đoàn.
Trước lễ ký hợp tác, lãnh đạo 3 Tập đoàn đã cùng nhau bàn thảo, phân tích nguyên nhân, tồn đọng, đưa ra các giải pháp trong hợp tác toàn diện giữa 3 Tập đoàn. Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực nêu rõ, PVN, EVN và Vinacomin là 3 Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2007, PVN đã ký thỏa thuận hợp tác với EVN; năm 2009, PVN ký thỏa thuận với Vinacomin và hôm nay, 3 Tập đoàn ký kết bản thỏa thuận hợp tác mới, giai đoạn 2013 – 2018.
Đồng chí Phùng Đình Thực nêu một số vấn đề cần giải quyết giữa PVN và EVN như huy động điện của EVN còn gặp khó khăn. Vào mùa mưa, nhu cầu huy động điện khí của EVN giảm, trong khi các nhà máy điện của PVN đều là nhà máy điện khí nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất điện của PVN. Trong hợp tác mua bán điện như các nhà máy Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Hủa Na, Đakđrinh, điện gió Phú Qúy… cũng cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán.
Việc mua điện của EVN từ Nhà máy Điện gió Phú Qúy, PVN đề nghị EVN nâng cấp và hợp lý hóa đường dây 220kV truyền tải điện trên đảo. Đồng thời, EVN cần nâng tỷ lệ huy động điện gió từ 50% hiện nay lên 70%. Đối với Vinacomin, Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực nêu một số vấn đề như hai bên cần đàm phán giá bán than của Vinacomin cho PVN, cụ thể là giá bán than cho 2 dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 2. PVN đề nghị hợp đồng mua bán than cần thống nhất 2 tháng trước khi giao hàng, những vấn đề nào không liên quan đến giá cần đẩy nhanh thực hiện.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi phát biểu tại lễ ký.
Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh việc năm qua, EVN đã từng bước khắc phục được những khó khăn và vươn lên ổn định điện cho quốc gia. EVN đang tập trung triển khai 3 nhiệm vụ: Đảm bảo nguồn điện cho quốc gia; Từng bước xây dựng EVN thành tập đoàn lớn mạnh, có trách nhiệm cao với xã hội; EVN minh bạch hóa tình hình tài chính. Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng cho rằng để EVN thực hiện tốt các nhiệm vụ đó cần sự chung tay hợp tác của các tập đoàn kinh tế khác, trong đó có PVN và Vinacomin.
Lãnh đạo EVN cũng đề xuất với PVN sớm ký mua bán khí Lô B – Ô Môn. Với Vinacomin, EVN đề nghị Vinacomin cung cấp than cho các dự án điện như Duyên Hải 1, 2…
Với những đề nghị của lãnh đạo PVN, Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong việc mua bán điện khí vào mùa mưa có rẻ hơn thì đây là một vấn đề cần hai bên bàn lại. Việc đàm phán mua điện từ Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Hủa Na… EVN đề nghị sẽ cùng PVN và Bộ Công Thương tiếp tục làm việc để thống nhất các vấn đề. Đối với việc mua điện từ Nhà máy Điện gió Phú Qúy, EVN sẽ chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Miền Nam xem xét vấn đề này.
Đối với các khoản nợ của EVN với PVN, Chính phủ đã cho phép EVN phát hành trái phiếu để trả nợ và sẽ có báo cáo trong thời gian tới.
Đối với Vinacomin, vấn đề được Chủ tịch HĐTV Trần Xuân Hòa nêu ra là cần sớm thị trường hóa giá than. Hiện nay, giá bán than cho điện là dưới giá thành; vô hình chung các ngành công nghiệp tiêu thụ than như xi măng, sắt thép là có lợi. Nhiều năm qua, Vinacomin phải đẩy mạnh xuất khẩu than để bù lỗ trong nước và tái đầu tư. Tháng 9/2012, giá than bán cho điện chỉ bằng 50% giá thành, đến tháng 10/2012 đã tăng lên 70% giá thành nhưng Vinacomin vẫn chưa có lợi nhuận. Chủ tịch HĐTV Vinacomin Trần Xuân Hòa đề nghị 3 Tập đoàn cùng đề nghị Chính phủ xem xét giá bán than cho điện là vận hành theo cơ chế thị trường.
Chủ tịch HĐTV Vinacomin Trần Xuân Hòa cũng nêu những khó khăn của ngành Than như việc đầu tư một mỏ than hiện nay với công suất 1 triệu tấn/năm mất 200 triệu USD. Ví dụ mỏ than hầm lò Hàm Rồng có độ sâu -300m so với mực nước biển; Núi Béo -500m… đã đội chi phí khai thác than của Viancomin lên rất cao. Ngoài ra, lực lượng công nhân khai thác hầm lò đang ngày càng thiếu. Vinacomin phải lên tận Tây Bắc tìm và tuyển công nhân mà vẫn không đủ.
Lãnh đạo Viancomin cũng đề xuất, 3 Tập đoàn cùng nghiên cứu việc nhập khẩu than cho các dự án điện từ khu vực miền Trung trở vào. “Nhập khẩu than cần sự hợp tác của 3 Tập đoàn và cần có các hợp đồng về khối lượng” - Chủ tịch HĐTV Vinacomin Trần Xuân Hòa nhấn mạnh. Đồng thời cả 3 Tập đoàn cùng nhau nghiên cứu khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng.
Lãnh đạo PVN, EVN, Vinacomin ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Sau khi nghe báo cáo, phân tích, đề xuất của lãnh đạo 3 Tập đoàn, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng trong những năm qua, Hiệp hội đã có nhiều văn bản gửi Nhà nước để giúp các tập đoàn năng lượng phát triển. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi nhấn mạnh vào việc cần quy hoạch công nghiệp khí, công nghiệp than rồi mới quy hoạch phát triển công nghiệp điện.
Trong quy hoạch khí, ông Trần Viết Ngãi lưu ý cần tính đến tính lâu dài, phải trên 20 – 30 năm. Nếu khí cạn cần nghiên cứu nhập khẩu khí hỏa lỏng. Đối với quy hoạch than, ông Trần Viết Ngãi đề nghị không nên nhập khẩu than mà phát triển các mỏ than trong nước. Bởi nhập khẩu sẽ hạn chế về nguồn cung, tính ổn định không cao, giá bấp bênh.
Ông Trần Viết Ngãi cũng nhấn mạnh việc cần phải ban hành một chính sách tiết kiệm năng lượng, trong đó có tiết kiệm điện. Ngoài ra, các tập đoàn cũng cần nghiên cứu công nghệ khai thác than ở bể than Đồng bằng Sông Hồng.
Nói thêm về chính sách sử dụng than, Tổng giám đốc Viancomin Lê Minh Chuẩn đề nghị cần xác lập sớm kế hoạch dùng than của PVN và EVN để Vinacomin chuẩn bị mỏ.
Bên cạnh đó, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh và Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam Vũ Huy Quang cũng đề xuất một số vấn đề liên quan đến giá mua điện của EVN từ các nhà máy Điện gió Phú Qúy, Thủy điện Hủa Na.
Trên cơ sở những ý kiến thảo luận, đề xuất của lãnh đạo các tập đoàn, Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực đã kết luận buổi làm việc và đưa ra một số đề nghị như tháng 7/2013, khí Lô B – Ô Môn sẽ hoàn thành và sớm đàm phán giá khí với các đối tác liên quan. PVN cũng sẽ tham gia tích cực cùng Vinacomin trong việc nhập khẩu than cho các dự án điện của PVN. Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực đề nghị EVN sớm tiếp nhận dự án truyền tải điện Hủa Na – Thanh Hóa và đề nghị Vinacomin cùng các bên liên quan sớm xác lập kế hoạch sử dụng than để PVN có những kế hoạch phát triển điện than.
Sau đó, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, lãnh đạo 3 Tập đoàn; Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013 – 2018.
Lãnh đạo 3 Tập đoàn thể hiện quyết tâm cùng xây dựng ngành Năng lượng Việt Nam vững mạnh.
Nội dung thỏa thuận, như sau: 1. Hợp tác trong việc quy hoạch phát triển ngành. 2. Hợp tác trong lĩnh vực thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng các dự án nguồn điện. 3. Hợp tác trong lĩnh vực cung cấp và vận chuyển than trong nước và nước ngoài. 4. Hợp tác trong lĩnh vực vận hành các nhà máy điện. 5. Hợp tác trong việc sử dụng các dịch vụ. 6. Hợp tác trong lĩnh vực truyền thông. 3 Tập đoàn cam kết ưu tiên sử dụng các phương tiện truyền thông do EVN, PVN và Vinacomin quản lý nhằm đưa thông tin chính xác, trung thực, thường xuyên về sự phát triển của 3 Tập đoàn. Đưa tin, bài về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động Điện lực, Dầu khí, Than và An ninh năng lượng, các thông tin phản ánh những cố gắng, nỗ lực của 3 Tập đoàn trong việc đảm bảo cung cấp các nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đời sống… |
Petrotimes