.
.

Sửa đổi Hiến pháp 1992: Sát thực tế, hợp lòng dân

Thứ Sáu, 01/03/2013|19:39



 

Từ năm 1974 đến năm 1976, tôi được cử đi học lớp lý luận cao cấp tại Trường Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Tôi thấu hiểu khi C.Mác nói: Hiểu đúng chủ nghĩa Mác, thì phải bám sát thực tiễn mới có khả năng sáng tạo chủ nghĩa Mác, có sáng tạo, mới tránh được giáo điều...

C. Mác sống và nghiên cứu khoa học ở thế kỷ 18, 19, nay đã là thế kỷ 21. Tình hình xã hội khác trước rất nhiều, đặc biệt khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, trong khi đó khoa học xã hội nước ta phát triển chậm và có những mặt tụt hậu. Thế giới có nhiều đảo lộn, chiến tranh và thay đổi chế độ diễn ra ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia. Tệ nạn phát triển, môi trường sống bị hủy hoại, nhân dân đói khổ, khoảng cách giàu nghèo ở các quốc gia đều doãng ra lớn...

Đảng đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất  nước theo định hướng XHCN, phấn đấu để là một Đảng Cộng sản “trong sạch, vững mạnh”, một  Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Bác Hồ đã để lại Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới”. Đảng ta đang phấn đấu thực hiện Di chúc của Bác.

Nước ta từ 1945 đến nay đã trải qua nhiều thời kỳ cách mạng vẻ vang, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh bại hai đế quốc to. Nhân dân ta kính yêu Bác và thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ ngày giành được độc lập đến nay đã nhiều lần làm, sửa đổi Hiến pháp, nhưng Hiến pháp sát thực tiễn nhất, tốt đẹp nhất là Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo.

Với tư duy bám sát thực trạng xã hội hiện tại, xin nêu một số ý kiến đóng góp vào sửa đổi kỳ này:

Về tư tưởng, chống giáo điều, bảo thủ

Sáng tạo, sát thực tế, hợp lòng dân, chống lệch lạc, để làm rõ bản chất của chế độ, thực sự là “của dân, do dân, vì dân”.

Đảng Cộng sản lãnh đạo là một tất yếu lịch sử, nhân dân ta đã thừa nhận vì: Đảng đã trung thành với nhân dân, lãnh đạo giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc, chiến thắng hai đế quốc to, làm rạng rỡ non sông, Tổ quốc ta. Và, Bác là người có công to lớn nhất rèn luyện Đảng ta, trở thành một Đảng cầm quyền, là công bộc tận tuỵ của nhân dân ta...

Bài học đổ vỡ của Đảng Cộng sản Liên Xô, các đảng của các nước XHCN Đông Âu và thực tế Đảng ta hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI chỉ rõ, đã khẳng định những vấn đề cấp bách Đảng cần giải quyết là rất khó nhưng không thể không làm. Vì ảnh hưởng đến sự sống còn của chế độ, sự tồn vong của Đảng.

Tôi xin nêu phương án viết về vai trò lãnh đạo của Đảng vào Hiến pháp: Đảng là người lãnh đạo nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển theo định hướng XHCN. Muốn giữ vững vai trò đó, Đảng phải rèn luyện trở nên trong sạch, vững mạnh, thật sự là “công bộc” của nhân dân, "vì dân, của dân và do dân”, vừa là đầy tớ, vừa là người lãnh đạo của nhân dân.

Cần làm rõ những vấn đề cấp bách về chỉnh đốn Đảng hiện nay:

1. Phải chỉnh đốn Đảng thật sự, làm Đảng trong sạch, vững mạnh.

2. Xóa bỏ đặc quyền đặc lợi (cấp đất, cấp nhà cho cán bộ cao cấp…).

3. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện tại không được coi mình lúc nào cũng ở vị trí trên dân, dễ dẫn đến xa dân, thiếu lắng nghe, tôn trọng ý kiến của dân.

4. Xóa việc “mua quan bán chức”, xóa bỏ nhóm lợi ích.

5. Lựa chọn, rèn luyện cán bộ cao cấp cho các chức danh Tổng Bí thư, cho Đại hội XII của Đảng và các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

6. Chống tham nhũng có kết quả để lấy lại lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân và uy tín của Đảng.

Đồng thời với khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp cần đổi mới, chính đốn Đảng trong sạch, vững mạnh xứng đáng với vai trò đó.

 

Tạp chí Xây dựng Đảng

.
.
.
.