Phó Tổng giám đốc EVN nói về tăng giá điện
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống lưới điện là rất lớn và với cơ chế giá hiện hành, một mình ngành điện không thể gánh nổi vì vậy nguy cơ thiếu hụt năng lượng để sản xuất điện là hiển hiện!
Ông Đình Quang Trí - Phó Tổng giám đốc EVN.
Những ngày qua, sau khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT về việc điều chỉnh giá điện tăng 5%, có không ít ý kiến phản ứng đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá điện vào thời điểm này là bất hợp lý, gây sốc cho nền kinh tế. Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có cuộc trao đổi với báo chí.
PV: Thưa ông, nhiều người cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 1/8/2013 là thiếu công khai, minh bạch. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Đinh Quang Tri: Việc điều chỉnh giá điện thì EVN hàng tháng, hàng quý thậm chí hàng tuần đều được tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng cũng như trên hệ thống của EVN. Việc điều chỉnh giá điện này EVN thực hiện theo đúng quy trình của Thủ tướng quy định đó là EVN có trách nhiệm tính toán hàng tháng, khi có biến động về giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện thì EVN báo cáo Bộ Công Thương, sau đó Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính thẩm định. Trong trường hợp dưới 5% thì Bộ Công Thương tự quyết định, còn vượt trên 5% sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Quy trình đã được công khai, giá thành của EVN thì hàng năm đều được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế độc lập, báo cáo kiểm toán sẽ được EVN gửi tới Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, cũng như các tổ chức tài chính và các Bộ ngành, đồng thời công bố công khai trên báo chí. Như vậy EVN luôn thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ về phương pháp tính giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện cũng như nhu cầu của người tiêu dùng mà EVN cần phải đáp ứng.
PV: Xin ông cho biết quan điểm của mình trước ý kiến cho rằng quyết định tăng giá điện vào thời điểm này sẽ tác động xấu đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ?
Ông Đinh Quang Tri: Theo tính toán của EVN, những đối tượng là hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng ít hơn 50kWh thì chắc chắn không ảnh hưởng. Còn với đối tượng khách hàng dùng đến 100kWh thì tăng chi 6.000 đồng/tháng, và dùng nhiều hơn sẽ trả nhiều hơn. Như vậy mức tăng này không phải là lớn đối với một hộ gia đình. Nhưng điều quan trọng là phải nhìn một cách dài hạn, nếu không tăng giá điện để bù đắp chi phí mua than thì các nhà máy điện sẽ không thể sản xuất được, các dự án nguồn điện mới cũng không thể hình thành và như vậy, nguy cơ thiếu điện sẽ rất lớn, gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động sinh hoạt của người dân.
Vì vậy, EVN kêu gọi các hộ dân và các doanh nghiệp đóng góp mỗi người một ít để có đủ điện cho phát triển tương lai. Bài học thiếu điện đã cho thấy ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế và nếu để xảy ra tình trạng này, thiệt hại của nó sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc đóng góp hiện nay. Nhiệm vụ của EVN là mua điện của các nhà máy và thông qua các Công ty truyền tải và phân phối cung cấp điện cho người dân. Các nhà máy điện phải có đủ điện thì EVN mới có đủ điện để cung cấp cho người dân.
Nếu các nhà máy không bán được điện vì thiếu đường truyền tải hoặc nhà máy xây chậm trong khi đó phụ tải thì vẫn tiếp tục tăng, đến một lúc nào đó sẽ thiếu điện. Khi đó EVN cũng không thể làm gì được vì các nhà máy của EVN hiện nay chỉ còn Nhà máy Thủy điện Lai Châu đang trong quá trình xây dựng.
Ngoài ra, EVN cũng đã thành lập 03 Tổng Công ty Phát điện hạch toán độc lập và đến sau 2015 thì sẽ tiến hành cổ phần hóa nên vai trò của EVN về đầu tư nguồn điện sẽ được đặt lên vai các doanh nghiệp khác ngoài EVN. Vì vậy EVN mong muốn cần có cơ chế giá điện minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện các Nhà đầu tư độc lập vào đầu tư và bán điện cho EVN.
PV: Chủ trương của Chính phủ là đưa giá điện về sát với thị trường và bản thân EVN cũng muốn minh bạc giá điện. Vậy xin ông cho biết hiện có cơ chế kiểm soát nào thực hiện điều này hay không?
Ông Đinh Quang Tri: Tôi xin khẳng định cơ chế giá điện hiện nay là minh bạch.
Theo các quy định hiện nay, hàng năm, giá điện đều được kiểm toán. EVN minh bạch từng nhà máy điện và đều công bố công khai. Việc điều chỉnh giá điện căn cứ theo Quyết định số 24/QĐ-BCT và Thông tư số 31/TT-BCT, EVN có trách nhiệm tính toán hàng tháng, sau đó Bộ Công Thương và Bộ Tài chính kiểm tra một cách minh bạch.
Việc kiểm tra giá thành điện của các nước trên thế giới đều thực hiện theo mô hình giao cho cơ quan điều tiết điện lực tiến hành. Tuy nhiên, sản phẩm điện lực là vô hình, nó không giống như các sản phẩm hàng hóa thông thường nên đòi hỏi cơ chế định giá đặc thù.
Thanh Ngọc
Theo Chinhphu.vn