.
.

Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế

Thứ Năm, 03/10/2013|10:27

Để Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thì kinh nghiệm của Hàn Quốc, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, sẽ mang lại bài học hữu ích.


Trong giai đoạn đầu của mục tiêu trở thành nước công nghiệp thì vai trò của Chính phủ là chủ đạo
Trong giai đoạn đầu của mục tiêu trở thành nước công nghiệp thì vai trò của Chính phủ là chủ đạo

 

Ngày 30/9 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị "Phát triển kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc: Chia sẻ kinh nghiệm và các cơ hội mới" do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng Viện nghiên cứu kinh tế Samsung-Hàn Quốc tổ chức.

Các báo cáo và ý kiến thảo luận tại Hội nghị góp phần đưa ra một cách nhìn đa chiều, tham chiếu những bài học kinh nghiệm thành công mang tính lịch sử của Hàn Quốc trong bối cảnh quá trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá của Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị cũng chỉ ra những cơ hội mới cần tận dụng để đẩy nhanh thực hiện 3 đột phá chiến lược (tăng trưởng xanh, đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng), triển khai các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tại Hội nghị, đại diện phía Hàn Quốc giới thiệu về "Kì tích sông Hàn", sự trỗi dậy thần kì của kinh tế Hàn Quốc, kinh nghiệm trong việc lựa chọn lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phù hợp với điều kiện đất nước, mô hình cụm công nghiệp và các khu kinh tế tiêu biểu làm nên sự vững mạnh của kinh tế Hàn Quốc.

Nhìn chung, các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đều đưa ra sự khẳng định về vai trò của Chính phủ trong việc lựa chọn hướng phát triển cho đất nước và đưa ra các chính sách phù hợp đối với doanh nghiệp.

Về vấn đề xác định ngành công nghiệp ưu tiên, theo TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam có xuất phát điểm là nước nông nghiệp và có lợi thế về nông phẩm trên thị trường thế giới, nên cần ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông-lâm-thuỷ sản. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến việc đầu tư trang thiết bị cơ khí phục vụ cho nông nghiệp từ canh tác, thu hoạch đến bảo quản, chế biến để sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn nhằm tăng kim nghạch xuất khẩu.

Đồng thời, ông Giám cũng nhấn mạnh đến việc phát triển nền công nghiệp chế tạo, đặc biệt là công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, công nghiệp năng lượng cũng là một tiềm năng của Việt Nam cần được đầu tư nhiều hơn.

Trong phiên toạ đàm, TS. Hwang Inseong, Phó Chủ tịch Ban nghiên cứu toàn cầu của Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu Samsung (SERI), khẳng định: Trong giai đoạn đầu của mục tiêu trở thành nước công nghiệp thì vai trò của Chính phủ là chủ đạo. Ngoài ra, ông Hwang cho rằng, cần coi trọng giáo dục bậc cao hơn giáo dục bậc thấp và cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công và bài học trong quá trình phát triển Hàn Quốc thành nước công nghiệp, TS. Park Yong Gyu, Ban phát triển hạ tầng xã hội SERI, nhấn mạnh: "Hàn Quốc cũng giống như Việt Nam, những năm mới phát triển cũng phải sử dụng các nguồn viện trợ ODA. Nhưng nhờ xác định phương hướng, lựa chọn  mục tiêu phù hợp và sự đồng lòng của người dân thì những khoản tiền tiết kiệm đã được sử dụng để xây dựng đất nước". TS. Park cho rằng cần phải kết hợp nguồn vốn trong và ngoài nước thì mới thúc đẩy được kinh tế phát triển. 

Còn TS. Bok Deuk Kyu, Học giả cao cấp Vụ Công nghiệp và Chiến lược SERI, khẳng định tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Deuk Kyu, giai đoạn đầu vai trò của Chính phủ là rất quan trọng trong việc lựa chọn lĩnh vực và mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp nối Chính phủ đóng vai trò chủ đạo, tức là sau khi có định hướng và nhận được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ phải tự hoạt động từ nghiên cưu đến sản xuất để độc lập phát triển doanh nghiệp của mình trong phạm vi quản lý của nhà nước, ông Deuk Kyu nêu quan điểm.

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.