Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần
Các chỉ đạo quan trọng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9; chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 10; tiếp xúc, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam,… là những hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua.
Từ ngày 30/9 - 9/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng dự Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh trong phiên họp Chính phủ tháng 9/2013 |
Hội nghị thảo luận và thông qua các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2014; Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về kinh tế, xã hội với trọng tâm là 3 khâu đột phá gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Quy chế bầu cử trong Đảng; Thành lập các Tiểu ban bầu cử cho Đại hội Đảng XII.
Ngày 29/9, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ các nhiệm vụ đặt ra cho 3 tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Vì vậy tinh thần chung là tiếp tục bám sát, kiên định mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, không chủ quan lơ là với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đi liền với đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, đồng thời phấn đấu nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra cho năm 2013, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng cho biết dứt khoát thực hiện theo giá thị trường đối với điện, xăng dầu, song phải cân nhắc, có lộ trình phù hợp, tránh tác động tiêu cực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đặc biệt phải công khai, minh bạch giá xăng dầu, giá điện... Tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách; bảo đảm cân đối thu-chi theo kế hoạch. Quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Thủ tướng cũng lưu ý cần tập trung đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt. Thực hiện tốt các hoạt động hội nhập quốc tế, thúc đẩy ký kết các Hiệp định Thương mại tự do... góp phần làm tăng cơ hội, tăng nguồn lực, bảo đảm lợi ích quốc gia trong thời kỳ hội nhập. Quan tâm đến việc hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội, thực hiện tốt công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động, chú trọng công tác phát triển y tế.
Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự Lễ tuyên dương những học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và học sinh đạt điểm xuất sắc nhất kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, mong muốn các em học sinh với trách nhiệm trước bản thân, gia đình và dân tộc hãy thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy, tiếp tục phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện không ngừng để trở thành những công dân hữu ích, hãy học để hiểu biết, học để làm người, học để tự khẳng định mình, học để ngày mai lập thân, lập nghiệp và cống hiến thật nhiều cho sự phát triển, cho sự phồn vinh của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nghiêm túc nhìn nhận rằng nền giáo dục nước ta cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đồng tâm, nỗ lực phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên và tạo mọi thuận lợi cho mỗi học sinh, sinh viên, từng gia đình, từng dòng họ, từng cộng đồng dân cư và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đông thời, phải đổi mới tư duy giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện cần thiết để nâng cao nhanh về chất lượng giáo dục. Hệ thống giáo dục phải được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
* Trong các buổi tiếp đại diện các Tập đoàn Gazprom (Liên bang Nga), Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Tài chính CIMB (Malaysia), Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao,… triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ngày 3/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Somsavat Lengsavad đến dự khai trương 2 chi nhánh mới trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận 2 chi nhánh từ Ngân hàng liên doanh Lào Việt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad dự lễ khai trương khai trương 2 chi nhánh mới của BIDV. |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc quyết định chuyển giao và tiếp nhận 2 chi nhánh của Ngân hàng liên doanh Lào Việt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thể hiện sự năng động, tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Lào, thể hiện sự nhạy bén và trách nhiệm vụ đối với sự nghiệp xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.
Trong buổi tiếp ông Peter Hitchcok - Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn độc lập của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUNC), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới (không bao gồm vịnh Hạ Long) đã đầy đủ cơ sở khoa học. Đây cũng là giải pháp nhằm bảo tồn tốt nhất giá trị đa dạng sinh học quần đảo Cát Bà. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ Thành phố Hải Phòng thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trên quần đảo Cát Bà, bảo vệ rừng ngập mặn bị chia cắt, phát triển đàn voọc, quy hoạch quần đảo này.
Tới dự Hội nghị biểu dương phụ nữ làm kinh tế giỏi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với một số hoạt động trọng tâm sau: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” trong các tầng lớp phụ nữ; làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng để huy động nguồn hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Đề nghị nhanh chóng nhân rộng kinh nghiệm của các chị em đã vươn lên trong kinh doanh, sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội thông qua các phong trào do Hội LHPN Việt Nam khởi xướng.
* Trong những ngày bão số 10 đổ bộ vào miền Trung, Thủ tướng Chính phủ liên tục gửi Công điện khẩn chỉ đạo công tác ứng phó với bão; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp vào chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ tại tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng đã tới các điểm tràn, các tuyến đê biển, và các điểm xung yếu trên địa bàn ven biển, miền núi thăm hỏi, động viên chính quyền, bà con nhân dân trong việc sẵn sàng ứng phó với bão, chuẩn bị tốt các phương án 4 tại chỗ, nghiêm túc thực hiện các kế hoạch sơ tán của các lực lượng chuyên trách, nhắc nhở việc tuyệt đối không được chủ quan ở lại lồng bè, tàu thuyền, đi lại qua các điểm nguy hiểm khi bão vào.
Phó Thủ tướng cũng đã tới các khu vực tâm bão đi qua và các địa bàn bị thiệt hại nặng nề sau mưa bão để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả.
Chia sẻ với những thiệt hại to lớn của nhân dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bão số 10, cùng với đồng bào cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ đã tham gia ủng hộ hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả.
Theo Chinhphu.vn