.
.

Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: “Vẫn chưa vững chắc”

Thứ Tư, 02/10/2013|10:03

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng sau nhiều tháng triển khai.

Trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần bỏ trần lãi suất huy động
Trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần bỏ trần lãi suất huy động


Theo cơ quan này, sau khi đề án được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương đều tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao, đa số đều đã lập ban chỉ đạo tái cơ cấu.

Đối với ba nội dung chính của đề án là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, Bộ cho biết đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu.

Cụ thể, đầu tư công đã giảm đáng kể tỷ trọng đầu tư, phân bổ vốn đã được điều chỉnh, vốn tập trung hơn vào các dự án ưu tiên, có hiệu quả kinh tế, tình trạng đầu tư dàn trải bước đầu đã được khắc phục.

Về tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, tính đến nay đã có 68 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu, trong đó Thủ tướng đã phê duyệt 17/21 đề án tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty 91; các bộ ngành phê duyệt 31 đề án, địa phương phê duyệt 20 đề án.

Tính đến hết tháng 8/2013, Chính phủ cũng đã phê duyệt 100/101 phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương và đã quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn đối với một số tập đoàn kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty đã rà soát, phân loại và xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, các khoản mục cần phải thoái vốn…

Tuy nhiên, theo Bộ này, việc thoái các khoản vốn còn lại của các tập đoàn, tổng công ty đang gặp nhiều khó khăn vì không bảo toàn được vốn theo quy định.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án tái cơ cấu đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, khắc phục các sai phạm…

Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là “vẫn chưa vững chắc”, bởi việc xử lý nợ xấu mới ở giai đoạn đầu, thực trạng sở hữu chéo vẫn chưa được minh bạch và chưa được kiểm soát hiệu quả.

Phản biện lại những thông tin nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, tất cả đều phải làm theo lộ trình đã được phê duyệt. Hơn nữa, theo ông, “nếu không cẩn thận thì sẽ rất nguy hiểm”.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, việc sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tín dụng, quỹ, các công ty tài chính…còn phải phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế. “Nếu làm mạnh quá thì già néo đứt dây”, Thống đốc nói.

Ông cũng thông tin thêm, các tiêu chí mới hiện cơ bản đã được xây dựng xong, đã ban hành nhưng phải lùi thời hạn thi hành đến 1/6/2014, vì e ngại rằng, trong giai đoạn này nếu áp dụng các tiêu chí mới, dù là tốt hơn nhưng với tình trạng kinh tế vĩ mô hiện này sẽ làm cho các tổ chức tín dụng khó khăn thêm.

Trong báo cáo của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo đầy đủ kết quả tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại yếu kém, giải pháp cụ thể tiếp theo, thời hạn hoàn thành…

Đặc biệt, Bộ đề nghị xem xét tiến tới không sử dụng trần lãi suất huy động, tạo điều kiện để thị trường gửi tiết kiệm và cho vay trở lại hoạt động bình thường khi kinh tế ổn định.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần ban hành các quy định cần thiết để đẩy nhanh việc bán các tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu.

Theo VNECONOMY.VN

.
.
.
.