Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá kinh tế 9 tháng
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) đã có đánh giá về tình hình kinh tế 9 tháng của Việt Nam. Cơ quan này cho rằng, dù các chỉ số đã được cải thiện nhưng cần rất nỗ lực để tăng trưởng 5,5%.
Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3/2013 đã đạt mức cao hơn so với dự báo, suy giảm tăng trưởng bước đầu đã được ngăn chặn. |
Theo UBGSTCQG, sản xuất của nền kinh tế có xu hướng cải thiện nhưng chậm. Mặc dù hàng tồn kho công nghiệp chế biến chế tạo giảm khá mạnh và chỉ số phát triển công nghiệp cũng có xu hướng tăng dần đều qua từng tháng để đạt mức tăng 5,4% trong 9 tháng/2013, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước). Nhưng tốc độ tăng nhập khẩu của các mặt hàng tư liệu phục vụ sản xuất vẫn chỉ ở mức khá khiêm tốn.
Tổng cầu được cải thiện nhưng còn khá yếu. Theo đó, cầu tiêu dùng đã có xu hướng tăng dần qua từng tháng nhưng vẫn ở mức tương đối yếu, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 9 tháng năm 2013 chỉ đạt mức tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2012 tăng 6,7% so với năm 2011).
Có thể thấy rằng, tổng cầu thấp sẽ tiếp tục là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất của nền kinh tế trong quí 4 khó có điều kiện tăng mạnh so với quý 3/2013.
Những nỗ lực trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam những kết quả tích cực trong ba quý đầu năm 2013: Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3/2013 đã đạt mức cao hơn so với dự báo, suy giảm tăng trưởng bước đầu đã được ngăn chặn.
Tuy nhiên, nền kinh tế nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn bởi dòng vốn tín dụng chưa được hấp thụ tốt, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khiến sản xuất khó tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP trong giai đoạn hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào nhân tố xuất khẩu (cầu bên ngoài) là yếu tố còn nhiều bất định, chứa đựng những rủi ro khó lường đối với tính bền vững của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo đánh giá của UBGSTCQG dựa trên đặc tính mùa vụ, chỉ số mùa vụ của tổng sản lượng thường đạt mức cao nhất vào quý 4 hằng năm, tăng trưởng GDP quý 4/2013 do đó sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng cao hơn so với quý 3/2013. Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2013 sẽ vẫn khó khăn, bởi những yếu tố nền tảng tạo nên tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay đều chưa có sự hồi phục mạnh mẽ.
Lạm phát được kiểm soát trong một thời gian khá dài, xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7% là những tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát cho trung hạn. Theo đánh giá của UBGSTCQG, đây là mục tiêu quan trọng cần được duy trì trong giai đoạn tới nhằm tạo lập sự ổn định vĩ mô cho trung hạn của Việt Nam.
Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp, tránh việc tăng giá tùy ý (về thời điểm tăng giá, mức tăng giá…) nhằm tránh gây tác động lạm phát tâm lý trong thời gian tới.
Về chính sách tài khóa, khả năng cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện đang rất khó khăn, vì vậy, để đảm bảo mục tiêu NSNN đã đề ra cho năm 2013, cần tăng cường tiết kiệm chi NSNN, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, chống thất thu và nợ đọng thuế trong những tháng cuối năm 2013. Theo UBGSTCQG, về lâu dài, cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự bền vững của NSNN, đồng thời xây dựng kế hoạch giảm dần đối tượng hưởng lương ngân sách…Với những yếu tố làm tăng mạnh thu NSNN trong những tháng cuối năm 2013 không nhiều, UBGSTCQG cho rằng khả năng cân đối NSNN theo kế hoạch đề ra sẽ tiếp tục gặp những khó khăn thách thức lớn trong những tháng cuối năm 2013.
Nhà đầu tư tin vào sự ổn định
Những thành quả đạt được khiến lòng tin của thị trường cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam đang được phục hồi mạnh mẽ, biểu hiện là dòng vốn FDI, đặc biệt là vốn FDI đăng ký, đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Cũng nhờ vào những cải thiện về môi trường kinh tế vĩ mô, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có bước tiến mạnh, tăng 5 bậc (từ vị trí 75 lên 70) so với năm 2012, chỉ số môi trường vĩ mô tăng 19 bậc (từ vị trí 106 lên 87).
Trên thị trường quốc tế, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện đáng kể, biểu hiện là CDS đã giảm mạnh từ mức cao trên 300 điểm của cùng kỳ năm ngoái xuống quanh mức dưới 250 điểm trong nhiều tháng qua. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy những nỗ lực ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian đã đạt những kết quả rất tích cực, trên cả phạm vi trong nước và bình diện quốc tế.
Về thị trường tiền tệ, UBGSTCQG nhận định trong 9 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những cải thiện tích cực: Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố và hiện khá dồi dào so với giai đoạn trước do tốc độ tăng huy động luôn đạt mức tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống.
Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng vì vậy dù có một số thời điểm tăng đột biến nhưng nhìn chung đã duy trì được sự ổn định với lãi suất luôn ở mức thấp (3-4%) trong phần lớn thời gian của 9 tháng đầu năm. Tỷ lệ cho vay trên huy động trên thị trường 1 (vốn huy động từ dân cư và tổ chức) cũng như tỷ lệ huy động từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) trên tổng tài sản của các TCTD đang giảm dần cho thấy những tín hiệu tích cực khi mức độ rủi ro trong hoạt động của đa phần các TCTD và của toàn hệ thống đã giảm đáng kể.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định và chỉ có vài biến động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý nhất thời. Theo nhận định của UBGSTCGQ, thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung và cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá.
Theo Chinhphu.vn