.
.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Thứ Hai, 04/12/2017|14:41

Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu của quá trình cổ phần hóa là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam, việc tìm kiếm các nhà đầu tư này luôn gặp thách thức, khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí.

Vietnam Airlines là một trong số ít những tổng công ty nhà nước quy mô lớn tìm kiếm thành công được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Vietnam Airlines là một trong số ít những tổng công ty nhà nước quy mô lớn tìm kiếm thành công được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Vốn nội bán mãi không hết

Mới đây, theo một ước tính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), mức thoái vốn của Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước từ nay đến năm 2020 là khoảng 4,35 tỷ USD và để thị trường hấp thụ được nguồn cung khổng lồ này, cần có nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mang lại nhiều tác dụng tích cực, như giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao kỹ năng quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… 

“Chúng ta biết rằng, nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mới mà còn mang lại những giá trị gia tăng khác cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói. 

Nhưng để thu hút được nhà đầu tư chiến lược vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước tưởng dễ mà hóa khó. 

Báo cáo Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của CIEM được đưa ra từ 46 tổng công ty doanh nghiệp nhà nước với số vốn 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược cho thấy, chỉ có 12.762 tỷ đồng được bán ra, chỉ đạt chưa đến 50% số vốn bán ra cho nhà đầu tư chiến lược. Còn nếu xét về tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài thì chỉ có 4/46 tổng công ty có mặt nhà đầu tư ngoại, chưa kể phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài mua tỷ lệ cổ phần rất thấp. 

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nhà đầu tư chiến lược lại chưa quan tâm đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa? 

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng các nhà đầu tư luôn muốn có sự thoải mái khi đầu tư vào một doanh nghiệp. Họ cần xem quy trình định giá doanh nghiệp có đúng chuẩn mực quốc tế hay không thì mới mạnh dạn tham gia vào quá trình cổ phần hóa. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những thay đổi để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược. 

Chỉ ra nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư quốc tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng đó là việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực. 

Ngoài ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn cũng là những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư quốc tế e ngại. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước cũng kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn. 

Cuối cùng, thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế quyết định không tham gia đầu tư vào quá trình này.

Vietnam Airlines là một trong số ít những tổng công ty nhà nước quy mô lớn tìm kiếm thành công được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, Vietnam Airlines bán được 8,77% số cổ phần cho Hãng hàng không ANA của Nhật Bản với tổng giá trị ước tính trên 2.430 tỷ đồng sau 2 năm đàm phán chủ động và chuyên nghiệp. 

Sự chuyên nghiệp này thể hiện qua việc thuê tư vấn quốc tế, xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, chuẩn bị hồ sơ chào bán minh bạch, mở hệ thống Data room (phòng dữ liệu ảo) để nhà đầu tư tiềm năng truy cập, hoàn tất các điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư chuyển tiền mua cổ phần… 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp vào cũng có được “may mắn” thành công như Vietnam Airlines. Thực tế đã chứng minh, vụ rao bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp lớn như MobiFone, PV Oil, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đã bị trì hoãn từ 1 - 2 năm đến 10 năm nay. Hay số lượng cổ phần được bán ra rất ít với mức giá cao hơn thị trường như trường hợp bán cổ phần của Vinamilk. Việc này cũng hạn chế về quyền kiểm soát, quyền điều hành, hạn chế quyền chuyển nhượng hay khả năng sinh lời... của các nhà đầu tư chiến lược.

Mong muốn nhiều đột phá

Theo đánh giá của ông Adam Sitkoff, để thu hút các nhà đầu tư đến từ các nước tốt hơn, chẳng hạn như các thành viên đến từ Hoa Kỳ thì Việt Nam cần lưu ý một số điểm như, nhà đầu tư muốn các quyết định của Chính phủ được đưa ra nhanh hơn nữa và có sự bình đẳng cho các thành phần doanh nghiệp tham gia. 

Ngoài ra, cũng muốn hủy bỏ hoặc nới rộng tỷ lệ cổ phần đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần đảm bảo sự công bằng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước để họ có quyền tạo ra sự phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp… 

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (CIEM) cũng cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình cổ phần hóa thì cần nâng cao vai trò của nhà đầu tư chiến lược vào quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa. 

Theo ông Phạm Đức Trung, trong khung khổ pháp luật hiện hành về quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp linh hoạt, đa dạng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quản lý, điều hành doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Các hình thức thu hút có thể là cam kết trong quá trình đàm phán và tổ chức thực hiện cam kết với sự tham gia quyết định của cổ đông chiến lược vào các quyết định điều hành doanh nghiệp (về sản phẩm, thị trường, công nghệ…) không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu, nếu thấy cần thiết và quan trọng. 

Thừa nhận tất cả các lý do trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam vì cơ quan quản lý chưa thể hiện bằng văn bản quy định. Trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ thấy từng phương án riêng lẻ được công bố nên nhà đầu tư không biết lập kế hoạch để chuẩn bị. 

Cũng theo kỳ vọng của ông Đặng Quyết Tiến, việc công bố về danh mục, lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vừa rồi của Chính phủ là câu trả lời cho cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, nhằm chuyển tải thông điệp về sự rõ ràng, minh bạch để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. 

“Một thay đổi quan trọng là khi doanh nghiệp có quyết định cổ phần hóa sẽ phải đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.

Theo Tin tức/TTXVN

.
.
.
.