Sự kỳ diệu của phân bón Văn Điển
Hình thành từ phương pháp vật lý nấu chảy quặng Apatit và khoáng chất ở nhiệt độ cao nên sản phẩm phân bón Văn Điển thuộc dạng phân khoáng thiên nhiên sử dụng trong canh tác nông nghiệp hữu cơ. So với các loại phân bón thông thường, phân bón Văn Điển cung cấp thêm cho cây trồng nhiều yếu tố trung, vi lượng cực kỳ quan trọng khác như canxi, silic, magie, lưu huỳnh, sắt, đồng, kẽm, Bo,… Những khoáng chất này được ví như “thần dược” cho cây trồng.
“THẦN DƯỢC” CHO CÂY TRỒNG
Theo ông Nguyễn Đại Hương - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường, silic là nguyên tố khoáng quan trọng nhất trong số những nguyên tố trung lượng. Các nhà khoa học đã chứng minh, silic hữu ích cho hầu hết các loài thực vật. Đặc biệt, ở loại cây một lá mầm như lúa và mía… nếu bón đủ hàm lượng silic sẽ tăng tính kháng thể sâu đục thân, bệnh do nấm và các yếu tố môi trường bất lợi khác như nhiễm mặn, hạn, úng, ngộ độc kim loại, tạo rào cản cơ học chống lại sự tấn công của các loại côn trùng miệng nhai, chích hút. Trong chịu hạn và mặn, silic giúp cây loại bỏ khả năng bị ngộ độc mangan, sắt, nhôm vì silic giúp cây phân phối các nguyên tố kim loại này một cách hợp lý. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, silic giúp cây mía tránh khỏi các bức xạ tia cực tím nhờ lọc những tia có hại, tăng khả năng kháng rét và hạn chế tổn thương khi nhiệt độ xuống thấp. Kết quả thử nghiệm tại Mỹ, Nam Mỹ, Brazil cho thấy, bổ sung silic cho vùng đất có lượng silic thấp, sản lượng mía tăng từ 10 - 50%, lượng đường cao hơn 15 - 30%.
Đối với cây lúa, PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, vai trò của silic trong cây lúa vô cùng quan trọng bởi nó là chất chủ yếu tạo nên “xương sống” của cây lúa, lúa hấp thụ silic gấp 4 lần nitơ (N). Để có một tấn thóc, cây lúa hấp thụ khoảng 24 kg N nhưng cần tới trên 80 kg silic. Như vậy, silic là dưỡng chất có lợi giúp gia tăng sự sinh trưởng, phát triển, năng suất cây lúa. Silic giúp lá, thân và rễ lúa cứng cáp, đứng thẳng nên hấp thụ được nhiều ánh sáng, gia tăng khả năng quang hợp của cây, thân cứng ít bị đổ ngã, giảm được tỉ lệ hạt lép. Sự tích tụ silic trong lớp tế bào biểu bì, hình thành nên lớp gai lông trên bề mặt lá trở thành rào cản vật lý ngăn chặn sự xâm nhiễm của bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, bệnh đốm nâu trên lúa và lem lép hạt do nhiều loại nấm gây ra.
Cùng với silic, magie cũng là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng, góp phần quan trọng trong quá trình quang hợp của thực vật. Thiếu hụt magie khiến lá cây trồng bị mất màu xanh khoẻ giữa các gân lá, sau đó lá chuyển sang vàng (bệnh úa vàng), các lá còn lại nhỏ và dễ gãy trong khi các cành trở nên yếu rồi rụng lá sớm. Nhiều công trình khảo sát khoa học cho thấy, hiện nay tình trạng thiếu dinh dưỡng trên cây cà phê khá phổ biến, nhất là thiếu các nguyên tố trung, vi lượng như magie, lưu huỳnh, canxi, kẽm, đồng, bo… đây là nguyên nhân chính làm giảm năng suất, chất lượng cà phê thời gian gần đây. Qua quá trình nghiên cứu về cây cà phê và đặc điểm các vùng đất trồng cà phê hiện nay, các nhà khoa học cho biết: Thiếu magie lá cà phê già chuyển vàng nhưng gân lá vẫn xanh; thiếu canxi chóp lá cong không đều vào phía trong, cây yếu, dễ bị gãy cành, đổ cây, năng suất, chất lượng thấp; thiếu lưu huỳnh chùm lá non trên cùng chuyển sang vàng nhạt và trắng lá mỏng, giòn, dễ gãy, cây kém phát triển, năng suất, chất lượng thấp; thiếu Bo các chồi non bị tóp khô dần và biến dạng, một bên mép lá ngắn lại làm cho lá cong queo; thiếu đồng cây kém phát triển, bị sâu bệnh nhiều… Tình trạng thiếu magie hiện khá phổ biến ở ở tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng khiến cà phê ra hoa đậu trái kém, giảm năng suất và chất lượng.
Tuy nhiên, tại các khu vực thiếu magie, silic hay các yếu tố trung, vi lượng khác, nguồn phân bón thông thường ít khi cung cấp đủ để cây trồng phát triển. Trong khi đó, các nguồn magie, silic, bo trong tự nhiên đều nằm ở dạng khó tiêu cây trồng không hấp thụ được. Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu này, Cty Phân lân Văn Điển cho ra đời các dòng sản phẩm chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng đạm, lân, kali (N-P-K); dinh dưỡng trung lượng silic, magie, lưu huỳnh và nguyên tố vi lượng gồm: sắt, đồng, kẽm, Bo, Mangan, molipden, coban… Điều đặc biệt là silic, magie, bo, lưu huỳnh và vi lượng trong phân bón Văn Điển không tan trong nước nhưng tan tốt trong môi trường do dịch rễ cây tiết ra nên không bị rửa trôi, cây cối có thể hấp thụ được dễ dàng.
SỰ KHÁC BIỆT CỦA PHÂN LÂN VĂN ĐIỂN
PGS.TS Mai Thành Phụng - Phó Trưởng Bộ phận thường trực Phụ trách Khuyến Nông Trồng Trọt (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại TP. HCM) khẳng định, lân Văn Điển không phải phân hoá học, nguyên liệu SX lân Văn Điển hoàn toàn là quặng, khoáng thiên nhiên. Trong quá trình chế biến tuyệt đối không sử dụng hoá chất và biện pháp hoá học, chỉ dùng phương pháp vật lý chuyển khoáng thiên nhiên từ dạng kết tinh khó tan sang dạng vô định hình không tan trong nước, nhưng tan tốt trong môi trường dịch do rễ cây tiết ra. Chính vì sự kỳ diệu này nên phân bón Văn Điển rất phù hợp với canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng VietGAP và GobalGAP. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đang nhập khẩu phân bón Văn Điển như Nhật Bản, Úc, Hàn quốc, Ấn độ, Đài Loan đã xếp lân Văn Điển vào loại phân hữu cơ dành cho canh tác nông nghiệp thân thiện môi trường.
TGĐ Cty CP Phân lân Văn Điển Hoàng Văn Tại cùng Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Phú Thọ |
PGS.TS Mai Quang Vinh - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ (Viên Di truyền nông nghiệp - Viện KHNN Việt Nam) cho biết, trong những năm qua ông đã cộng tác với Cty Phân lân Văn Điển nghiên cứu đặc điểm đất đai thổ nhưỡng và sinh lý của cây trồng đưa ra công thức sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 60 loại phân bón khác nhau, phù hợp từng đồng đất, từng thời kỳ sinh trưởng của các loại cây với 16 loại phân bón chuyên dụng cho chè và rất nhiều loại phân chuyên dùng cho lúa, khoai tây, sắn, ngô, đậu lạc, cà phê, hồ tiêu, cao su…
“Phân bón Văn Điển có ưu điểm là tính kiềm không độc hại, không tan trong nước mà chỉ tan trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra nên khi bón xuống đất không bị rửa trôi do mưa nắng, cung cấp đồng thời các loại dinh dưỡng cho cây trồng từ đầu vụ đến cuối vụ; nếu cây sử dụng không hết các chất vẫn được giữ lại trong đất cung cấp cho vụ sau. Phân bón Văn Điển sử dụng tốt cho hầu hết các loại cây trồng như lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, các loại rau, các loại cây ăn quả, cây rừng, cây công nghiệp như cao su, cà phê, bông, mía, chè, dâu tằm,... Đặc biệt, các loại phân này rất thích hợp cho những vùng đất chua, phèn, trũng, lầy thụt, đồi dốc, khi sử dụng có tác dụng cải tạo bồi bổ đất, làm sạch rong rêu thực sự mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với các loại phân lân khác.” PGS.TS Mai Quang Vinh nhấn mạnh.
Ngoài phân lân Văn Điển, Cty CP Phân lân Văn Điển hiện đang cung cấp nhiều loại sản phẩm phân bón khác như: Phân lân Supe tecmô phát huy ưu điểm của hai loại phân lân: lân tan ngay để cây hấp thụ thời kỳ đầu, lân chậm tan để cung cấp dinh dưỡng cho thời kỳ sau và cải tạo đất, loại phân bón này phù hợp cho những cánh đồng không chua, đồi dốc. Phân Đa yếu tố (ĐYT) N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 10.8.12.15.8.13.3, 10.5.12.7.7.6.3 chuyên dùng cho cây cao su và cà phê. Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 12.8.12.15.8.13.3, 16.6.16.7.7.6.2 dùng để bón thúc cho nhiều loại cây như: Cà phê, cao su, tiêu, lúa, mía, dứa.... Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 5.10.3.16.8.15.2, 10.10.5.16.8.15.3, 6.11.2.20.10.15.2, 16.5.17.8.5.7.2 là bốn loại phân chuyên bón cho cây lúa, rau màu và cây ăn quả qua các thời kỳ sinh trưởng. Bên cạnh đó, Cty CP Phân lân Văn Điển còn có loại Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 9.9.12.12.7.9.2 và 22.5.11.9.5.8.2 chuyên dùng cho bón lót và bón thúc khoai tây. Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 4.12.7.16.8.15.2 chuyên dùng cho đỗ, lạc. Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 6.12.5.16.8.15.2, 15.5.20.8.5.7.2 chuyên bón cho mía dứa. Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 5.6,5.27.11.6.9.2 chuyên dùng cho cây dưa hấu. Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 5.8.20.12.6.9.2 chuyên dùng cho cây ớt. Phân ĐYT N-P-K-CaO-MgO-SiO2-S 4.10.4.14.7.12.2, 4.12.4.16.8.13.2 chuyên dùng cho cây ăn quả và 16 loại phân chuyên dùng cho cây chè, 4 loại cho cây dâu tằm…
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam