Ða dạng hóa trong xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo năm 2017 có nhiều tín hiệu lạc quan hơn năm 2016 do đầu ra khá tốt. Song, các chuyên gia vẫn cho rằng, cần phải đa dạng hóa thị trường gắn với các phân khúc gạo có giá trị cao.
Cạnh tranh ngày một gay gắt
Trong gần một tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2017, đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) liên tục có mưa, gây khó khăn cho nông dân thu hoạch lúa thu - đông (lúa vụ 3 trong năm). Tuy nhiên, lúa vừa thu hoạch được thương lái tìm đến mua nhanh. "Gia đình tôi vừa thu hoạch 50 giạ lúa. Thương lái mua tại nhà với giá 104 nghìn đồng/giạ (tương đương 5.200 đồng/kg). Giá bán này cao hơn 100 đồng/kg so với vụ hè thu vừa rồi. Với mức giá này, nông dân trồng lúa khá yên tâm để sản xuất", anh Trần Văn Hết, nông dân huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết. Có thể nói, giá lúa từ đầu năm 2017 đến nay ổn định ở mức cao, nhờ đầu ra ổn định.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá lúa khô tại kho khu vực ÐBSCL loại thường dao động từ 5.200 - 5.300 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.500 - 5.700 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 300 - 500 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.000 - 7.100 đồng/kg tùy từng địa phương. Ước tính xuất khẩu gạo trong chín tháng năm 2017 đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tăng 19,6% về lượng, kim ngạch 2 tỷ USD, tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Con số này cho thấy, việc VFA quyết định đẩy mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2017 lên hơn 5,7 triệu tấn, tăng khoảng 800 nghìn tấn so với năm 2016 là khả thi trong bối cảnh đầu ra hạt gạo khá tốt.
Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với hơn 1,5 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 700 triệu USD. Xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc đã có bước chuyển lớn từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Cụ thể từ cuối năm 2016, phía Trung Quốc đã cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam đánh giá 31 doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến gạo của Việt Nam. Kết quả là Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) đã chấp thuận cho 22 DN sản xuất chế biến gạo của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các thị trường Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a cũng tiêu thụ mạnh. Thị trường tiêu thụ gạo ở châu Á tăng những tháng qua đẩy giá xuất khẩu bình quân lên hơn 400 USD/tấn. Ðây cũng là "đòn bẩy" giúp cho giá lúa gạo nguyên liệu trong nước tăng, lợi nhuận của nông dân cũng được cơi nới.
Song, VFA dự báo, cung cầu gạo trên thế giới từ nay đến năm 2018 giảm nhẹ cả về sản lượng và tiêu thụ. Do sản lượng vẫn duy trì ở mức cao hơn tiêu dùng, nên tồn kho cuối kỳ tiếp tục tăng ở mức kỷ lục, tạo áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo. Giá gạo xuất khẩu do đó có xu hướng giảm từ nay đến năm 2018 - trừ khi có nhu cầu đột biến do ảnh hưởng thiên tai.
Tập trung gia tăng giá trị
Về tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2017 và năm 2018, VFA nhận định: Thị trường sẽ được dẫn dắt bởi nhu cầu từ các nước: Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, Băng-la-đét, Xri-lan-ca, Trung Quốc và châu Phi. Trong đó, Trung Quốc là thị trường gần có lợi thế vận chuyển và nhu cầu đa dạng, phù hợp với cơ cấu chủng loại gạo Việt Nam nhưng cũng tùy thuộc vào giá cạnh tranh. Châu Phi tiếp tục duy trì thị phần gạo thơm nhưng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Thái-lan. Tương tự, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với Thái-lan tại thị trường Phi-li-pin và Ma-lai-xi-a.
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa thu đông năm 2017, nông dân các tỉnh ÐBSCL xuống giống khoảng 800 nghìn ha (giảm 40 nghìn ha so kế hoạch). Nguyên nhân do có lũ lớn, một số địa phương hạn chế gieo sạ. Hiện nay, cả các nhà khoa học và Bộ NN&PTNT đều cùng quan điểm giảm diện tích trồng lúa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng dễ gây "tổn thương" cho nông dân ÐBSCL, việc gia tăng thu nhập cho người trồng lúa càng đứng trước nhiều thách thức. Song, xu hướng tập trung trồng các giống lúa chất lượng, giá trị cao là tất yếu. "Trước diễn biến phức tạp và khó khăn của nguồn tài nguyên nước, chúng ta phải tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo. Theo đó, sẽ không tăng quy mô diện tích, sản lượng mà chúng ta đi sâu vào giải pháp nâng cao chất lượng. Trước mắt phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu giống chất lượng cao hơn, khoanh vùng sản xuất ổn định gắn với chuỗi sản xuất. Ðặc biệt là quan tâm tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất lúa. Cần nhấn mạnh là chúng ta chấp nhận giảm diện tích nhưng giá trị phải tăng. Ðây là yêu cầu cấp bách để cải thiện đời sống, sinh kế cho nông dân trồng lúa" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Có thể nói lâu nay, ÐBSCL đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực quốc gia và cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu. Với sản lượng hơn 25 triệu tấn lúa/năm, nơi đây là nguồn cung chủ yếu cho xuất khẩu nhưng ngược lại đời sống của người dân vẫn khó khăn. Không đặt nặng số lượng, chú trọng đến gia tăng giá trị hạt gạo là một xu hướng phù hợp với sản xuất của ÐBSCL. Ngay Cam-pu-chia cũng đang chen chân vào các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Việt Nam. Song, điều đáng ghi nhận là xuất khẩu gạo đã có những thay đổi tích cực, khi tỷ lệ phân khúc gạo thơm, đặc sản có giá trị cao ngày càng tăng.
Một vấn đề khác, các chuyên gia cho rằng: Ngành lúa gạo cần thực hiện đồng bộ việc chuyển vùng trồng lúa chuyên canh theo hướng gia tăng giá trị gắn với an toàn thực phẩm, nhằm tránh việc nông dân lạm dụng dùng thuốc bảo vệ thực vật. "Ðã đến lúc Nhà nước phải thắt chặt quản lý tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không thể để nông dân sử dụng bừa bãi như hiện nay. Ðể quản lý hiệu quả, cần kiểm soát thông qua DN, bắt buộc các DN phải xem lại quy trình sản xuất lúa gạo có bảo đảm mới được thu mua. Quan trọng hơn, phải chuyển sang chiến lược mới: sản xuất lúa gạo bằng công nghệ kỹ thuật cao như Thái-lan đang triển khai", GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ÐH Nam Cần Thơ đề xuất.
Theo Vĩnh Tường/nhandan.com.vn