.
.

Công cụ tạo đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quy định kinh doanh

Thứ Sáu, 11/03/2022|22:58

Công cụ số đã và đang cung cấp cho các chính phủ giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính. Bên cạnh Cổng dịch vụ công quốc gia và các nền tảng khác, VPCP đang hoàn thiện Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh là công cụ tạo đòn bẩy để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quy định kinh doanh tại Việt Nam.

Hội thảo công bố Báo cáo
Hội thảo công bố Báo cáo "Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách quy định kinh doanh - Kinh nghiệm tốt quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".

Chiều 10/3, VPCP phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách quy định kinh doanh - Kinh nghiệm tốt quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Vương quốc Anh, các thành viên Tổ công tác triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam có bước tiến lớn trong việc sử dụng kỹ thuật số để cải cách quy định

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP về ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, năm 2021, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Đã thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, cập nhật 7.022 quy định kinh doanh.

Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định kinh doanh (dự kiến sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật); tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (trong đó có 1.888 dịch vụ công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp).

Đồng thời cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Quyết định số 468/QĐ-TTg đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định 107/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Quyết định 38/QĐ-TTg cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh là công cụ cải cách quy định kinh doanh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong cải cách quy định, huy động sự tham gia tích cực từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với chương trình cải cách của Chính phủ". Do đó, một nhiệm vụ trọng tâm của VPCP là trong quý I/2022, VPCP sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh; quyết định về đánh giá chất lượng quản trị công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Chậm nhất trong quý II/2022, các bộ hoàn thành việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2021; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 03/NQ-CP năm 2022.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, phát huy hiệu quả các giải pháp kỹ thuật số trong cải cách quy định kinh doanh, VPCP mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán và các cơ quan có liên quan của Vương quốc Anh để hoàn thành Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.

Nhấn mạnh vai trò của công nghệ kỹ thuật số, ông Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cho rằng, đối với các doanh nghiệp, kỹ thuật số hóa đã mở ra những cơ hội để đổi mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi sang những cách thức sản xuất mới và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới.

Đối với Chính phủ, tiến trình số hóa mang đến cho các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhiều công cụ để hỗ trợ mô hình làm việc mang tính cởi mở và hợp tác hơn với những cá nhân và tổ chức khác trong chính phủ cũng như với người dân và doanh nghiệp.

Đại sứ Gareth Ward đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật số để tiến hành cải cách quy định theo những phương thức mới, sáng tạo và tiết kiệm chi phí; đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục khai thác triệt để tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ cải cách quy định.

5 nhóm khuyến nghị cho Việt Nam

Tại Hội thảo, TS. Đặng Quang Vinh, chuyên gia cải cách thể chế đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ số và đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, mức độ phát triển Chính phủ số của Việt Nam còn thấp. Năm 2020, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thailand, Brunei và Philippines.

Nhiều công cụ số hữu ích chưa được sử dụng để đẩy mạnh cải cách quy định kinh doanh. Lợi ích mà công nghệ số đem lại là rất lớn và Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm tốt trên thế giới để đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong cải cách quy định kinh doanh.

Trình bày những nét chính của báo cáo, TS. Đặng Quang Vinh chia sẻ những kinh nghiệm trên phạm vi toàn cầu và các nghiên cứu điển hình chứng minh thực tế là khi các công cụ số được thiết kế và triển khai tốt, chúng có thể hỗ trợ hiệu quả cho các chương trình cải cách quy định trong kinh doanh.

Hiện nay, nhiều nước tiên tiến đã áp dụng công nghệ số trong quản lý, cấp phép kinh doanh và cải cách quy định như nền tảng PermitMe của Australia cho phép người dùng gửi tài liệu một lần cho tất cả các giấy phép và chứng chỉ, giảm chi phí tuân thủ cũng như chi phí hành chính.

Hay các công nghệ kỹ thuật số có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng dịch vụ công như cơ quan Thuế và Hải quan (HMRC) của Vương quốc Anh đã sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói và văn bản để tự động hiển thị hồ sơ thuế của khách hàng khi họ gọi điện. Công nghệ này giúp 7.500 chuyên gia tư vấn tại trung tâm giải đáp thắc mắc nhanh chóng có thông tin để trả lời doanh nghiệp và người dân, giảm 40% thời gian giải quyết vụ việc và 80% chi phí, đồng thời giảm thời gian chờ đợi của khách hàng.

Đặc biệt, các giải pháp kỹ thuật số đã được áp dụng ở nhiều quốc gia để tham vấn và cải cách quy định. Từ năm 2010, Chính phủ Estonia đã phát triển và triển khai một hệ thống điện tử để tham vấn chính sách tại https://www.osale.ee. Hệ thống thông tin này được triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ soạn thảo, trưng cầu ý kiến của người dân và doanh nghiệp đối với các dự thảo chính sách.

Hệ thống Tiếp cận (REACH) của Singapore (https://www.reach.gov.sg) là nền tảng chính thức của chính phủ dành cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào việc định hình chính sách công của Singapore. Singapore khai thác các phương thức mới, hiệu quả để tiếp cận người dân, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học thông qua hệ thống Reach với các tính năng như diễn đàn thảo luận trực tuyến, chương trình hội thảo trực tuyến, trang cá nhân, tham vấn điện tử, khảo sát điện tử, phương tiện nghe-đọc…

Dựa trên các thông lệ tốt quốc tế và phân tích hệ thống thể chế và quy định hiện hành của Việt Nam, báo cáo đã nêu ra 5 nhóm khuyến nghị chính, đó là: Xây dựng pháp luật và thể chế cho ứng dụng công nghệ số; kiện toàn cơ cấu tổ chức để áp dụng công nghệ kĩ thuật số trong cải cách quy định; phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng kĩ thuật số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nâng cao năng lực kĩ thuật số và mở rộng người dùng.

'Càng đưa kĩ thuật số vào, chúng ta phải càng cải cách mạnh'

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết, hiện nay, VPCP, các Bộ ngành đang xây dựng hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách quy định kinh doanh, một trong ba đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển đất nước, thực hiện chủ trương cải cách gắn với xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tại Nghị quyết 68/NQ-CP.

Công cụ này được xây dựng để thực hiện mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ và bảo đảm duy trì tính bền vững của cải cách thể chế nói chung cũng như cải cách quy định kinh doanh nói riêng và hướng tới tiệm cận với thực tiễn tốt của quốc tế.

Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh cung cấp thông tin một cách chính thống, toàn diện và tập trung về các quy định kinh doanh; đồng thời là kênh giao tiếp, tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên môi trường điện tử, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của Chính phủ đối với người dân, doanh nghiệp.

Mọi người dân, doanh nghiệp đều có thể giám sát, đánh giá và bày tỏ ý kiến của mình về quy định kinh doanh, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải trình trong xây dựng, ban hành và thực thi quy định kinh doanh; công khai, minh bạch tiến độ, kết quả cải cách của các Bộ, ngành, qua đó, nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh nói riêng và thể chế nói chung.

"Càng đưa kĩ thuật số vào, chúng ta phải càng cải cách mạnh. Những chia sẻ tại buổi hội thảo hôm nay càng khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng. Tới đây, chúng ta phải khai thác và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh, làm sao để hệ thống này chính là công cụ tạo đòn bẩy để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quy định kinh doanh tại Việt Nam", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Theo chinhphu.vn

.
.
.
.