.
.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thông qua xử lý nợ

Thứ Tư, 15/02/2012|22:02

Trong thực tiễn xử lý các vấn đề tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tình trạng nhiều DNNN có nợ tồn đọng lớn, thua lỗ nhiều năm, mất hết (thậm chí âm vốn) vốn chủ sở hữu, mất khả năng thanh toán... diễn ra khá phổ biến.

Với những khó khăn như đã nói trên, nhiều DNNN không đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa (CPH), hoặc tuy đã chuyển đổi sang công ty cổ phần (CTCP) nhưng nợ tồn đọng và các tồn tại về tài chính từ thời DNNN để lại không được xử lý triệt để... Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) giảm sút, nợ đọng lớn, mất khả năng thanh toán nợ. Từ đó doanh nghiệp (DN) lâm vào tình trạng không thanh toán được nợ (chủ yếu là nợ các ngân hàng) đến hạn, bị cắt mọi quan hệ tín dụng, không còn vốn để duy trì hoạt động.

Về phía các ngân hàng thương mại, để xử lý nợ xấu, chỉ có thể sử dụng hai phương thức: đưa ra tòa án yêu cầu phá sản DN để thu nợ hoặc bán nợ cho đối tác khác. Nếu xử lý theo phương thức đưa ra tòa án thì thời gian xử lý lâu (phải từ ba đến bốn năm), tỷ lệ thu hồi nợ thấp bởi phải xử lý tài sản của DN dưới hình thức bán thanh lý. Nếu xử lý theo phương thức bán nợ thì thời gian thu hồi nợ nhanh (chỉ từ ba đến sáu tháng), giá thu hồi nợ cao hơn do chủ nợ mới tiếp tục duy trì sản xuất, thực hiện tái cơ cấu lại DN.

Ðối với các DN, nếu ngân hàng xử lý phá sản thì hệ lụy đi theo khá nặng nề. Lao động sẽ mất việc làm, trở thành gánh nặng cho xã hội. Nhà nước phải chi trợ cấp lao động dôi dư và trợ cấp mất việc làm; không thu được nợ bảo hiểm xã hội tồn đọng; ngân sách không thu được thuế và các khoản phải nộp tồn đọng. Tài sản DN bán thanh lý không được tiếp tục đưa vào sản xuất, gây lãng phí của cải và nguồn lực của xã hội. Nếu thông qua phương thức bán nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp (TCTDN) thì khi DN phục hồi lại hoạt động, lao động có việc làm, Nhà nước không phải dùng ngân sách để trợ cấp mà còn thu hồi được bảo hiểm xã hội nợ đọng, thanh toán được nợ tồn đọng với ngân sách, tiếp tục đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN)... Như vậy, việc xử lý nợ như là một trong những giải pháp để đẩy nhanh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN và hỗ trợ cho DN tái cấu trúc toàn diện, để đủ nội lực vươn lên trong nền kinh tế thị trường.

Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được thành lập từ những định hướng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa IX về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Từ những nhiệm vụ ban đầu được giao, trong đó có nhiệm vụ lành mạnh hóa tình hình tài chính DN và nền kinh tế, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, tới nay, DATC là một minh chứng cụ thể của việc tiếp thu, vận dụng đường lối và chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước trong việc phát huy nội lực để phát triển ngày một bền vững. Với nhiều phương thức cụ thể (như: mua nợ, xử lý nợ và các tồn tại về tài chính cho DN; cơ cấu lại chủ sở hữu DN; cơ cấu lại tổ chức, bộ máy quản lý điều hành và sắp xếp lại nhân sự; cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh (SX-KD) sau tái cấu trúc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm), nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu nhà nước, không đủ điều kiện CPH và các DN sau chuyển đổi hoạt động kém hiệu quả đã được DATC tái cấu trúc và đưa DN tiến tới niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung. Việc niêm yết cổ phiếu là bước cuối cùng của quá trình TCTDN thông qua hoạt động xử lý nợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư từ bên ngoài có cơ hội đầu tư vốn và tham gia vào việc quản lý ở các DN đã được DATC tái cấu trúc thành công, từ đó giúp cho các DN này phát triển bền vững.

 Kết quả tái cấu trúc doanh nghiệp

Hoạt động TCTDN thông qua xử lý nợ là hoạt động mới ở Việt Nam và được DATC triển khai thực hiện từ năm 2006 đến nay. Tính đến hết năm 2011, DATC đã thực hiện 109 phương án mua bán nợ và tài sản theo phương thức thỏa thuận, trong đó: mua nợ để tái cấu trúc tại 69 DN, mua nợ để thu hồi nợ tại 36 DN và mua tài sản để xử lý thu hồi tại bốn DN. Trong số 69 DN (chủ yếu là DNNN và DNNN đã CPH) được mua để tái cấu trúc, đến nay đã hoàn thành tái cấu trúc 43 DN với tổng vốn điều lệ sau tái cấu trúc là 1.212 tỷ đồng (bình quân 27 tỷ đồng/DN, Trong 43 DN đã hoàn thành tái cấu trúc có tới 22 DNNN kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước và 21 DN khác SX-KD không hiệu quả... Trong hoạt động mua nợ để thu hồi nợ tại 36 DN khác, thông qua cơ cấu lại thời gian trả nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, DATC đã giúp DN tồn tại tiếp tục hoạt động và phát triển. 

Ngoài biện pháp mua nợ, thực hiện TCTDN thông qua xử lý nợ thì DATC đang bước đầu tiếp cận hình thức mua lại DN hoặc mua lại phần vốn chi phối của cổ đông nhà nước tại DN với giá tượng trưng để tiếp tục đảm nhiệm vai trò chi phối của cổ đông nhà nước, nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển DN thông qua việc thực hiện các bước của quá trình tái cấu trúc. Ðến nay, DATC đã hoàn thành việc nhận chuyển nhượng giá trị phần vốn nhà nước tại hai công ty cổ phần (CTCP) là CTCP xây dựng giao thông thủy lợi Kiên Giang và CTCP giao thông Ninh Thuận với giá tượng trưng một triệu đồng, tiến hành xử lý nợ cho các DN này và thực hiện TCTDN. Ngoài ra, DATC đang đàm phán với SCIC để mua lại cổ phần tại ba DN khác.

Nhìn chung, các DN đã được DATC thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ đều là các DN độc lập, trực thuộc bộ, ngành, địa phương, thành viên các Tổng công ty (TCT), các Tập đoàn (TÐ) như TCT xây dựng Thăng Long, TCT xây dựng Miền Trung, TCT xây dựng Sông Hồng, TCT xây dựng Bạch Ðằng, TCT xây dựng đường thủy, các TCT xây dựng công trình giao thông (gồm Cienco 1, Cienco 4, Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8), TCT Rau quả nông sản, TCT Dâu tằm tơ, TCT Cà-phê, các DN sản xuất mía đường, DN sản xuất chế biến thực phẩm, thủy hải sản, da giày, cơ khí... Năm 2011, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế thì các DN do DATC thực hiện tái cấu trúc vẫn bảo đảm có lãi và chi trả cổ tức cho cổ đông, đáng chú ý một số doanh nghiệp chia cổ tức ở mức cao như CTCP đường Kon Tum 60%, CTCP Sadico Cần Thơ 30%, CTCP đường Sơn La 20%...

Một điểm nhấn quan trọng khác là vừa qua, DATC đã thực hiện thoái vốn thành công thông qua bán đấu giá cổ phần tại CTCP chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang (Kiveco) và CTCP nhôm Khánh Hòa. Ðiểm đặc biệt là hai DN này đều vẫn còn ở trong tình trạng khó khăn về hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động kinh doanh chưa có lãi, vẫn còn thua lỗ... Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, nhưng các nhà đầu tư vẫn quan tâm và đánh giá được tiềm năng phát triển trong tương lai của DN, cho nên đã tham gia đấu giá và chấp nhận các cam kết chặt chẽ của DATC trong việc tiếp tục thay thế DATC duy trì và phát triển DN. Ngoài ra, DATC đã thực hiện thoái một phần vốn tại CTCP Sadico Cần Thơ với giá bán gấp hơn hai lần mệnh giá. Tại một số CTCP sản xuất mía đường, nhà đầu tư sẵn sàng trả giá mua gấp nhiều lần mệnh giá để được cùng đầu tư cho DN với DATC.

Làm tốt vai trò định chế tài chính trung gian 

Ưu điểm đầu tiên mà DATC đạt được trong quá trình phát huy khả năng sẵn có, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một định chế tài chính trung gian là việc DATC - ngoài giúp các DN hồi sinh và phát triển (tránh được nguy cơ phá sản, có điều kiện tái cơ cấu tình hình tài chính, tăng khả năng thanh toán nợ, có điều kiện để thực hiện chuyển đổi sở hữu, phát triển kinh doanh) còn giúp các ngân hàng, các chủ nợ, chủ tài sản giảm bớt các khoản nợ xấu, tài sản tồn đọng, thu hồi được một phần vốn, góp phần nâng cao uy tín của Nhà nước nói chung và của DATC nói riêng.

Trong gần sáu năm triển khai hoạt động TCTDN thông qua xử lý nợ, DATC đã giúp cho 22 DN 100% vốn nhà nước đang trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu đã lành mạnh hóa được tình hình tài chính, thực hiện CPH thành công. Ðây là kết quả quan trọng nhất của DATC, phù hợp mục tiêu thành lập DATC mà Chính phủ kỳ vọng. 21 CTCP khác (vốn được hình thành từ cổ phần hóa DNNN cũng đang trong tình trạng mất khả năng trả nợ, kinh doanh bị đình đốn) cải thiện được khả năng thanh toán nợ và tình hình hoạt động SX-KD. DATC cũng đã giúp cho một ngân hàng (Eximbank) thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, trở lại hoạt động bình thường, hiện đang tăng trưởng nhanh do thoát khỏi được nợ đọng khó đòi. Hiện tại, còn 28 DN khách nợ (trong đó 13 DN 100% vốn nhà nước) đang được DATC thực hiện tái cơ cấu tài chính thông qua việc xử lý nợ đã mua.

Ưu điểm thứ hai là DATC đã góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi hình thức sở hữu đối với DNNN, khẳng định tính tích cực, đúng đắn của chính sách  CPH của Ðảng và Nhà nước, khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư khi mua cổ phần của DN CPH. Các DNNN lớn như TCT Sông Hồng, TCT xây dựng Miền Trung đều được CPH thành công là những minh chứng sống động cho hoạt động này của DATC, và hiện DATC đang tiếp tục giúp TCT Dâu tằm tơ, TCT Bạch Ðằng, các TCT thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện CPH. 

Ưu điểm thứ ba là quá trình TCTDN của DATC đã giúp Nhà nước thu hồi được nợ đọng NSNN và nợ đọng bảo hiểm xã hội: sau khi DATC tái cơ cấu xong 45 DN, số nợ tồn đọng thuế trước thời điểm tái cơ cấu là 201 tỷ đồng và nợ đọng bảo hiểm xã hội 34,2 tỷ đồng của các DN này đã được hoàn trả phần lớn, số còn lại sẽ thu được theo kế hoạch trả nợ của đơn vị. Do đó, có thể thấy rõ, thông qua hoạt động mua bán nợ, Nhà nước không bị thất thu số nợ đọng thuế, BHXH và kinh phí công đoàn mà các DNNN còn nợ mà sau khi DN hoạt động trở lại sẽ tiếp tục đóng góp cho NSNN.

Bên cạnh các ưu điểm trên, quá trình TCTDN của DATC cũng đã góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, tăng nguồn thu cho NSNN và góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị tại các địa phương. Ngoài ra, quá trình này cũng đã tạo lập được một ngành nghề kinh doanh mới - lĩnh vực mua, bán nợ, TCTDN. Với kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo tài chính (đã được kiểm toán), trong những năm qua, DATC đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước giao: với số vốn Nhà nước cấp ban đầu 2.000 tỷ đồng, qua gần tám năm hoạt động, số vốn nhà nước thực có tại DATC thời điểm ngày 31-10-2011 là 2.630 tỷ đồng, tăng 31,5%.

Tiếp tục thực hiện TCTDN

Theo chủ trương của Chính phủ về thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế (trong đó trọng tâm là tái cấu trúc DNNN) thì việc thực hiện TCTDN thông qua xử lý nợ của DATC là một trong những giải pháp, phương thức quan trọng của Bộ Tài chính nhằm làm lành mạnh hóa tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại và DNNN.

Ðể tiếp tục thực hiện tốt vai trò này, DATC cần được bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ và thông thoáng cho hoạt động kinh doanh của DATC phù hợp yêu cầu đổi mới, tái cơ cấu hệ thống DNNN của Nhà nước; nâng cao tính chủ động của DATC trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn DATC thực hiện tái cơ cấu đối với các DN có giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả khi thực hiện CPH là hết sức cần thiết. Cùng với việc ban hành hành lang pháp lý cần và đủ, DATC cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ của DATC theo hướng tạo quyền chủ động cho DATC trong xử lý nợ để phù hợp thông lệ quốc tế.

Là một mô hình định chế tài chính trung gian được Ðảng và Nhà nước xây dựng thí điểm ở Việt Nam, mô hình của DATC trong giai đoạn 2011-2015 cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng quy mô hoạt động hiện tại lên mô hình Tổng công ty cho phù hợp tình hình thực tế và để DATC có thể chủ động trong xử lý nợ, TCTDN, nhất là các DNNN lớn. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thực hiện xã hội hóa hoạt động mua bán nợ theo hướng thí điểm thành lập CTCP xử lý nợ trong đó có sự tham gia góp vốn của DATC cũng là một hướng đi phù hợp tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.

PHẠM THANH QUANG Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Theo Báo Nhân Dân
 
.
.
.
.