.
.

Định vị lại vị trí và vai trò của doanh nghiệp nhà nước

Thứ Bảy, 10/11/2012|17:47

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận trong Diễn đàn “Đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước: Tư duy và hành động” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 8/11/2012.

Chưa đạt được kỳ vọng

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa IX năm 2001 nêu rõ: “Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế 12 năm qua cho thấy, vai trò, vị trí của DNNN chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Chính vì thế, đến đại hội X, vị trí của DNNN đã có sự điều chỉnh nhất định. Đó là, xóa bỏ độc quyền và đặc quyền sản xuất kinh doanh của DNNN và “tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, vào một số lĩnh vực công ích”.

Đại hội XI chỉ khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước mà không khẳng định rõ ràng, trực tiếp và cụ thể về vai trò, vị trí của DNNN như Hội nghị Trung ương 3 khóa IX và các văn kiện khác trước đây.

TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp cho biết, trên thực tế, các DNNN cũng đã có sự triển khai thực hiện vai trò và vị trí theo chủ trương này của Đảng. Cụ thể: vai trò của DNNN đã giảm bớt ở nhiều vị trí không cần đến sự hiện diện của DNNN để tạo điều kiện cho khu vực ngoài nhà nước phát triển và thay thế cho các vị trí trước đó mà DNNN nắm giữ.

Số lượng DNNN trong nhiều ngành, lĩnh vực đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Cụ thể: doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm từ con số 12.300 năm 1992 xuống còn 5.655 doanh nghiệp năm 2001 và 1.309 doanh nghiệp vào cuối năm 2001.

Tuy hiên, do nắm giữ vị trí chi phối, nên DNNN giữ vị thế độc quyền trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, như: điện, than, dầu khí, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận chuyển đường khống và đường sắt… Trong đó, có cả những vị trí độc quyền tự nhiên như truyền tải điện, đường sắt, cấp thoát nước… và những vị trí độc quyền do chính sách, do cạnh tranh không lành mạnh mà ra.

“Một trong những nguyên nhân của tình trạng độc quyền do chính sách, do cạnh tranh không lành mạnh này xuất phát từ việc sáp nhập, hợp nhất các DNNN độc lập thành các tổng công ty hoặc sáp nhập các tổng công ty thành tập đoàn kinh tế nhà nước. Chính Nhà nước, với chức năng quản lý nhà nước là người “cầm cân nảy mực” về cạnh tranh và độc quyền, nhưng lại để cho Nhà nước- với chức năng sở hữu tạo ra tình trạng độc quyền này”, ông Cường nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Cường, sử dụng DNNN với vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô, bình ổn thị trường có vẻ phù hợp hơn với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thay vì trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

“Việc lạm dụng vai trò này của DNNN làm cho thị trường bị méo mó, bóp méo tín hiệu giá thị trường, đồng thời DNNN cũng không bình đẳng với DN ngoài quốc doanh ”, ông Cường cho hay.

Đồng tình với ông Cường, TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục quản lý doanh nghiệp- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hệ thống tổ chức thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN được thực hiện một cách phân tán.

“Tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục vai trò vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa là chủ sở hữu (đại diện chủ sở hữu) đối với DNNN đang là một rào cản lớn đối với quá trình đổi mới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cải cách DNNN: Đến đâu?

Cải cách khu vực DNNN ở Việt Nam đã bắt đầu từ đầu những năm 1990. Đây là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới nền kinh tế. 

Qua hơn 20 năm thực hiện, cải cách khu vực DNNN đã thu được một số kết quả nhất định. Cơ cấu khu vực DNNN đã được điều chỉnh theo hướng giảm số lượng DNNN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ và tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, tạo khoảng trống cho khu vực tư nhân tham gia hoạt động. Mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quản lý DNNN đã được đổi mới… 

Thực hiện cải cách, số lượng DNNN giảm từ hơn 12.000 (năm 1992) còn hơn 1.300 (năm 2011) và gần đây nhất là con số 1.060 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Giảm số ngành, lĩnh vực có DNNN từ 43 (năm 2002) xuống còn 20 (năm 2011).

Trong đó, gần 70% số DNNN giảm đi qua các năm là thực hiện cổ phần hóa. Từ năm 2006, các hoạt động cổ phần hóa đã lan tới các DNNN quy mô lớn. Đến nay, đã có 83 doanh nghiệp (trong đó có 16 tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước) có vốn Nhà nước trên 100 tỷ đồng hoàn thành cổ phần hóa. Trong số doanh nghiệp cổ phần hóa, có 36% DNNN giữ cổ phần chi phối. 46% DNNN giữ cổ phần ở mức không chi phối. 18% doanh nghiệp bán toàn bộ vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, DNNN và cải cách DNNN hiện vẫn là vấn đề mang tính thời sự sâu sắc. Số lượng DNNN còn lớn, tồn tại ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Mô hình tổ chức, quản trị chưa theo kịp thông lệ kinh tế thị trường, chưa tách bạch được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước…

Điều này cũng được PGS, TS. Lê Xuân Bá Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu ra trong diễn đàn này. Ông nói: “Trên 20 năm đổi mới cải cách DNNN, khu vực này vẫn chưa đạt được những kỳ vọng. Điều này thể hiện rất rõ qua việc ngày càng có nhiều những khiếm khuyết, khuyếtt tật từ những tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đây cũng luôn là chủ đề nóng của hầu hết các chương trình nghị sự của đất nước.”

Do đó, “cải cách khu vực DNNN trong thời gian tới đòi hỏi phải mang tính toàn diện, cải cách cả tư duy lẫn hành động và phải bắt đầu từ việc định vị lại vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế; xác định ngành, lĩnh vực duy trì sở hữu Nhà nước; xác định các giải pháp tiếp tục đổi mới và phát triển doanh nghiệp”, ThS. Nguyễn Thị Luyến - Phó trưởng Ban Nghiên cứu Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh.

Đổi tư duy về DNNN thế nào?

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã có điểm chung thống nhất rằng, cải cách khu vực DNNN trong thời gian tới đòi hỏi phải mang tính toàn diện, cải cách cả tư duy lẫn hành động và phải bắt đầu từ việc định vị lại vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế; xác định ngành, lĩnh vực duy trì sở hữu nhà nước; xác định các giải pháp tiếp tục đổi mới và phát triển doanh nghiệp….

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đổi mới khu vực DNNN, ông Michael Krakowski, cố vấn trưởng Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô GIZ đánh giá: “Sự đóng góp của khu vực DNNN ở Việt Nam là không thể phủ nhận, khoảng 1/3 GDP. Song, so với tiềm lực đầu tư của Nhà nước vào khu vực này, thì mức độ đóng góp này là quá ít. 

Điều này đã trở thành gánh nặng và đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.” Lấy một ví dụ giữa DNNN và tư nhân kinh doanh cùng một ngành với quy mô như nhau, ông Michael Krakowski cho biết, doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả hơn.

Vì thế, ông Michael Krakowski lưu ý, khi tiến hành cải cách DNNN, thì cần xem xét những ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân có thể đảm trách được. Khi đó, cần có chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân.

“Ở Đức, Chính phủ cũng lắm giữ độc quyền 1 số ngành nghề. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có những chính sách để kích thích khu vực tư nhân. Do vậy, số lượng DNNN kinh doanh kém hiệu quả được cắt giảm nhiều”, ông Michael Krakowski cho hay.

Theo TTVN

 

.
.
.
.