.
.

Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững

Thứ Năm, 08/12/2011|22:59

 

Các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo sẽ được lồng ghép thực hiện trong một hoặc nhiều chương trình, dự án, đồng thời ưu tiên bố trí đủ các nguồn vốn do địa phương quản lý cho các huyện nghèo để thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện.
 

 Nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ các hộ nghèo, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính vừa có Thông tư liên tịch quy định về lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Nguồn vốn hỗ trợ các huyện nghèo bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn đóng góp của doanh nghiệp, dân cư và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Nguồn vốn sẽ được ưu tiên cho các công trình hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là thông qua chính sách hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất giao rừng để trồng rừng sản xuất với mức khoán chăm sóc bảo vệ rừng 200 nghìn đồng/ha/năm, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp lần đầu từ 2- 5 triệu đồng/ha, trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng cho hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, nhận rừng và đất. Hộ nghèo cũng sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/hộ để tận dụng tạo đất sản xuất lương thực trong khu vực diện tích rừng nhận khoán.

Nhà nước cũng dành nguồn vốn ưu đãi lãi suất, với mức hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các hộ nghèo vay vốn trồng rừng sản xuất, đầu tư cơ sở chế biến, phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các cơ sở chế biến nông lâm sản đầu tư tại các huyện nghèo; người lao động thuộc diện nghèo, người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động…

Với việc bố trí kinh phí khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cao gấp 2 lần so với mức bình quân chung các huyện khác, các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuô và 2 triệu đồng/ha mua giống để trồng cỏ nếu chăn nuôi gia súc; hỗ trợ 100% tiền văcxin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm. Các hộ nghèo ở thôn, bản vùng giáp biên giới được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực;...

Cũng theo Thông tư này, mỗi huyện nghèo sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/năm để xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là nông, lâm thủy đặc sản của địa phương cũng như thông tin thị trường cho người nông dân.

Như Hoa

(Nguồn: Thông tư 10/2009/TTLT-BKH-BTC)

 

.
.
.
.