Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 15-19/7/2013
Tăng lương hưu, trợ cấp cho cán bộ xã nghỉ việc; 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 15-19/7/2013.
7 nhóm đối tượng được tăng thêm 9,6% lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 1/7/2013 |
Tăng lương hưu, trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc
Theo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, 7 nhóm đối tượng dưới đây được tăng thêm 9,6% lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 1/7/2013.
Cụ thể, 7 nhóm đối tượng gồm:
Thứ nhất, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số41/2009/QĐ-TTg); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Thứ hai, cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
Thứ ba, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Thứ tư, cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Thứ năm, quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ bảy, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập
Theo Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập đã được Chính phủ ban hành, có 9 nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm:
1- Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
2- Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3- Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.
4- Người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
5- Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.
6- Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soán, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp Nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước và giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước.
7- Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; Trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp-hộ tịch xã, phường, thị trấn.
8- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên Nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên Nhà nước.
9- Người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định như tổ chức cán bộ, tài chính, ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, y tế...
Bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí
Theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, các đối tượng được miễn học phí gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học;...
Ngoài các đối tượng nêu trên, Nghị định 74/2013/NĐ-CP mới được ban hành đã bổ sung thêm 3 đối tượng được miễn học phí gồm: 1- Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; 2- Học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh; 3- Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2013.
Dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách trường học từ 200m
Chính phủ ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó quy định điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện như: Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học phổ thông từ 200 m trở lên.
Đồng thời, phải có biển hiệu "Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng" bao gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50 m2 tại các khu vực đô thị đặc biệt, đô thị loại I, loại III; tối thiểu 40 m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30 m2 tại các khu vực khác...
Trình Quy chế mua tạm trữ thóc, gạo trong tháng 8
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo Quy chế mua tạm trữ thóc, gạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 8/2013.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo Quy chế theo hướng: Đối tượng tham gia mua tạm trữ thóc, gạo là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thóc, gạo; trước mắt việc mua tạm trữ áp dụng đối với cả thóc và gạo, về lâu dài sẽ hướng tới mua tạm trữ thóc để tăng cường việc mua trực tiếp từ người nông dân.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chủ trì phân bổ chỉ tiêu, điều hành hoạt động mua tạm trữ thóc, gạo; quy định rõ cơ chế phối hợp giữa VFA và các địa phương trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 3 tháng; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo.
Phê duyệt 7 Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 7 Đề án chi tiết tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 9/4/2012 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Cụ thể, 7 Đề án gồm:
1- Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016.
2- Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013-2016.
3- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016.
4- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016.
5- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 2013-2016.
6- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 2013-2016.
7- Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện Đề án thuộc Chương trình hành động do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban. Hoạt động của các Đề án đặt dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban.
Định mức thuốc được phép XNK phi mậu dịch
Theo Quyết định 42/2013/QĐ-TTg, số lượng thuốc thành phẩm gây nghiện mang theo người khi xuất cảnh, nhập cảnh không được quá số lượng ghi trong đơn của thầy thuốc kèm theo và không được vượt quá số lượng chỉ định dùng trong 7 ngày.
Số lượng các thuốc thành phẩm hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc xuất khẩu, nhập khẩu theo đường phi mậu dịch không được quá số lượng ghi trong đơn của thầy thuốc kèm theo và không được vượt quá số lượng chỉ định dùng trong 10 ngày.
Các thuốc thành phẩm khác được phép xuất khẩu theo đường phi mậu dịch không hạn chế định mức và số lần gửi hoặc mang theo người ra nước ngoài; được phép nhập khẩu theo đường phi mậu dịch nhưng tổng giá trị thuốc nhập khẩu không quá giá trị tương đương 100 USD một lần, số lần nhận thuốc tối đa không quá 3 lần trong một năm cho một cá nhân, tổ chức.
Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu thuốc phi mậu dịch với số lượng vượt quá định mức quy định nêu trên thì phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Giảm tối đa tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an thực hiện tốt những giải pháp nhằm giảm tối đa tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tập trung vào các giải pháp nâng cao tính minh bạch và hiệu lực của hoạt động tuần tra, kiểm soát; ứng dụng công nghệ cao để theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm một cách có hiệu quả, đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định.
Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ và Công an các địa phương đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm minh mọi trường hợp có hành vi bao che, dung túng cho các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; nghiên cứu phương án luân chuyển, điều động hợp lý đối với cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe, phát hiện và kiến nghị đình chỉ lái đối với những lái xe không đủ sức khỏe, có dấu hiệu sử dụng ma túy, nghiện rượu bia và thường xuyên vi phạm các quy định về vận tải và trật tự an toàn giao thông. Phát hiện và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp xử lý đối với những cơ sở kinh doanh vận tải cố tình vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.
Xét xử nghiêm minh vi phạm về phòng chống ma túy, mại dâm
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đề nghị cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp cần tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động tấn công nhằm giảm cung, giảm cầu ma túy trong nước. Chỉ đạo các lực lượng chức năng liên tục tổ chức truy quét, phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm ma túy.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành hoặc phối hợp ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý các cơ sở, dịch vụ kinh doanh có điều kiện dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, phát hiện xử lý nghiêm minh các vi phạm, nhất là các hành vi dung túng, bao che, bảo kê. Xác định trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan các cấp để xảy ra tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải triển trai đồng bộ, kịp thời, quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm.
Kiểm soát chặt việc nhập gia súc qua biên giới
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý thu mua, vận chuyển trâu, bò qua biên giới với Lào, Campuchia theo đúng quy định, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ về thú y, ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Quốc phòng căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện việc quản lý thu mua, vận chuyển trâu, bò qua biên giới với Lào, Campuchia (qua khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, tại các bãi chăn thả dọc biên giới) theo đúng quy định, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ về thú y, ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban chỉ đạo 127) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương làm rõ hành vi, phương thức, địa bàn thường xảy ra buôn lậu, kinh doanh trâu, bò nhập lậu qua biên giới với Lào và Campuchia.
Ban chỉ đạo 127 Trung ương chỉ đạo UBND các tỉnh biên giới liên quan xây dựng phương án tăng cường kiểm tra, phân công cụ thể trách nhiệm của địa phương, các lực lượng (chính quyền địa phương, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, kiểm dịch...) nhằm ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hành vi buôn lậu, kinh doanh trâu, bò nhập lậu, vi phạm các quy định về thú y, kiểm dịch động vật.
Theo Chinhphu.vn