Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 5-9/8/2013
Triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn chìm tàu tại biển Cần Giờ; nhân rộng mô hình đưa tri thức trẻ về các xã khó khăn;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 5-9/8/2013.
Triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh chống xuất khẩu lậu quặng qua đường biển |
Triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành, lĩnh vực
Triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh chống xuất khẩu lậu quặng qua đường biển; tiếp tục triển khai kéo dài thời gian thu mua tạm trữ lúa gạo; điều tra, sớm công bố nguyên nhân trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm chủng;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.
Trong đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương cụ thể hóa và triển khai quyết liệt, có hiệu quả chương trình, kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, đầu tư công.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu nhưng không để tăng nợ xấu, hướng dòng vốn vào sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm có thị trường, có khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, có giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xi măng bán xi măng theo hình thức trả chậm để làm đường giao thông nông thôn; triển khai có hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở; tích cực xử lý nợ xấu, khẩn trương đưa Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh phí giao thông phù hợp, nghiên cứu hướng dẫn thực hiện chủ trương cho UBND cấp xã được sử dụng phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên địa bàn để đầu tư đường giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn chìm tàu tại biển Cần Giờ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu chấn chỉnh sai sót, khiếm khuyết trong quản lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo việc khắc phục sự cố chìm tàu khách H29 của Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tại khu vực biển huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.
Như đã đưa tin, vào khoảng 21h ngày 2/8 tàu khách số hiệu H29-BP của Công ty cổ phần bến tàu du lịch dịch vụ Maria trên đường từ Gò Công (Tiền Giang) đi Vũng Tàu thì gặp sóng lớn làm lật trên sông Soài Rạp đoạn qua xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Tai nạn đã làm 9 người đi trên tàu thiệt mạng.
Nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ về các xã khó khăn
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp các địa phương tổ chức nhân rộng mô hình tạo nguồn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch xã đối với các xã đặc biệt khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn các tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Dự án trong việc quy hoạch, đào tạo và có kế hoạch bố trí, sử dụng đội viên Dự án. Trong trường hợp đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì có thể điều động, đề bạt vào các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyển làm nhiệm vụ khác phù hợp với năng lực và phẩm chất của đội viên mà không cần đợi hết 5 năm theo quy định của Dự án.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền về Dự án; phát hiện, biểu dương kịp thời các gương đội viên điển hình, tiên tiến, các mô hình, đề án, dự án do đội viên Dự án đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh thực hiện dự án chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính bảo đảm thực hiện kịp thời chế độ, chính sách cho đội viên Dự án; giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi của đội viên Dự án theo quy định của pháp luật.
5 nội dung phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
Theo Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 5 nội dung phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất, phối hợp trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữa các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững.
Thứ hai, phối hợp trong việc đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế; trong việc tạo dựng và phát triển các thị trường: vốn, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học-công nghệ…; trong việc đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường và trong các vấn đề về kinh tế đối ngoại.
Thứ ba, phối hợp trong toàn bộ chu trình xây dựng và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm: xác định các mục tiêu của chính sách; đánh giá tác động và đưa ra các giải pháp, công cụ thực hiện mục tiêu chính sách; triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách và đánh giá, điều chỉnh chính sách.
Thứ tư, phối hợp trong việc xây dựng các phương án, giải pháp đối với các biến động kinh tế-xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là những biến động bất thường về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực.
Thứ năm, phối hợp trong việc xây dựng hệ thống thông tin, bao gồm: tạo lập hành lang pháp lý cho việc xây dựng cơ sở thông tin thống nhất cho hoạt động dự báo và tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo; xác định rõ các nội dung dự báo vĩ mô chủ yếu của bộ, cơ quan liên quan gắn với yêu cầu thông tin dự báo phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các bộ, cơ quan, địa phương.
6 tiêu chuẩn thẩm định viên về giá
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật về thẩm định giá, trong đó quy định 6 tiêu chuẩn thẩm định viên về giá.
Cụ thể, thẩm định viên về giá phải có năng lực hành vi dân sự; có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành gồm: Kinh tế, kinh tế-kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do các tổ chức đào tạo hợp pháp ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.
Đồng thời, phải có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành quy định nêu trên.
Ngoài ra, phải có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo chuyên ngành thẩm định giá cấp theo quy định của Bộ Tài chính, trừ các trường hợp: Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học trong nước hoặc nước ngoài về chuyên ngành vật giá, thẩm định giá; người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ngành kinh tế, kinh tế-kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá và đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thẩm định giá. Có Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.
Công dân Việt Nam có đủ các điều kiện dự thi theo quy định của Bộ Tài chính và đạt các yêu cầu của kỳ thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính tổ chức thì được Bộ Tài chính cấp Thẻ thẩm định viên về giá.
Khắc phục sự cố tai nạn lao động tại Quảng Ninh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố tai nạn lao động tại khu Đồng Vông, tổ chức an táng chu đáo cho người bị nạn và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bị nạn; đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Trước đó, vào khoảng thời gian ca 3 (từ 24h00 ngày 30/7 đến 6h00 ngày 31/7), tại vỉa 6, thuộc Công ty TNHH 1 TV Than Đồng Vông (Công ty Than Uông Bí) đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm 3 công nhân thiệt mạng.
Xử lý, phá dỡ tàu cũ neo đậu dài ngày
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý, phá dỡ tàu cũ neo đậu dài ngày gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải tại vùng biển Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và UBND các địa phương liên quan tổ chức kiểm tra các tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài đang neo đậu dài ngày tại Việt Nam và chủ tàu xin được phá dỡ tại Việt Nam, kiến nghị xử lý từng trường hợp.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng quy chế quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Chinhphu.vn