Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030
Ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Chỉ thị số 07-CT/TW phổ biến đến chi bộ, sau đây là toàn văn Chỉ thị.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thay đổi tích cực, có nhiều chuyển biến; sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt; nhiều người nhiễm HIV đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS từng bước được xây dựng đồng bộ và khá toàn diện. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS triển khai quyết liệt, nội dung và hình thức đa dạng, liên tục đổi mới. Tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Sự phối hợp liên ngành triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Nhà nước, xã hội và cộng đồng quốc tế đã có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã đạt được mục tiêu: Giảm số người nhiễm HIV; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp thực hiện thiếu đồng bộ, thường xuyên; đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có xu hướng giảm, xã hội hóa còn hạn chế; cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt tại tuyến cơ sở thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động tại một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao; độ bao phủ của một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hạn chế; vẫn còn diễn ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV và gia đình họ.
Thời gian tới, HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Mặc dù dịch HIV/AIDS ở nước ta có xu hướng giảm, nhưng chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Để tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương. Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên trong xây dựng tổ dân phố, thôn, bản, gia đình văn hóa. Rà soát, bổ sung chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm.
2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, bản văn hóa, cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...
3. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nâng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng chi trả từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế; bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
4. Tập trung triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các giải pháp can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng nhóm đối tượng ưu tiên. Nâng cao chất lượng điều trị người nghiện ma túy; đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao. Chủ động theo dõi, giám sát và dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS; triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở giam giữ, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng.
5. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban quốc gia, ban chỉ đạo các địa phương về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến. Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương.
6. Tổ chức thực hiện
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.
- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình mới; chỉ đạo tăng cường giám sát đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2020 và Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đầu tư nguồn lực để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.