.
.

Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng: Đảng viên nói là làm

Thứ Tư, 21/03/2012|07:15

Tới Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng thuộc Liên doanh Vietsovpetro vào những ngày đầu năm, chúng tôi đã thấy một không khí lao động rất khẩn trương và nói rằng hừng hực khí thế thì cũng chẳng ngoa.

Đồng chí Lê Quang Nhạc, Ủy viên BCH Đảng bộ Vietsovpetro, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Tổng giám đốc Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng, gây ấn tượng đầu tiên cho chúng tôi biết, năm 2012, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng thuộc Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro phải gánh một khối lượng công việc tương đương với tổng khối lượng ba năm 2006, 2007 và 2008 cộng lại. Chính vì thế mà ngay từ đầu năm, Xí nghiệp đã phải lao vào công việc rất quyết liệt.

Đồng chí Lê Quang Nhạc - đảng viên đam mê nghiên cứu khoa học và áp dụng sáng kiến, công nghệ mới vào công việc
Đồng chí Lê Quang Nhạc - đảng viên đam mê nghiên cứu khoa học và áp dụng sáng kiến, công nghệ mới vào công việc

Lúc nào ở đây cũng làm việc như thể sắp đến tết, nên khối lượng công việc lớn đạt 114.000m khoan và bàn giao 32 giếng khoan đã không khiến tập thể xí nghiệp nao núng. Cả Xí nghiệp như một đoàn tàu đang chạy hết tốc độ về đích. Và những người đảng viên của Xí nghiệp cũng đang thực sự là đầu máy, kéo cả đoàn tàu.

Đặt công việc lên hàng đầu luôn được thể hiện xuyên suốt trong các hoạt động của xí nghiệp. Ở đây, hầu như cuộc sinh hoạt Đảng nào cũng phải tổ chức theo ca và chia thành hai lần. Do đặc thù công việc, Xí nghiệp phải chia hai nửa làm việc trên biển và trên bờ. Tất nhiên, đảng viên cũng phải chia ra như thế. Tuy vậy, Đảng bộ không áp dụng họp trực tuyến, do toàn bộ hệ thống thông tin trên giàn phải ưu tiên cho hoạt động sản xuất. Dù mỗi cuộc họp Đảng đều phải tổ chức thành hai lần trên bờ, trên biển, rồi tập hợp ý kiến để đưa ra nghị quyết, nhưng chưa bao giờ có chuyện mất đoàn kết, ý kiến trước sau bất nhất. Với 189 đảng viên, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng là một trong những Đảng bộ lớn của Liên doanh Vietsovpetro và luôn giữ vững truyền thống trong sạch, vững mạnh từ nhiều năm qua.

Cũng như ở các xí nghiệp thuộc Liên doanh Vietsovpetro, Đảng viên thường là những người lao động giỏi và trực tiếp đi lên từ sản xuất. Vì thế, câu chuyện Đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong Liên doanh hoàn toàn không mang tính lý thuyết, nó được thể hiện ngay trong các hoạt động sản xuất hằng ngày. Liên doanh Vietsovpetro được coi là “người anh cả” trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và là cái nôi đào tạo ra rất nhiều cán bộ cho Tập đoàn và nhiều đơn vị thành viên. Vietsovpetro rất có tiếng về công tác tự đào tạo, người đi trước chỉ người đi sau, đảng viên lớn tuổi chỉ dẫn lớp trẻ. Đơn vị nào của Vietsovpetro cũng có truyền thống người đi trước dẫn dắt, đào tạo người đi sau. Và Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng là một điển hình. Khái niệm “người nhà dạy nhau” xuất phát từ chính yêu cầu của công việc và là cách tốt nhất để đạt hiệu quả lao động.

Đồng chí Lê Quang Nhạc chia sẻ, mỗi giàn tự nâng hiện trị giá lên tới 200-300 triệu USD, chỉ một người sơ sẩy, không nắm vững chuyên môn cũng có thể gây nguy hiểm. Hơn nữa không phải ai đi học về cũng có thể làm thành thạo được ngay mà cần phải có thời gian. Vì thế, không có cách nào khác là người đi trước, nhất là các đảng viên phải truyền đạt kinh nghiệm cho người đi sau và giúp họ trưởng thành từ chính công việc. Cách làm “cầm tay chỉ việc” này đã giúp xí nghiệp đáp ứng được áp lực liên tục đặt ra trong công việc.

Đơn cử như tháng 3/2010, giàn công nghệ cao Tam Đảo 2 được nhập về cảng, cuối tháng 4 năm đó xí nghiệp mới nhận lao động, để cuối tháng 7 nhận bàn giao giàn. Chỉ có 3 tháng đào tạo cấp tốc, trong khi giàn Tam Đảo 2 gần như 100% tự động hóa, cách vận hành giàn cũng mới hoàn toàn so với kiến thức của ta có trước đó… Cách đào tạo trực tiếp đã giúp xí nghiệp nhanh chóng có được đội ngũ kỹ sư, công nhân thạo việc. Việc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài kết thúc ngay sau tháng vận hành đầu tiên, tiết kiệm được khoản kinh phí khá lớn.

Để truyền lại kinh nghiệm cho lớp sau, cập nhật kiến thức mới luôn được các đảng viên lớn tuổi của xí nghiệp quan tâm, đầu tư một cách nghiêm túc. Mỗi tháng có 2 lần hội thảo khoa học do xí nghiệp tổ chức với nội dung gắn liền với chính công việc họ đang làm hằng ngày. Năm vừa qua, 20 buổi hội thảo của xí nghiệp đã đưa ra 38 đề tài khoa học mang tính ứng dụng rất cao. Công tác nghiên cứu công nghệ mới, đúc rút kinh nghiệm và đào tạo cán bộ trẻ luôn song hành với nhau. Bản thân đồng chí Lê Quang Nhạc – trải qua hơn 20 năm gắn bó với Liên doanh Vietsovpetro – là người rất đam mê và đứng ra tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ. Ông cũng là người khởi xướng và chịu trách nhiệm đưa nhiều công nghệ mới, sáng kiến vào thực tế.

Năm 2012 của Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng còn phấn đấu tiết kiệm 4% chi phí sản xuất. Là ngành công nghiệp phức tạp và đòi hỏi công nghệ cao như dầu khí, con số 4% tương ứng với nhiều triệu USD. Việc tiết kiệm số ngày khoan, tăng cường luân chuyển thiết bị, tái sử dụng vật tư tồn đọng… đều mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Để tiết kiệm tối đa chi phí, xí nghiệp ban hành cơ chế để mọi sáng kiến cải tiến công việc từ nhỏ tới lớn, từ kỹ thuật tới quản lý, từ ý tưởng sơ khai đều được phát huy, hoàn thiện và ứng dụng phương án tối ưu nhất. Giữa thế giới công nghệ luôn đổi mới không ngừng, việc mạnh dạn áp dụng những công nghệ mới phù hợp và phát huy hiệu quả tốt nhất cho hoạt động sản xuất luôn được những người đứng đầu xí nghiệp quan tâm tìm tòi.

Có một thực tế là những cán bộ trẻ được Vietsovpetro nói chung và Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng nói riêng đào tạo, có thể làm việc rất tốt trên các giàn khoan và được các nhà môi giới săn đón. Khi chúng tôi băn khoăn, vì sao những người thầy đảng viên của xí nghiệp cứ tận tình chỉ bảo lớp trẻ, vô tư “không giấu nghề” trong khi nguy cơ chảy máu chất xám luôn cận kề, đồng chí Lê Quang Nhạc đã thẳng thắn cho biết: Nên để những cán bộ có năng lực ra đi nếu họ có cơ hội tốt hơn và sẵn sàng tiếp nhận nếu họ muốn quay về làm việc. Hơn nữa, mức thu nhập cao chưa phải là tất cả, người lao động thật sự cần một môi trường làm việc khiến họ cảm thấy gắn bó, vui vẻ và được cống hiến.

Vì thế, giống như với nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ trẻ và phát huy sáng kiến, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được tổ chức thành sân chơi hằng ngày, để người lao động có nơi gặp gỡ, thi đấu, gắn bó với nhau hơn và giải tỏa căng thẳng sau công việc. Cảm hứng làm thơ, viết nhạc, ca hát… lan truyền trong tập thể người lao động bất kể lứa tuổi. Chính cách điều hành công việc luôn vì công việc, vì con người và không xa rời thực tế đã khiến Đảng bộ Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng trở thành một gia đình có những người lớn gương mẫu để người trẻ noi theo và đoàn kết, hòa thuận một lòng.

Thanh Loan/Petrotimes

.
.
.
.