Ba bài học lớn của Cách mạng Tháng Tám
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã được thế giới nhìn nhận là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau thế chiến thứ hai, tại nước ta, cuộc cách mạng nổ ra một cách hòa bình là chủ yếu và chỉ trong vòng mươi ngày đã lập nên một chính quyền nhân dân trên toàn bộ lãnh thổ đất nước.
Quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ ngày 19/8/1945 - Ảnh tư liệu |
1- Thắng lợi vĩ đại ấy thực không phải ngẫu nhiên mà có. Sau hơn 80 năm, tất cả các phong trào chống thực dân liên tiếp nổ ra nhưng tất cả đều thất bại. Chỉ đến tháng 5/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị Trung ương lần thứ 8, đề ra đường lối đấu tranh mới, xác định rõ nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết hàng đầu.
Người nói trong hội nghị Đảng: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những quốc gia, dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Theo chỉ dẫn ấy của Người, hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh), nhằm “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc, giải phóng và sinh tồn”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương năm ấy về tổ chức Việt Minh, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết thư “Kính cáo đồng bào” hô hào các tầng lớp nhân dân cả nước: “Trong lúc quyền lợi của dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa nóng… Hiện thời, muốn đánh Pháp – Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết… Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”.
Và rồi hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ, toàn dân ta triệu người như một, đã đoàn kết một lòng, gắn bó keo sơn với nhau vì quyền lợi chung (độc lập tự do), không có những nhóm lợi ích riêng, chia rẽ bộ phận này với bộ phận khác trong xã hội.
Bài học thắng lợi thứ nhất của Cách mạng Tháng Tám chính là bài học đoàn kết toàn dân trên cơ sở nhất trí về chính trị và nhất trí về lợi ích của toàn dân.
Tất cả mọi tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, đều cùng một lòng, một chí để tranh thủ cùng một quyền lợi: độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Các đoàn thể cứu quốc (nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, phụ lão cứu quốc) phát triển trong từng tầng lớp nhân dân, dần dần xây dựng được lực lượng quần chúng mạnh mẽ, ngày càng đông đảo.
2- Để làm nòng cốt cho phong trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung mang tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đội đã đi đầu đánh địch, giành được những chiến thắng đầu tiên ở Phai Khắt và Nà Ngần, tháng 12/1944.
Bước sang năm 1945, tình hình thế giới biến chuyển mau lẹ. Ở châu Âu, Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh dồn phát xít Đức vào thế bí trong sào huyệt cuối cùng. Ở Thái Bình Dương, quân phát xít Nhật cũng thất bại liên tiếp. Trong khi ấy, ở Việt Nam, tại lán Nà Lừa, lãnh tụ Hồ Chí Minh ốm nặng. Một đêm tháng 7, tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, ta cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.
Và ngày 12/8/1945, quyết định Tổng khởi nghĩa trong cả nước được nhất trí trong Ban thường vụ Trung ương. Ngày 13/8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, 23 giờ cùng ngày, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban đã ký Quân lệnh số 1 ra lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước, đích thân chỉ huy một đơn vị giải phóng quân xuất phát từ Tân Trào xuống tấn công phát xít Nhật ở Thái Nguyên, mở đường về Hà Nội.
Bài học thắng lợi thứ hai của Cách mạng Tháng Tám là bài học nắm vững thời cơ, chuẩn bị lực lượng để tạo thời cơ, giành thắng lợi nhanh nhất.
3- Cách mạng Tháng Tám thành công không phải chỉ bởi gặp thời, mà điều quan trọng là bởi ta có thế mạnh, thế của toàn dân đoàn kết muôn người như một trong mặt trận Việt Minh. Số đảng viên trong toàn quốc năm 1945 chỉ có 5.000 người nhưng đã lãnh đạo được Tổng khởi nghĩa trên lãnh thổ cả nước. Thắng lợi này là nhờ ở lực lượng của toàn dân.
“Có dân là có tất cả”, đó là bài học thứ ba của Cách mạng Tháng Tám.
Chính nhờ uy thế của toàn dân mà hầu hết chính quyền tay sai của thực dân đế quốc đã nhanh chóng đầu hàng nhân dân, trao chính quyền về tay nhân dân một cách êm thấm, khiến Cách mạng Tháng Tám được thế giới nhìn nhận là một cuộc cách mạng hòa bình hiếm thấy.
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt!
Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của Đảng ta!
Lòng dân là sức mạnh không gì địch nổi!
Thái Bình (Theo Chinhphu.vn)