Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Kiểm điểm phải đi đôi với khắc phục, sửa chữa
Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, điều quan trọng nhất, kiểm điểm phải đi đôi với khắc phục, sửa chữa, chứ nếu sau kiểm điểm chỉ nói “thấm lắm”, hoặc có nhận thiếu sót, khuyết điểm nhưng vẫn không sửa, không khắc phục thì không được.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - Ảnh: TH |
Đó là khẳng định của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi trao đổi với các phóng viên về nội dung Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, và bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Thủ đô.
PV: Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy! Là người trực tiếp tham gia và thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình của Bộ Chính trị và Ban Bí thư vừa qua, ấn tượng của đồng chí về tinh thần kiểm điểm của tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Tôi cảm nhận sâu sắc đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, là việc làm thiêng liêng và hệ trọng, liên quan đến những vấn đề sống còn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nhận thức được tầm quan trọng và sự quan tâm ấy, sau khi tập thể, cá nhân Bộ Chính trị và Ban Bí thư tiến hành tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc vào ngày 13-8 vừa qua để thông báo sơ bộ kết quả của cuộc tự kiểm điểm.
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định tự phê bình và phê bình là một trong những phương thức sinh hoạt, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta và đặc biệt là Bác Hồ luôn hết sức coi trọng việc tự phê bình và phê bình thường xuyên đối với tập thể và cá nhân. Nhưng khác với những lần trước, chúng ta tiến hành tự phê bình và phê bình mang tính chất định kỳ, thường xuyên, kiểm điểm, phê bình toàn diện sự lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực. Còn lần này chỉ tập trung kiểm điểm sâu 3 vấn đề Nghị quyết TƯ 4 đã nêu.
Thứ nhất, phải ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thứ hai, phải làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo ở cấp TƯ để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, là phải giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhằm tránh tình trạng mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, nhưng đồng thời phải đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Trực tiếp tham gia quá trình này, tôi nhận thấy cái mới ở lần này là việc chuẩn bị kiểm điểm vừa qua đã làm rất nghiêm túc, công phu, bài bản, khoa học. Để chuẩn bị cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm thì không chỉ từng cá nhân, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự chuẩn bị bản kiểm điểm, mà có thể nói, vừa qua toàn Đảng đã tham gia chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm thông qua việc lấy ý kiến phê bình, góp ý của các đảng bộ trực thuộc TƯ trong cả nước.
Ngoài ra, còn lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo TƯ qua các thời kỳ cho tập thể và cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cho nên, những vấn đề đặt ra với Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần này không còn là vấn đề riêng của mỗi người, thậm chí không phải của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa này mà là những vấn đề chung của toàn Đảng.
Trước đây, vào dịp cuối năm, mỗi đảng viên cũng tự mình làm bản kiểm điểm, phê bình, báo cáo trước cấp ủy, trước chi bộ. Nhưng lần này, nhiều cấp ủy, nhiều người góp ý cho một người, cho một tập thể. Một kết quả hết sức tự nhiên là nhiều người góp ý, chuẩn bị giúp cho một người; nhiều tập thể góp ý, chuẩn bị góp ý cho một tập thể thì nhất định sẽ sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn là để cho mỗi người, mỗi tập thể tự chuẩn bị. Và sự nhận xét, đánh giá như vậy chắc chắn cũng sẽ đúng đắn, khách quan hơn. Nếu có ai muốn xen động cơ cá nhân vào cũng khó.
Điểm mới nữa, khi đi vào thực hiện tự phê bình và phê bình toát lên bầu không khí hết sức trách nhiệm, chân thành, thẳng thắn. Trách nhiệm là vì, mỗi người không phải chỉ tự soi lại mình, mà đồng thời phải góp ý, phê bình cho người khác, chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém của các đồng chí khác và của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tôi thấy đó là cách làm sâu sắc, toàn diện, khoa học.
Lần này đặt ra yêu cầu kiểm điểm phải đi đôi với sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Không chờ kiểm điểm xong hết các cấp lúc bấy giờ mới bắt tay vào sửa chữa. Ngay từ khi Nghị quyết TƯ 4 ra đời, từng cán bộ, đảng viên đã phải nghĩ rằng sau khi tiếp thu Nghị quyết này thì với cương vị, trách nhiệm của mình thì sẽ phải kiểm điểm và sửa chữa những vấn đề gì. Từ đồng chí Tổng Bí thư đến các thành viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phải thấm nhuần tư tưởng ấy. Thông qua kiểm điểm để thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng và dân giao cho mình tốt hơn, nhưng không phải chỉ “đóng cửa” để kiểm điểm, sao nhãng việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Trái lại, càng kiểm điểm tốt, kiểm điểm sâu bao nhiêu thì chất lượng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những vấn đề hôm nay và ngày mai càng thêm tốt hơn bấy nhiêu, bởi qua kiểm điểm sẽ không lặp lại sai lầm, khuyết điểm trước đây. Và việc kiểm điểm, phê bình tốt thì uy tín của tập thể hoặc cá nhân người được kiểm điểm cũng sẽ tốt. Tinh thần ấy, nhận thức, quyết tâm ấy đang thấm sâu vào toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí giữ những trọng trách cao.
Thực tế kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đạt được cả hai yêu cầu trên, đang góp phần khôi phục được lòng tin, nâng cao uy tín của Đảng trước cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
PV: Sau một bước kiểm điểm có ý nghĩa quan trọng và cơ bản vừa qua, xin đồng chí cho biết những bước tiếp theo Trung ương sẽ thực hiện?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Hội nghị vừa rồi của Bộ Chính trị là để hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo. Vừa thông báo kết quả bước đầu của việc kiểm điểm, vừa phổ biến cách làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời hướng dẫn cấp dưới triển khai. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm như vậy, được dư luận đánh giá cao và đồng tình với cách làm đó. Sắp tới là đến lượt cấp dưới.
Nhưng tôi nghĩ, cấp trên cũng cần theo dõi, không chỉ lãnh đạo hướng dẫn mà cũng sẵn sàng học cấp dưới nếu như tới đây có đảng bộ nào đó vận dụng, làm hay, làm tốt hơn nữa. Điều quan trọng nhất, kiểm điểm phải đi đôi với khắc phục, sửa chữa, chứ nếu sau kiểm điểm chỉ nói “thấm lắm”, hoặc có nhận thiếu sót, khuyết điểm nhưng vẫn không sửa, không khắc phục thì không được.
PV: Cấp dưới thường trông vào sự gương mẫu cấp trên trong việc tự phê bình và phê bình. Vậy sự nêu gương của tập thể, cá nhân Bộ Chính trị và Ban Bí thư theo đồng chí tác động như thế nào đến Đảng bộ Hà Nội và các địa phương trong cả nước?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Yêu cầu cấp trên phải nêu gương trong việc tự phê bình và phê bình trong Nghị quyết Trung ương đã nói rất rõ. Cấp trên, cụ thể là Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải nêu gương trong việc tự phê bình và phê bình. Tới đây sẽ có những đánh giá, kết luận bằng văn bản chính thức. Trên cơ sở thông báo của Thường trực Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, mọi người đều thấy tinh thần, trách nhiệm, yếu tố nêu gương đã được thể hiện rõ trong đợt tự phê bình và phê bình lần này.
Trước hết, đó là cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau. Thứ hai, là cách tổ chức lấy ý kiến góp ý rất rộng rãi cho tập thể và cá nhân. Tất cả các đảng bộ trực thuộc Trung ương đều có trách nhiệm góp ý cho tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đặc biệt, các ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ rất sâu sắc, thẳng thắn, chân thành, xây dựng. Cuộc đời của các đồng chí đó đã gắn bó, tâm huyết với Đảng, với nhân dân, bây giờ về nghỉ hưu, các đồng chí ấy mong muốn những người kế tục sự nghiệp của Đảng phải thật sự xứng đáng với lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.
Tôi nghĩ đó cũng là nét mới, là cái hay, cái đúng của cách làm vừa qua. Nếu chúng ta chỉ lấy ý kiến của các cấp ủy, của các đồng chí lãnh đạo đương chức, kết quả thường là không sâu bởi không ít người ngại va chạm, không dám nói thẳng, nói thật; muốn xuê xoa, dễ người, dễ mình. Kết quả việc lấy ý kiến vừa qua cho thấy, những ý kiến góp ý này rất quý giá và vì thế, đã được tập thể cũng như cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư trân trọng lắng nghe, tiếp thu.
PV: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề bức xúc, nổi cộm để mổ xẻ trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua. Hà Nội sẽ phát huy tinh thần đó như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đối với Đảng bộ Hà Nội, chúng tôi nhận thức sâu sắc về việc cần phải thực hiện đầy đủ và thật tốt những yêu cầu, hướng dẫn, quy định đối với việc thực hiện Nghị quyết. Hơn nữa, với vị trí là Đảng bộ Thủ đô có số đảng viên đông nhất, gần bằng 1/10 tổng số đảng viên của toàn Đảng, kết quả kiểm điểm của Hà Nội tốt hay không tốt sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung của toàn Đảng. Đây là trách nhiệm rất nặng nề trước một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng nhất định Đảng bộ Thủ đô phải quyết tâm làm tốt. Ai cũng biết tự phê bình và phê bình là vấn đề không dễ, phụ thuộc vào nhận thức, ý thức trách nhiệm, đặc biệt là tính tự giác; đòi hỏi phải có tinh thần dũng cảm tự nhận, tự phê, tự sửa. Tập thể lãnh đạo cấp ủy của Hà Nội nhận thức đầy đủ yêu cầu, trách nhiệm lần này và cố gắng làm tốt nhất yêu cầu của Trung ương.
PV: Cụ thể, Hà Nội có thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề nổi cộm trong lần kiểm điểm tới đây hay không?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Tôi nghĩ rằng, với yêu cầu và cách làm của lần này chúng ta không thể né tránh được. Cùng với 3 nội dung mà Nghị quyết TƯ 4 nêu ra thì phải soi vào từng nhiệm vụ của TP Hà Nội.
Tôi biết, ngoài những yêu cầu chung, Trung ương rất mong muốn Đảng bộ TP Hà Nội phải làm rõ và khắc phục những hạn chế, yếu kém. Ví dụ, nhiều người than phiền về tinh thần, trách nhiệm, về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong các cơ quan của TP còn có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, ngại va chạm, ngại chịu trách nhiệm… Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến nhận xét biểu hiện trì trệ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thành phố. Tất cả những vấn đề đó, tới đây sẽ phải kiểm điểm; phần nào thuộc tập thể, phần nào của cá nhân phải chỉ ra để sửa. Nội dung thứ hai đối với Hà Nội cần đi sâu kiểm điểm đó là, quản lý tài sản, vốn đầu tư, dự án, đất đai… còn lỏng lẻo, sơ hở, gây thất thoát, tới đây cần phải kiểm điểm sâu sắc.
Một yêu cầu nữa, là phải đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi luôn tin tưởng vào tinh thần đoàn kết, nhất trí của tập thể lãnh đạo TP Hà Nội, nhưng tôi rất mong từng đơn vị, từng người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có tinh thần dũng cảm, dám chịu trách nhiệm, làm việc tốt hơn nữa. Với tinh thần cầu thị, Thành ủy luôn mong các cấp, các ngành, nhân dân tích cực tham gia góp ý, chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, yếu kém để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thành phố nghiêm túc sửa chữa, khắc phục.
PV: Thưa đồng chí, từ kinh nghiệm kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những vấn đề gì Đảng bộ TP cần tự điều chỉnh để đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình sắp tới diễn ra thực chất, hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Để thực hiện tốt đợt tự phê bình và phê bình lần này, có rất nhiều việc phải làm. Trong Di chúc để lại, Bác Hồ căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Lời căn dặn ấy lúc nào và ở đâu cũng vô cùng cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng người này, người kia, tập thể này, tập thể khác có những lúc sao nhãng. Không những thế, Bác còn nghiêm khắc nhắc nhở chúng ta rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi người hôm qua có thể còn là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nhĩa cá nhân”.
Với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đồng thời nghiêm túc thực hiện lời Bác Hồ dạy, từng tập thể cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên phải tự soi mình, tự giác khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Đảng bộ Thành phố đã và đang thực hiện nghiêm túc và vận dụng sáng tạo hướng dẫn của Trung ương; mở rộng dân chủ, mở rộng đối tượng tham gia nhận xét, góp ý với cấp ủy và lãnh đạo Thành phố; xây dựng quy chế đánh giá cán bộ, không phải 5 năm một lần, mà phải làm thường xuyên, thật dân chủ, nhằm nâng cao uy tín của cấp ủy, đảng viên, cán bộ. Không ai nghĩ rằng việc sửa chữa khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của cá nhân hay tập thể chỉ ngày một ngày hai có thể làm xong, nhưng dù khó khăn đến đâu cũng phải xác định quyết tâm cao độ thực hiện cho được, để cuộc sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng lần này của Đảng bộ Thủ đô đạt được kết quả tốt nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo ĐCSVN