Thực hiện thắng lợi trọng trách lịch sử của công tác tư tưởng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
Khi phân tích lịch sử hoạt động tư tưởng của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn có nhận xét: “Trong Đảng ta, không có ngành nào già bằng ngành tuyên huấn, vì từ khi có Đảng đã có nó rồi”. Có thể hiểu từ “Nó” ở đây là hoạt động tư tưởng của các đồng chí tiền bối của cách mạng Việt Nam.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù sâu sắc đã vùng dậy chống xâm lược và chống chính sách cai trị thực dân tàn bạo. Từ khi Pháp xâm lược đến đầu thế kỷ XX, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa và các phong trào cứu nước khác nhau nổ ra liên tiếp rất quyết liệt, tràn đầy đức hy sinh và lòng dũng cảm, song cuối cùng đều bị thất bại vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn và thiếu một tổ chức chính trị lãnh đạo có khả năng tập hợp lực lượng của toàn dân tộc. Thời kỳ này đất nước ta chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, cụ Phan Bội Châu diễn đạt tình cảnh đất nước ta khi đó là: Khói đục, mây mù, trời khuya đất ngủ.
Chính trong tình cảnh “Tình hình đen tối như không có đường ra”, ngày 05/06/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với lòng yêu nước nồng nàn và sự mẫn cảm chính trị của một thiên tài trí tuệ đã quyết định rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước mới.
Sau nhiều năm bôn ba qua các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, vừa phải lao động với nhiều nghề khác nhau, vừa tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức cách mạng khác nhau, năm 1920, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu được bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê nin và đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân – con đường giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và, muốn giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mạng” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ khi tìm ra con đường cứu nước cứu dân, Nguyễn Ái Quốc tập trung tiến hành các hoạt động: Viết sách, báo, xuất bản Báo Người cùng khổ (năm 1922), Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925), Báo Thanh niên (năm 1925), Đường kách mệnh (năm 1927), tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ (từ năm 1925 - 1927 mở được 10 lớp với gần 300 học viên và cử 27 thanh niên Việt Nam đi học ở Liên Xô). Trong thời kỳ này, Người và các đồng chí cách mạng tiền bối đẩy mạnh các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin, con đường cách mạng giải phóng dân tộc vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Năm 1926, Tổng bộ Việt Nam cách mạng thanh niên xuất bản tiếp một số tờ báo như: Tuần báo công nông truyền bá trong phong trào công nhân và nông dân, bán nguyệt san lính kách mạng nhằm vận động binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp ở Đông Dương; Nguyệt san Việt Nam Tiền phong….
Năm 1929, Việt Nam cách mạng Thanh niên cho xuất bản một số báo, tạp chí như: Bônsêvích, Công nông binh, Cờ đỏ, Hướng đạo, Lao động. Năm 1929, các tổ chức cộng sản như: Đông dương Cộng sản, An nam Cộng sản đã cho xuất bản các báo, tạp chí như: Công hội đỏ, Người cộng sản, Búa liềm, Lá cờ cộng sản, Cờ đỏ, Dân cày, Giải thoát, Hầm mỏ, Học sinh, Lao động, Người thợ của Sao đỏ, Tia lửa, Tia súng…..
Các hoạt động trên đây là những hoạt động tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cách mạng tiền bối nhằm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự thành lập Đảng ta. Cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi. Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930 tại Hương Cảng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hợp nhất các tổ chức Cộng sản, nhất trí thành lập một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội Đảng toàn quốc lần III của Đảng đã quyết định lấy ngày 03/02/1930 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã xác định, cách mạng Việt Nam phải tiến hành giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng đắn của Việt Nam để thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc, giải phóng giai cấp, xóa áp bức, bóc lột, giải phóng xã hội, xóa bất công, giải phóng con người mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi con người.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cùng với những người cộng sản đầu tiên của Đảng là những cán bộ làm công tác tư tưởng đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác tư tưởng là hoạt động quan trọng hàng đầu của mình.
Không có lý luận tiên phong, Đảng không giữ được vai trò tiên phong, vai trò Bộ tham mưu chính trị của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Do đó, trong lịch sử 82 năm qua, Đảng ta luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đến Đại hội VII (1991), tư duy lý luận của Đảng ta có bước phát triển mới khi Đảng xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Do coi trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tạo điều kiện, cơ sở khoa học cho Đảng ta hình thành cương lĩnh, đường lối, chiến lược cách mạng đúng đắn trong mỗi giai đoạn, thời kỳ của cách mạng, đảm bảo cho Đảng ta luôn vững mạnh về chính trị. Sự đúng đắn của cương lĩnh, đường lối, chiến lược cách mạng là nhân tố quyết định đảm bảo thắng lợi cho cách mạng Việt Nam trong 82 năm qua.
Cách mạng là sự nghiệp tự giác của hàng triệu quần chúng. 82 năm qua, thông qua các hoạt động tư tưởng chủ động, sáng tạo từ hoạt động giáo dục lý luận chính trị, hoạt động tuyên truyền cổ động, hoạt động báo chí, xuất bản, phát hành, hoạt động văn hóa văn nghệ, Đảng ta đã đưa nhân tố tự giác tới quần chúng, thổi bùng lên phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Với sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của triệu triệu quần chúng nên cách mạng Việt Nam trong 82 năm qua đã vượt qua bao thách thức, khó khăn, lập nên những kỳ tích có ý nghĩa lịch sử thời đại: Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945; Thắng lợi oanh liệt của hai cuộc kháng chiến cứu nước và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; Thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong hơn tám thập kỷ qua, công tác tư tưởng cùng với công tác tổ chức, kiểm tra đã luôn coi trọng xây dựng chỉnh đốn Đảng ta, đảm bảo Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững vai trò Đảng chính trị duy nhất lãnh đạo toàn xã hội. Đồng thời, Đảng ta thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tư tưởng và kiện toàn hệ thống các cơ quan tham mưu về công tác tư tưởng trong hệ thống chính trị.
Lịch sử cách mạng của dân tộc ta đã ghi nhận những đóng góp cực kỳ quan trọng của công tác tư tưởng, những cống hiến xuất sắc và những bước trưởng thành vượt bậc của hệ thống Ban Tuyên huấn, Ban Tư tưởng - Văn hóa, Ban Khoa giáo, Ban Tuyên giáo các cấp cùng đội ngũ cán bộ chuyên trách trong từng binh chủng của công tác tư tưởng: Binh chủng nghiên cứu lý luận chính trị; Binh chủng giảng dạy truyền bá hệ tư tưởng, cương lĩnh đường lối, chính sách; Binh chủng báo cáo viên tuyên truyền viên; Binh chủng báo chí truyền thông; Binh chủng văn hóa, văn học nghệ thuật; Binh chủng khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao.
Ngày nay, những cán bộ chuyên trách trên lĩnh vực quan trọng hàng đầu này luôn kiên định vững vàng trước các diễn biến phức tạp của tình hình, luôn có mặt ở mũi nhọn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trung thành, tận tụy, sáng tạo trong hoạt động tư tưởng. Đây là lực lượng giữ vai trò quyết định thắng lợi trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tác chiến của công tác tư tưởng trong thời kỳ mới.
Từ lịch sử vẻ vang của 82 năm hoạt động tư tưởng của Đảng, chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu sau:
Một là: Kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn chặt thực tiễn cuộc sống; hình thành đường lối chính trị đúng đắn; đưa đường lối vào cuộc sống; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng. Kiên định độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai là: Công tác tư tưởng phải gắn chặt với công tác tổ chức, cơ chế chính sách, gắn chặt với phong trào cách mạng của quần chúng.
Ba là: Phải nắm chắc diễn biến tư tưởng, dự báo kịp thời, định hướng tư tưởng đúng và kịp thời, nhất là trước các diễn biến phức tạp của tình hình hoặc trước các bước ngoặt của cách mạng.
Bốn là: Phát huy mạnh mẽ thế chủ động tiến công trên mặt trận tư tưởng; phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng công tác tư tưởng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; kết hợp chặt chẽ xây và chống, chống và xây, biểu dương và phê bình; mài sắc tinh thần cảnh giác chủ động đấu tranh đánh bại chiến lược "diễn biến hòa bình"; chủ động phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Năm là: Phải kết hợp chặt chẽ ba mặt giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, quản lý và giáo dục rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống.
Sáu là: Nâng cao tính khoa học, thực hiện dân chủ trong công tác tư tưởng theo hướng tăng cường thông tin, công khai, minh bạch, tăng cường đối thoại.
Bảy là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng; thực hiện nguyên tắc toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là bí thư, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, coi trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư tưởng; hoàn thành nhiệm vụ chính trị, các thành viên trong các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương doanh nghiệp đều tiến bộ trưởng thành, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là thước đo hiệu quả của công tác tư tưởng.
Đại hội XI của Đảng đã quyết định: Phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu của chiến lược kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2011- 2012: Tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là Đảng ta, Đảng chính trị duy nhất lãnh đạo toàn xã hội phải thực sự và thường xuyên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng ta phải luôn luôn là Đảng của trí tuệ, có uy tín đạo đức và gắn bó máu thịt với nhân dân.
Trong 25 năm đổi mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững; niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Đáp ứng mục tiêu yêu cầu chặn đứng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khoá XI) đã ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là trọng trách hàng đầu của công tác tư tưởng. Truyền thống vẻ vang, những bài học kinh nghiệm quý báu trên là tài sản, hành trang vô giá để chúng ta phát huy, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi cả ba vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Quán triệt sâu sắc mục tiêu, nội dung, phương châm và các nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4, công tác tư tưởng cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1- Tăng cường và đổi mới công tác nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị, kết hợp chặt chẽ với giáo dục đường lối, chính sách, kiến thức khoa học - kỹ thuật và giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.
Trước hết, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận chính trị gắn chặt với tổng kết thực tiễn để nhận thức thật sáng tỏ về CNXH và con đường đi lên CNXH, làm sáng tỏ những vấn đề mới và bức xúc do thực tiễn đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đặt ra; hoàn thiện bộ giáo trình chuẩn giảng dạy chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới mạnh mẽ giáo dục và hệ thống chính trị; các đợt học tập quán triệt đường lối, chính sách cần gắn chặt với việc bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn rèn luyện những phẩm chất đạo đức cách mạng để bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận trong xã hội đối với đường lối, chính sách; trên cơ sở đó, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Duy trì thành nền nếp các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Các cấp ủy cần nắm chắc diễn biến tư tưởng chính trị của mọi cán bộ, đảng viên; nâng cao tính giáo dục, thuyết phục và tính chiến đấu trong các đợt sinh hoạt tư tưởng để kiên định những vấn đề quan điểm có tính nguyên tắc, bác bỏ mọi quan điểm sai trái, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
2- Tăng cường, đổi mới giáo dục và hướng dẫn rèn luyện đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên theo hướng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bây giờ, cần tập trung giáo dục, hướng dẫn từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp xây dựng chương trình tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Vừa tăng cường giáo dục, vừa thiết lập hệ thống giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên: Giám sát của các tổ chức đảng, giám sát của báo chí, giám sát của nhân dân (Mặt trận Tổ quốc, khu dân cư).
3- Tiến hành tổng kết cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ trong thời gian qua, vừa để rút ra những bài học kinh nghiệm vừa để dự báo cho trúng, kịp thời âm mưu thủ đoạn; xác định rõ các giải pháp và phối hợp chặt chẽ các lực lượng nhằm đánh bại mọi âm mưu, mọi thủ đoạn "diễn biến hòa bình" gắn với bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; trước mắt, phải bác bỏ kịp thời mọi quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng.
Gắn chặt với đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Nghị quyết Trung ương 4, cần chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đó cũng chính là những biểu hiện của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tổ chức thực hiện đồng bộ cả bốn nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 là trực tiếp phòng chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
4- Cần tiến hành đồng bộ các giải pháp công tác tư tưởng gắn chặt với các giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ, cơ chế chính sách, hành chính, pháp luật để thực hiện có hiệu quả đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng như quy hoạch xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ngành Tuyên giáo cần thông qua đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng lần này để đánh giá đúng chất lượng và trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng chuyên trách, đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở đã tổ chức tốt đợt sinh hoạt học tập và quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 trong toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; các cơ quan tham mưu về công tác tư tưởng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động tư tưởng để thực hiện nghiêm túc, có kết quả thiết thực cả bốn nhóm giải pháp: Về tự phê bình và phê bình, về tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng, về cơ chế chính sách, về giáo dục chính trị, tư tưởng, theo hướng thực sự mở rộng dân chủ, tăng cường thông tin công khai hóa, minh bạch hóa, tăng cường đối thoại và thực hiện tốt dân chủ trong cơ chế giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ; dân chủ trong công tác quy hoạch và trong cơ chế bầu cử trong Đảng, trong các tổ chức của hệ thống chính trị nhằm động viên và huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn xã hội chung tay xây dựng chỉnh đốn Đảng, chung tay thực hiện ba vấn đề cấp bách nhất là chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ cử tri ngày 30/6: Trung ương đã nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn, công khai trước toàn Đảng, toàn dân. Quyết tâm đã có, thống nhất rất cao, nỗ lực rất lớn, nhưng đây là cuộc đấu tranh rất cam go, quyết liệt đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Không ai đứng ngoài cuộc, mà mỗi người hãy tự nhìn lại mình, tự sửa mình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng nhất trí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Càng tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành công tác tư tưởng trong chiều dài 82 năm lịch sử của mình, đội ngũ cán bộ của tất cả các binh chủng tư tưởng: Đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị; đội ngũ tuyên truyền miệng (báo cáo viên, tuyên truyền viên); đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao; đội ngũ văn nghệ sỹ; đội ngũ các nhà báo luôn kiên định, vững vàng trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình, ra sức học tập nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nêu gương về rèn luyện đạo đức lối sống, vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn, để Đảng ta luôn luôn là Đảng của đạo đức, Đảng của văn minh, Đảng của trí tuệ, Đảng của lương tri nhân loại./.
PGS.TS Đào Duy Quát
Theo DCSVN