.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 2 - 2020

Thứ Ba, 04/02/2020|14:22

 I - TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Kỷ niệm trọng thể 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng 3/2, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ôn lại quá trình ra đời, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam; nêu bật ý nghĩa lịch sử trọng đại của sự kiện ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập. Từ đây cách mạng Việt Nam có đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự trở thành người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước nhà.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 "long trời, lở đất," thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" (năm 1954); đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta vừa tập trung khôi phục kinh tế-xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước.

Sau Đại hội VI, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hoá đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Mới đây, Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao, gần như tuyệt đối, lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm kỷ niệm nhiều sự kiện chính trị trọng đại; năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tình hình quốc tế và trong nước tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, phấn đấu để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Trọng tâm là phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại; tập trung tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thủ tướng quyết định công bố dịch do vi rút nCoV gây ra

Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Quyết định nêu rõ: Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Tên dịch bệnh: Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23 tháng 01 năm 2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh). Nguyên nhân: Do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu. Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Các biện pháp phòng, chống dịch: Thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: a) Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch. b) Khai báo, báo cáo dịch. c) Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh. d) Tổ chức cách ly y tế. đ) Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch. e) Các biện pháp bảo vệ cá nhân. g) Kiểm soát ra, vào vùng có dịch. h) Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch. i) Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch. k) Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch. 

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh:  Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện; Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30 tháng 01 năm 2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2020, số 06/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2020; các chỉ đạo của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật có liên quan.

II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Đảng ủy Cơ quan Đảng ủy Khối tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng

Sáng ngày 3/2/2020, tại Hà Nội, Đảng ủy Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020). Dự buổi Lễ có đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, Bí thư Đảng ủy Cơ quan cùng toàn thể cán bộ, đảng viên Cơ quan Đảng ủy Khối.

Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối đọc tại buổi Lễ đã ôn lại quá trình ra đời, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam; nêu bật ý nghĩa lịch sử trọng đại của sự kiện ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập. Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng ta trong 90 năm qua, ôn lại những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, năm tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đồng chí Phạm Tấn Công yêu cầu các ban, đơn vị và tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên Cơ quan Đảng ủy Khối tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua công tác và học tập, rèn luyện, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương triển khai nhiệm vụ năm 2020

Ngày 15/1/2020, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, năm 2019, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ Khối đã triển khai toàn diện, đúng quy định và hoàn thành tốt công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc, cơ bản các chỉ tiêu kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong toàn Khối đều có sự tăng trưởng tốt, tổng doanh thu tăng 6,1%, tổng lợi nhuận trước thuế tăng 3,7%, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách quốc gia; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt vai trò tham gia điều tiết vĩ mô nền kinh tế; tiếp tục đi đầu thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo việc làm ổn định, duy trì và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Biểu dương nỗ lực vượt khó của các tập thể, cán bộ, đảng viên, người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối, đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc trong năm 2020 đặc biệt chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ cương của đảng trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, chuẩn bị các điều kiện, nhất là công tác nhân sự cấp ủy ở cơ sở để tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp theo tinh thần nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, khóa XII “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, ngân hàng theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của giai đoạn 2016-2020” của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tháng 1 năm 2020

Ngày 13/1, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 1 năm 2020.

Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã cho ý kiến vào dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III; Báo cáo 6 tháng thực hiện hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng với cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của doanh nghiệp; báo cáo tình hình công tác cán bộ cấp ủy của các đảng bộ trực thuộc, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thảo luận, cho ý kiến đối với các Tờ trình về: báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp; xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo năm 2019 và báo cáo kết quả kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng năm 2019 đối với tổ chức Đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý; dự thảo chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối năm 2020. Tờ trình về việc đề xuất những đảng bộ tổ chức đại hội điểm và đại hội trực tiếp bầu bí thư, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc khen thưởng tổ chức Đảng và đảng viên năm 2019 và cho ý kiến một số nội dung khác.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 19 (mở rộng)

Thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020, chiều ngày 15/1/2020, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối DNTW tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 19 (mở rộng). Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, các đồng chí bí thư đảng ủy trực thuộc không là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào các nội dung dự thảo: Báo cáo kết quả kiểm điểm của tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối năm 2019; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của cấp ủy và UBKT các cấp trong Đảng bộ Khối; Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối năm 2020; Báo cáo kết quả công tác năm 2019, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban Tổ chức Đảng ủy Khối. Hội nghị đã tiến hành bầu bổ sung Phó Bí thư Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2015 – 2020; thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết công tác năm 2020 của Đảng bộ Khối, Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối năm 2020 và một số nội dung khác.

Tổng kết, trao Giải Búa liềm vàng năm 2019 của Đảng ủy Khối

Thiết thực hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vừa tổ chức Tổng kết Giải Búa liềm vàng năm 2019 của Đảng ủy Khối.  

Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) được Trung ương tổ chức đã trở thành một giải thưởng báo chí uy tín, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội nói chung, trong Đảng bộ Khối nói riêng. Sau 3 năm hưởng ứng, đây là lần đầu tiên Đảng ủy Khối tổ chức Giải Búa liềm vàng cấp Khối. Việc tham gia Giải được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; là một trong những nội dung đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên năm 2019. Giải Búa liềm vàng được các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối, từ người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh, cơ sở; phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên các báo, tạp chí, bản tin nội bộ; cán bộ công tác tại đơn vị ở ngoài nước đến cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, người lao động các ban tham mưu của Đảng ủy Khối và đảng ủy trực thuộc.

Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng của Đảng ủy Khối đã nhận được tổng số 515 tác phẩm từ 35 đảng ủy trực thuộc (trong đó có 496 tác phẩm báo in, báo điện tử; 07 tác phẩm truyền hình, 11 tác phẩm ảnh; 01 tác phẩm phát thanh). Các tác phẩm tham dự Giải đa dạng về chủ đề, thể loại; đề tài, nội dung bám sát những vấn đề thời sự, phản ánh sinh động thực tiễn công tác xây dựng Đảng, sản xuất kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối. Qua đó, góp phần tuyên truyền sâu rộng, tạo sức lan tỏa, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối về ý thức trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Ban Giám khảo đã lựa chọn 21 tác phẩm có chất lượng tốt nhất để trao giải cấp Khối, gồm: 02 Giải A, 03 Giải B, 07 Giải C, 09 Giải Khuyến khích và gửi tham dự Giải cấp Trung ương. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối biểu dương, khen thưởng 06 đảng ủy trực thuộc có thành tích xuất sắc trong hưởng ứng và tham gia Giải Búa liềm vàng.

Phát hành đặc biệt bộ tem Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng

Ngày 31/01/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020)”.

Việc phát hành bộ tem góp phần tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt chặng đường cách mạng Việt Nam 90 năm qua; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành vô hạn với lợi ích của quốc gia, dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bộ tem gồm 01 mẫu tem được thể hiện bằng ngôn ngữ hội hoạ đặc trưng với màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Nổi bật ở trung tâm mẫu tem trên nền cờ Đảng được cách điệu từ con số 90 là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập, dẫn dắt và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phía dưới của mẫu tem là cụm các biểu tượng về kinh tế, công nghiệp hóa hiện đại hóa, công nghệ thông tin và trái đất thể hiện ý tưởng về những thành tựu của đất nước, đảm bảo giữ vững được môi trường hòa bình và ổn định, không ngừng hội nhập quốc tế của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ tem có khuôn khổ 43x32(mm) được thiết kế không tràn lề, do hoạ sỹ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thể hiện. Bộ tem được cung ứng trên mạng Bưu chính công cộng từ ngày 31/01/2020 đến ngày 31/12/2021. Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 10 bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp kỷ niệm các năm chẵn Ngày thành lập Đảng.

TKV: Tiêu thụ 45.000 tấn than đầu tiên trong năm Canh Tý

Sáng 25/1 (mùng 1 Tết Canh Tý), tại Cảng Cẩm Phả, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức rót 45.000 tấn than tiêu thụ đầu tiên của Năm mới Xuân Canh Tý 2020. Đây là 45.000 tấn than cám 6a.1 đầu tiên từ Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả được  xuất  lên tàu Viet Thuan Sky cung cấp cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1. Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả là đơn vị tiêu thụ than chính của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV). Năm 2019, sản lượng tiêu thụ than qua cảng đạt trên 41,9 triệu tấn. Năm 2020, Công ty đặt kế hoạch tiêu thụ trên 45,6 triệu tấn than, chiếm 90% sản lượng than tiêu thụ của toàn Tập đoàn. Việc TKV đón tàu “xông” Cảng Cẩm Phả và rót những tấn than tiêu thụ đầu tiên với số lượng lớn ngay ngày đầu Xuân Canh Tý 2020 có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho công tác tiêu thụ than được thuận lợi, thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ than của TKV trong năm 2020.

Đảng ủy VRG lãnh đạo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Năm 2019, trên cơ sở nhận định và đánh giá những khó khăn và thuận lợi, thách thức và cơ hội, Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đề ra các chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện việc quản lý, điều hành phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với tập thể cán bộ, đảng viên và người lao động (NLĐ) toàn Tập đoàn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kế hoạch sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển ổn định, bền vững, bảo toàn - phát triển vốn Nhà nước.

Toàn Tập đoàn đã khai thác được 331.300 tấn mủ quy khô, bằng 103,5% kế hoạch (vượt 11.050 tấn so với kế hoạch). Tổng sản lượng cao su thu mua của toàn Tập đoàn là 75.500 tấn (đạt 100,33% KH). Tổng sản lượng cao su chế biến 388.243 tấn (đạt 102,97% KH), so với sản lượng chế biến năm 2018 nhiều hơn 8.618 tấn, tương ứng với tăng 2,27%. Sản lượng gỗ các loại 1.302.353 m3 (101,2% KH), sản lượng găng tay 1.730 triệu cái, diện tích cho thuê KCN 140,17 ha (69,31% KH). Tổng doanh thu 29.823 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế 5.131 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu (50.959 tỷ đồng) đạt 10,07%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu đạt 17,21%; nộp ngân sách trên 3.000 tỷ đồng; đảm bảo mức cổ tức 6% theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Thu nhập bình quân của 84.828 lao động là 7,2 triệu đồng/người/tháng (tăng 2,8% so với năm 2018).

Tiếp viên Vietnam Airlines được Bộ trưởng Bộ GTVT gửi thư khen

Để biểu dương và khích lệ những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong Ngành hàng không, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gửi thư khen hai tiếp viên Vietnam Airlines đã trả lại tài sản có giá trị lớn cho hành khách bị thất lạc. Hai trường hợp được Bộ trưởng biểu dương là Tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Phương Dung cùng tổ tiếp viên trên chuyến bay VN522 ngày 4/1/2020, và Tiếp viên trưởng Lương Đại Thành cùng tổ tiếp viên trên chuyến bay VN605 ngày 14/1/2020.

Trong thư, Bộ trưởng khen ngợi tinh thần đạo đức và thái độ làm việc trung thực, trách nhiệm của các tiếp viên, đồng thời gửi gắm mong muốn cán bộ, công nhân viên và người lao động của Vietnam Airlines cũng như Ngành hàng không Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, chu đáo trong công tác phục vụ hành khách để lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Ngày 14/1/2020, trên chuyến bay VN605 từ TP. Hồ Chí Minh đi Băng Cốc, Tiếp viên trưởng Lương Đại Thành và tổ tiếp viên đã phát hiện một chiếc túi xách màu đen, bên trong có nhiều đồ vật, thẻ tín dụng và tiền mặt với tổng giá trị tài sản lên đến hơn 150 triệu đồng. Các tiếp viên đã nhanh chóng phối hợp với đại diện Vietnam Airlines tại Băng Cốc để tìm kiếm hành khách và trao trả cho khách số tài sản trên. Trước đó, Ngày 4/1, sau khi chuyến bay VN522 từ TP. Hồ Chí Minh đi Thượng Hải hạ cánh, tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Phương Dung cùng tổ tiếp viên đã phát hiện một túi xách bị bỏ quên, bên trong có nhiều trang sức bằng kim cương và phụ kiện thời trang cao cấp với giá trị lớn. Tài sản sau đó được xác định thuộc về một nữ hành khách Campuchia và được bàn giao cho vị khách vào ngày 11/1/2020.

Tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hiện có mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 Điểm giao dịch xã, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách năm 2019 đạt 216.361 tỷ đồng, tăng 17.585 tỷ đồng so với năm 2018; đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 15.443 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,1% tổng nguồn vốn, tăng 3.634 tỷ đồng so với năm 2018, hoàn thành 162% kế hoạch giao năm 2019. Tổng doanh số cho vay đạt 70.000 tỷ đồng, tăng hơn 7.900 đồng so với năm 2018, với gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 206.805 tỷ đồng, tăng 19.012 tỷ đồng (+10,1%) so với cuối năm 2018, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 179.926 tỷ đồng, tăng 14.784 tỷ đồng (+9%) so với cuối năm 2018, hoàn thành 100% kế hoạch với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong tổng dư nợ, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh (SXKD) tạo sinh kế và việc làm chiếm tỷ lệ 73,8%.

Trong năm 2019, nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho 266.000 lao động, trong đó giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 15,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ... Hoạt động của NHCSXH năm 2019 đã hoàn thành tốt những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là: Tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) vừa tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

20 năm qua, tổ chức BHTG đã tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; chủ động cải tiến quy trình nghiệp vụ, đổi mới công tác quản trị, điều hành, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ; thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống các tổ chức tín dụng; giám sát, theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; chủ động xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của NHNN. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho của BHTGVN

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2020 BHTGVN chủ động đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng hoàn thiện chính sách BHTG phù hợp với thông lệ quốc tế, phấn đấu đến năm 2030, điều chỉnh hạn mức BHTG hướng tới bảo vệ toàn bộ 90%-95% người gửi tiền được bảo hiểm và bổ sung thêm cơ chế để tạo điều kiện cho BHTGVN nâng cao năng lực tài chính, tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém để trình Quốc hội sửa đổi Luật BHTG trong giai đoạn 2021-2025.

III - TIN THAM KHẢO

Quyết liệt, chủ động, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, nhấn mạnh: Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, chủ động, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Phó Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị luôn luôn quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh với tinh thần phải chủ động, phải quyết liệt; xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Về công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, cần tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân qua hệ thống chính trị để người dân yên tâm tin tưởng, không hoảng loạn. Đến nay, dịch nCoV chưa có thuốc đặc trị, do đó biện pháp căn bản nhất trong công tác phòng chống hiện nay là tập trung nhận biết, cách ly, điều trị cần phải được thực hiện nghiêm theo quy định của ngành y tế…

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ (có sự giám sát của quốc tế), tinh thần của ngành y tế là minh bạch, công khai tất cả các trường hợp để người dân nhận thức rõ tình trạng, từ đó có các giải pháp cùng tham gia phòng chống dịch, trước hết là cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị “tất cả chúng ta tổ chức thực hiện phòng chống dịch chủ động, quyết liệt, trách nhiệm, luôn luôn đặt yêu cầu cao hơn, đi trước một bước” để phòng chống thành công dịch bệnh này.

* Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV, các bệnh viện trên toàn quốc có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV đã sẵn sàng từ nhân lực, vật lực, cho đến các phòng bệnh cách ly… bảo đảm ứng phó với mọi tình huống ở mức cao nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến 13h30’ ngày 4/2, đã có 54 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ lây lan; theo dõi, giám sát những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nghi nhiễm nCoV; tạm dừng khởi công các dự án hạ tầng; thành lập BCĐ chống dịch đến cấp huyện, đường dây nóng và các đội chống dịch cơ động.

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 

Ngoài tiêu chuẩn chung, Quy định 214 cũng nêu rõ các tiêu chuẩn của mỗi chức danh: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội; Thường trực Ban Bí thư;...

Toàn văn Quy định 214 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Chỉ đạo của Đảng ủy Khối về việc phòng, chống dịch bệnh do virus Corona

Ngày 31/1, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Công văn số 2184-CV/ĐUK về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Công văn nêu rõ hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã xảy ra tại Trung Quốc, lây lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh. Hiện dịch bệnh này chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Nhận định tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Tuy nhiên, phải hết sức bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ, phòng ngừa và xử lý chính xác, hiệu quả.

Thực hiện Công văn số 79-CV/TW, ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư; để chủ động phòng, chống dịch, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối yêu cầu các đảng ủy trực thuộc xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, ban điều hành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; quyết tâm không để dịch lây lan, đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nội dung chi tiết Công văn của Đảng ủy Khối và các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ xem tại đây.

 BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

.
.
.
.