Giám đốc VietinBank Đồng Nai: “Tôi thích được gọi là người phụ nữ hạnh phúc…”
Trong bộn bề công việc, chị Nguyễn An Ngọc Châu, Giám đốc VietinBank Đồng Nai vẫn dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện cởi mở về gia đình, đồng nghiệp và những kỷ niệm, niềm vui trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10...
Giám đốc VietinBank Đồng Nai Nguyễn An Ngọc Châu nhận giải thưởng “Doanh nhân Văn hóa” năm 2012. |
Phóng viên (PV): Được biết, chị là một trong những lãnh đạo nữ đạt được nhiều thành công trong công việc và có một gia đình hạnh phúc. Xin chị có thể chia sẻ những giải thưởng đạt được, nhất là các giải thưởng liên quan đến doanh nhân nữ?
Giám đốc Nguyễn An Ngọc Châu (GĐ): 24 năm gắn bó với Ngân hàng Công thương, bằng cả tâm huyết và dồn cả trí lực của mình để cùng CBNV xây dựng thương hiệu VietinBank trên mảnh đất Đồng Nai. Dù có những lúc khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, có những gian truân không thể nào đong đếm, nhưng nếu chọn lại một lần nữa, tôi vẫn quyết định gắn bó đời mình với con đường mang tên VietinBank. Những năm tháng qua, tôi đã được sống trọn vẹn với tình yêu và niềm đam mê của mình trong ngôi nhà chung VietinBank.
Với vị trí lãnh đạo của một chi nhánh (CN) ngân hàng, chịu trách nhiệm trước hàng trăm con người về chén cơm, manh áo, dù rằng trong kinh doanh có những lúc mệt mỏi và những lo âu trong cả bữa ăn giấc ngủ, nhưng niềm vui thì thật lớn khi VietinBank Đồng Nai ngày càng lớn mạnh về qui mô và chất lượng, hiệu quả, thu nhập CBNV vững vàng, nộp ngân sách đầy đủ. Và trong nhiều năm qua, khi nhận được sự tôn vinh của xã hội thông qua nhiều giải thưởng cao quí dành cho VietinBank Đồng Nai và cá nhân tôi, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để dấn thân, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của CN Đồng Nai.
Các giải thưởng chị vinh dự được nhận: |
Với tôi, tất cả những danh hiệu được xây dựng từ công sức, trí tuệ của 180 con người trong gia đình VietinBank Đồng Nai mà tôi vinh dự là người đại diện. Tôi cũng tâm niệm rằng, mỗi giải thưởng là một cột mốc, một động lực và cũng chính là thêm một danh hiệu để bản thân tôi và các doanh nhân nói chung phải giữ gìn và phát huy để xứng đáng hơn nữa với niềm kỳ vọng mà xã hội đặt lên vai chúng tôi. Tôi cũng mong rằng, sẽ ngày càng có nhiều nữ doanh nhân được tôn vinh, bởi điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều phụ nữ thành đạt và tự tin khẳng định bản lĩnh, tài năng của mình, vượt qua những khó khăn, vất vả để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cộng đồng.
PV: Là người phụ nữ thành đạt, bận rộn, chị làm thế nào để định hướng nghề nghiệp cũng như giáo dục đạo đức cho con cái?
GĐ: Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, tôi tự nhủ rằng mình là một người phụ nữ may mắn khi bên cạnh công việc suôn sẻ thì gia đình - một nửa sự nghiệp của đời tôi luôn là một mái ấm. Nhiều người nói rằng đó là sự may mắn dành cho một người phụ nữ luôn nỗ lực vươn lên và biết cách cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi xin cảm ơn vì sự nhìn nhận đó. Và thú thật là tôi thích được gọi là một người phụ nữ hạnh phúc hơn là một người phụ nữ thành đạt, vì tôi cho rằng hạnh phúc mới là mục đích dấn thân của người phụ nữ.
Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là mái ấm gia đình với người chồng luôn dành cho tôi sự động viên, chia sẻ; 2 cậu con trai học giỏi, hiếu thảo; và được sự bảo ban, che chở của cha mẹ ruột và cha mẹ chồng. Trong cuộc sống, tôi và chồng luôn bàn bạc, thống nhất trong công việc gia đình và dạy dỗ con cái. Tuy cả 2 vợ chồng đều bận rộn nhưng chúng tôi biết thông cảm, khích lệ lẫn nhau và với chúng tôi con cái và gia đình luôn là ưu tiên số một.
Dù bận đến mấy tôi vẫn tranh thủ dành thời gian đưa đón con đi học từ mẫu giáo đến lớp 9, tranh thủ thời gian này trò chuyện để hiểu con thêm và cũng để các con nhận thấy sự quan tâm của mẹ. Như bao bà mẹ khác, tôi mong muốn con mình khôn lớn, thành đạt và tôi dạy con bằng cách gợi mở, định hướng chứ không áp đặt mong muốn của mình vào cuộc sống của con. Và cũng thật may mắn khi các con tôi đã nhìn vào gương lao động say mê và cách sống đặt chữ tâm vào mọi quyết định của ba mẹ để noi theo. Hiện nay, cậu con trai đầu đã là Thạc sỹ, giảng viên Đại học, cậu con trai thứ 2 của tôi cũng đang học Đại học năm thứ 3.
Tôi luôn tâm đắc rằng, gia đình có yên thì sự nghiệp mới thịnh, tôi cũng động viên CBNV trong CN cố gắng xây dựng tốt hạnh phúc gia đình bởi đó là nền tảng thành công, tạo sự yên tâm, vững vàng cho mỗi người trong công việc.
PV: Chị có thể chia sẻ với bạn đọc một vài kỷ niệm đẹp của mình trong Ngày Phụ nữ Việt Nam?
GĐ: Tôi không sao quên được những nét mặt rạng ngời của chị em phụ nữ VietinBank Đồng Nai vui mừng, phấn khởi khi nhận được tin Ủy ban Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam khen tặng “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” cho tập thể nữ CNVC CN năm 2005. Ngày 20/10/2005 chúng tôi đã đến Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô - Hà Nội, cờ hoa rực rỡ, các chị em xuất sắc nhất khắp mọi miền đất nước tụ tập về đây với những tà áo duyên dáng, trông chị nào cũng đẹp, cũng xinh. 6 chị em nữ chúng tôi hòa nhập trong dòng người ấy mà dâng trào một niềm cảm xúc khó tả, niềm hạnh phúc và tự hào.
VietinBank Đồng Nai là một trong 4 đơn vị tập thể của cả nước được vinh dự khen thưởng lần này. Tôi được đại diện lên bục danh dự nhận giải. Có lẽ đây là lần tôi cảm thấy mình xúc động nhất, khi vị lãnh đạo Nhà nước (Chị Tòng Thị Phóng) trao cho tôi Huy chương vàng “Phụ nữ Việt Nam” và nói: “Chị rất tự hào về em!”. Lúc ấy trong tôi tràn ngập niềm hạnh phúc và tự hứa với lòng mình sẽ phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để không phụ lại niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước.
Cách đây 5 năm khi cậu con trai út học lớp 10 gửi tặng mẹ một tấm thiệp mừng ngày Phụ nữ do chính tay con mình tự làm. Tấm thiệp chúc mừng mẹ ngày 20/10 thật công phu và rất đẹp. Tôi nghĩ chắc phải mất nhiều thời gian lắm. Thay vì phải nói một lời để cảm ơn con thì không hiểu sao lúc ấy tôi lại quát: “Sao con không lo học mà làm như thế này cho mất thời gian”. Mãi sau này tôi vẫn còn ân hận khi sau đó tôi được biết con tâm sự với một đứa em họ: “Mình thức khuya để làm tặng mẹ, mẹ đã không khen mà còn mắng nữa”.
Hai năm sau đó, khi tốt nghiệp xong lớp 12, gia đình đưa cháu sang Úc du học với ý định học ngành kinh tế - tài chính. Nhưng sau 2 tháng, cháu rụt rè xin phép cha mẹ để được học ngành kiến trúc. Lúc ấy, mới biết con mình có khiếu về mỹ thuật và để cho con tự quyết định con đường sự nghiệp của mình. Đến bây giờ tôi vẫn còn cất giữ tấm thiệp ấy, mỗi lần nhớ con mình lại lấy ra xem và cứ nghĩ là con đang ở bên mình.
PV: Vâng, xin chúc cho chị có thêm nhiều thành công cùng CN và hạnh phúc bên gia đình thân yêu.
Phi Nga