Những điểm mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Ngày 10-4-2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 77-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thay thế Quyết định số 106-QĐ/TW, ngày 21-11-2007 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Theo Quyết định số 77-QĐ/TW nói trên, về chức năng của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương giữ nguyên như Quyết định số 106-QĐ/TW. Đó là: "Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ưong là cơ quan tham mưu, giúp Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của Trung ương".
Tuy nhiên, Quyết định số 77-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá XI có một số nội dung mới so với Quyết định số 106-QĐ/TW của Bộ chính trị khoá X, như sau:
1. Về nhiệm vụ của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
Bổ sung mới các nội dung sau đây: Bổ sung Khoản 1 nội dung: “Chuẩn bị các vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, các đề án để Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền" để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Kiẻm tra Trung ương theo quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI đã được Ban Chấp hành Trung ương khoá XI ban hành.
Bổ sung Khoản 3 nội dung giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư "lập đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo thẩm quyền" cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong Quy trình xem xét xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng khoá XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương.
Bổ sung Khoản 4 nội dung hướng dẫn nghiệp vụ"công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và các vấn đề liên quan khác cho.... tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên" để quy định rõ nội dung nhiệm vụ và đối tượng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Bổ sung Khoản 5 nội dung "tham gia ý kiến các trường hợp do các cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng" đề phù hợp với tình hình thực tế về vấn đề này thời gian qua Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được Ban Bí thư giao thực hiện.
Bổ sung các nội dung mới (từ Khoản 10 đến Khoản 14) để quy định cụ thể và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban và của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương như sau:
“10- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, 6 tháng, 1 năm; sơ kết, tổng kết công tác của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
11- Xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ đối với cán bộ, công chức Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
12- Tổ chức việc bảo đảm kinh phí hoạt động hằng năm của Uỷ ban Kiểm tra, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và tổ chức thực hiện theo kế hoạch dự toán được duyệt theo dúng chế độ, chính sách quy định.
13- Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị pục vụ công tác của Cơ quan.
14- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Cơ quan”.
2- Về quyền hạn của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
Bổ sung điều này quy định cụ thể về quyền hạn của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để phân biệt rõ quyền hạn của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương như sau:
"Điều 3. Quyền hạn của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
1- Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị trong việc thành lập mới, giải thể, sát nhập các vụ, đơn vị thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quyết định thành lập các phòng trực thuộc các vụ, đơn vị của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
2- Quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết chế độ hưu trí, nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm hoặc khi có yêu cầu; bổ nhiệm ngạch, xét, chuyển ngạch, nâng bậc lương và những công việc khác thuộc công tác cán bộ của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo phân cấp quản lý cán bộ (trừ việc bổ nhiệm, quy hoạch Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương).
3- Kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi cần thiết.
4- Duyệt kế hoạch công tác hằng năm của các vụ, đơn vị thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.
3- Về tổ chức bộ máy của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
Bổ sung các nội dung sau trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, gồm: Bổ sung "Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Trợ lý, Thư ký Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương" cũng thuộc cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để phù hợp với tình hình thực tế.
Thành lập mới "Vụ Đơn thư - Tiếp đảng viên và công dân" là một đơn vị thuộc Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (như vậy, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra sẽ có 13 đơn vị giúp việc). Việc thành lập "Vụ Đơn thư - Tiếp đảng viên và công dân" dựa trên các căn cứ sau: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân. Ngày 10-02-2010, Ban Bí thư có Thông báo số 307-TB/TW về Đề án đổi mới công tác tiếp công dân, trong đó yêu cầu khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phòng Thư -Tiếp dân thuộc Văn phòng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương được thành lập theo Quyết định số 106-QĐ/KTTW, ngày 25-4-2002 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là cơ quan chuyên trách làm công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hằng năm Phòng Thư - Tiếp dân đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn đơn thư các loại, số lượng ngày càng tăng, mỗi năm tiếp hàng trăm lượt đảng viên, công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước (là 1 trong 6 cơ quan thường trực tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước). Là kênh thông tin quan trọng, chủ yếu giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm được nội dung và tình hình tố cáo, khiếu nại để có định hướng và giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát nói riêng và công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, các cơ quan tham gia công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước như: Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạọ Trung ương về phòng, chống tham nhũng đều có đơn vị cấp vụ để thực hiện chức năng tiếp công dân và xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại.
Từ những căn cứ nêu trên, cần thiết phải thành lập “Vụ Đơn thư - Tiếp đảng viên và công dân” thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm ra Trung ương để đáp ứng yêu cầu công tác giải quyết tố cáo, khiếu nại, tiếp đảng viên, công dân nhằm tổ chức thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng thời, để thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về chuyên môn, nghiệp vụ và quan hệ công tác đối với các cơ quan hữu quan trong tiếp dân và xử lý đơn thư và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tạp chí Xây dựng Đảng