Tổng bí thư đứng đầu ban chỉ đạo chống tham nhũng
Với 94,98% số ĐB tán thành, QH đã thông qua luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với nội dung mới nhất là bỏ mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu. Thay vào đó, sẽ lập Ban chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm trưởng ban.
Không lập cơ quan thuộc QH
Báo cáo giải trình trước QH, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường vụ đã tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN) trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với đại biểu QH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tổ chức, hoạt động của Ban sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong luật PCTN; bảo đảm nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và vẫn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật.
Liên quan đến đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc QH hoặc Chủ tịch nước, ông Hiện cho hay, đây là vấn đề được các vị ĐBQH và cử tri quan tâm, nhưng cũng là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Thường vụ QH đề nghị QH giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện luật PCTN trong thời gian tới.
Về ý kiến ĐBQH đề nghị thành lập cơ quan điều tra độc lập có một số thẩm quyền điều tra đặc biệt, ông Hiện cho hay, theo quy định của luật hiện hành vốn đã quy định, khi xét thấy cần thiết QH lập ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.
Nội dung này đang được Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo nghiên cứu trong việc chuẩn bị dự án luật Tổ chức điều tra hình sự sẽ được trình QH tại kỳ họp thứ 5 vào năm tới, đồng thời với việc trình dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Không kê khai tài sản của con cái, cha mẹ
Luật sửa đổi cũng giữ nguyên phạm vi đối tượng phải kê khai chứ không mở rộng và giữ nguyên quy định chỉ công khai tại nơi làm việc. Theo ông Nguyễn Văn Hiện, việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản phải phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý và kiểm soát hiện nay thì mới bảo đảm tính khả thi.
"Vì vậy, trong điều kiện Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập, tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như quy định của luật hiện hành để tập trung làm cho thật tốt và sẽ nghiên cứu mở rộng diện phải kê khai khi sửa đổi cơ bản, toàn diện luật này", Chủ nhiệm UB Tư pháp cho hay.
Về ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai, Thường vụ QH cho rằng, việc mở rộng khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định hiện hành.
Bởi trong trường hợp bố mẹ, con, anh chị em ruột đã thành niên là cán bộ, công chức, viên chức thì họ đã phải kê khai theo quy định. Còn trường hợp họ không phải là công chức, viên chức, theo quy định của pháp luật, họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, kể cả việc kê khai hay không. Do đó luật không bổ sung đối tượng này. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể điều tra những người liên quan, kể cả người thân của cán bộ, công chức, viên chức mà không nhất thiết phải kê khai.
Giải thích lý do vì sao không công khai bản kê khai tài sản tại nơi cư trú, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho hay, đây là vấn đề mới nên cần có bước đi thận trọng, nghiên cứu kỹ, phù hợp với năng lực quản lý, kiểm soát thu nhập hiện nay. Sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng công khai tại nơi cư trú khi sửa đổi toàn diện luật này vào lần sau.
Dự án luật cũng bổ sung các lĩnh vực phải công khai, minh bạch và quy định rõ về các hình thức công khai bắt buộc, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch.
Không quy định về kiểm soát thu nhập người có chức quyền
Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, luật đã bổ sung quy định về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình.
Liên quan đến đề xuất bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, ông Hiện cho hay, cần có thời gian nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về mọi mặt nên luật hiện hành đã quy định giao Chính phủ chuẩn bị đề án trình QH xem xét, quyết định.
ĐBQH cũng đã đề xuất nhiều nội dung như phải quy định cụ thể hơn về các hành vi tham nhũng, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, báo chí trong phòng chống tham nhũng, cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng… Song theo Ủy ban Thường vụ QH, sẽ tiếp tục giao Chính phủ tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện trong thời gian tới.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ QH, do thời gian chuẩn bị dự án luật ngắn, Chính phủ chưa tiến hành tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thi hành luật trong 6 năm qua; dự án luật lại chỉ được thông qua tại một kỳ họp nên nếu sửa đổi toàn diện tại một kỳ họp sẽ không bảo đảm chất lượng. Do đó, ban soạn thảo nhất trí chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và để thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Hội nghị TƯ .
Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2013.
Lê Nhung/VietNamnet