.
.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ:

Hành trình tuổi trẻ về nguồn

Thứ Năm, 26/07/2012|19:26

Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hội nhập và hòa cùng xu thế toàn cầu đi lên của thời đại, người dân Việt Nam đang sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình. Nhưng để có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, đã có biết bao con người đã hy sinh, tô thêm lá cờ đỏ thắm của Tổ quốc. Thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu về công tác đền ơn đáp nghĩa, hàng năm vào dịp tháng 7, nhân dân ta có nhiều hoạt động thiết thực để đền ơn đáp nghĩa, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, những người có công, những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam dioxin và giúp đỡ các thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với ý nghĩa đó, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, coi đó là một nhiệm vụ chính trị của đơn vị đồng thời cũng là trách nhiệm thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với các thương binh liệt sĩ nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của đơn vị tại các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hương tại thành cổ Quảng Trị
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hương tại thành cổ Quảng Trị

Cùng tham dự hoạt động tri ân này, có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Trần Hanh - Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam; đồng chí Lê Hữu Phúc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Quảng Trị; đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng; các thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở mặt trận tỉnh Quảng Trị và đại diện lãnh đạo, cán bộ nhân viên của VDB.

Tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình “Tri ân các Anh hùng liệt sĩ” là tỉnh Quảng Trị. Buổi lễ dâng hương và thả hoa bên bờ Bắc sông Thạch Hãn nhằm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ được tổ chức trong không khí trang trọng, tôn nghiêm.

Thả hoa bên bờ Bắc sông Thạch Hãn
Thả hoa bên bờ Bắc sông Thạch Hãn

Trong những ngày lịch sử này, đất Quảng Trị đã chứng kiến hàng nghìn đoàn du khách hành hương về các nghĩa trang liệt sĩ. Trong dòng du khách ấy không chỉ có thân nhân liệt sĩ, rất nhiều người về với Quảng Trị trong đó có hơn 100 cán bộ, nhân viên, đoàn viên thanh niên các đơn vị, chi nhánh của VDB và đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và địa phương đã đến dâng hương với tấm lòng biết ơn vô hạn.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm trên một ngọn đồi cao, đây là nơi yên nghỉ của rất nhiều liệt sĩ. Tại nghĩa trang, có mộ liệt sĩ đã xác định được tên nhưng còn nhiều mộ khác không xác định được tên. Sau gần 40 năm mưa nắng dãi dầu, máu xương của các anh đã hoà tan vào đất đỏ, không thể cầm lòng, đất đỏ đã thấm máu xương của các anh đã nói lên tất cả nỗi đau thương bi hùng của từng gia đình liệt sĩ trên đất Việt. Chỉ vậy thôi, nhưng thân nhân các liệt sĩ và đồng đội của liệt sĩ cũng cảm thấy nhẹ lòng vì Tổ quốc đã ghi công các anh, đưa các anh về với tiên tổ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đang ôn lại những ngày lịch sử tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đang ôn lại những ngày tháng lịch sử tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Thắp nén tâm hương trên mộ các liệt sĩ, chúng tôi nghẹn ngào thông báo với các anh, các chị kế hoạch của đoàn; tất cả đều tự dâng lên hương nến bằng trách nhiệm và sự tôn trọng của người còn sống đối với quá khứ của dân tộc.

Trong không khí thiêng liêng, trầm mặc, những phát biểu cảm tưởng trĩu nặng ân tình của đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VDB đã khiến những người dự lễ dâng hương bùi ngùi xúc động không cầm được nước mắt: “Hoài niệm về những hy sinh to lớn của một thời chiến tranh ác liệt, một thời máu và hoa, chúng ta mãi mãi không quên, không thể nào quên và không được phép quên khúc ca hào hùng, bi tráng của bao lớp cha anh đã viết nên trong suốt chiều dài của cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước; chúng ta cũng không thể nào quên biết bao những người mẹ không còn nước mắt vì khóc những đứa con đã ra đi mãi mãi theo tiếng gọi non sông; không thể nào quên những người vợ tiễn chồng ra mặt trận, đau đáu cả tuổi thanh xuân mãi mãi đợi chờ... Chúng ta tri ân những đồng chí thương binh, bệnh binh dù đã vượt qua cuộc chiến đạn bom nhưng vẫn hàng ngày, hàng giờ tiếp tục cuộc chiến đấu với những di chứng của chiến tranh mang trên cơ thể. Quá khứ của chiến tranh đang nhắc nhở và đòi hỏi những người đang sống hôm nay luôn trân trọng và biết ơn sự hy sinh to lớn của biết bao những con người vì khát vọng hòa bình mà đã anh dũng ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn… và thế hệ trẻ VDB luôn trân trọng những quá khứ hào hùng ấy để sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn”.

Thắp nén tâm nhang bên mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn
Thắp nén tâm nhang bên mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn

Chiến tranh đã qua đi, ngày ấy lớp các anh, các chị với bầu nhiệt huyết tràn đầy, sẵn sàng lên đường ra chiến trận, có nhiều thanh niên từng rời ghế trường đại học để tòng quân. Gian khổ chiến tranh không làm họ chùn bước, họ tự hào được cống hiến tuổi trẻ và cả sinh mạng để bảo vệ Tổ quốc, coi đó là trách nhiệm cao quý của những người con đất mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chuyến hành trình tri ân qua dằng dặc khúc ruột miền Trung, từ Quảng Trị đến Nghệ An... trong mỗi chúng tôi đều dâng trào niềm cảm thương vô hạn cùng sự biết ơn sâu sắc những người mẹ đã sinh ra các anh, các chị. Các Mẹ đã bao lần mong ngóng những đứa con xa trở về, đã bao lần khắc khoải mong đợi tin con từ nơi chiến trận để rồi  khóc thầm lặng lẽ?!

Đêm miền Trung trong vắt lại càng bồi hồi cảm xúc khi nghe câu hát: “Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên...”, những vần điệu tha thiết hào hùng ấy khiến cho những tượng đài bớt đi lạnh lẽo và anh linh liệt sĩ chợt rất đỗi thiêng liêng. Trong sâu thẳm trái tim chúng tôi, những người tiếp bước các anh các chị, luôn đau đáu một nỗi niềm ao ước tri ân, bằng hành động, bằng việc làm thiết thực sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

Anh Đỗ Mạnh Thắng - Phòng Tổng hợp Thư ký của VDB, bày tỏ: “Trong những ngày này, không chỉ cán bộ, nhân viên và đoàn viên thanh niên Ngân hàng phát triển Việt Nam mà cả nước đều thể hiện tình cảm, trách nhiệm và tấm lòng tri ân đối với thế hệ cha anh đi trước. Lòng tri ân không thể biểu hiện trong có một ngày 27-7, mà phải là tinh thần thường xuyên chảy trong huyết mạch cuộc sống của mỗi chúng ta”.

Khi châm những nén hương thắp lên các hàng bia mộ liệt sĩ, đoàn viên Phạm Vũ Tuấn Giang xúc động: “Việc thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ giúp cho đoàn viên thanh niên chúng tôi thấy được sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Để đất nước to đẹp như ngày hôm nay, thế hệ trẻ như chúng tôi cần xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ tiếp tục xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Trong khuôn viên thành cổ Quảng Trị, đoàn chúng tôi đã kính cẩn dâng hương tưởng nhớ đến các anh hùng, những chiến sĩ quả cảm, người con ưu tú của quê nhà. Tất cả đều khấn cầu cho linh hồn các anh được ngậm cười nơi chín suối. Ngày đó, hàng vạn người lính từng bơi qua sông Thạch Hãn vào giải phóng Thành cổ, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông. Cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về đã chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”. Và Thành cổ Quảng Trị, gần 40 năm sau ngày im tiếng súng bom, chưa ai biết đích xác có bao nhiêu người lính đã nằm lại đây, nhưng tại nghĩa trang Thành cổ có khoảng một nghìn nấm mộ, hầu hết là vô danh, bao nhiêu nữa những chiến sĩ trẻ vừa rời giảng đường vào Thành cổ ngày ấy đã vĩnh viễn không thể tìm thấy thân xác.

Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ, những người ở lại và thế hệ trẻ VDB hôm nay cùng toàn dân mãi mãi không quên công các anh, những người con đã trở thành bất tử.

Những huyền thoại Anh hùng

Tại khu tưởng niệm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Chính ngọ, đoàn chúng tôi dâng nén tâm nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ, bộ đội, dân công hỏa tuyến, công nhân đảm bảo giao thông, thanh niên xung phong và nhân ngày giỗ lần thứ 44 của 10 nữ Anh hùng TNXP Ngã ba Đồng Lộc - những người hy sinh bảo vệ mạch máu giao thông nối hậu phương và tiền tuyến một thời trận mạc. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên tọa độ chết năm xưa, thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời nhưng khó có ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc.

Đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng Phát triển Việt Nam dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc
Đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng Phát triển Việt Nam dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc

Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc cùng với hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ khác sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau và là địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ hôm nay.

Mộ 10 nữ TNXP luôn ngát khói hương. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người từ khắp mọi miền tới viếng, tri ân những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ Quốc

Huyện thoại về “Hang 8 cô” (Quảng trạch, Quảng Bình) cùng với Ngã Ba Đồng Lộc, đường Trường Sơn huyền thoại đã đi vào lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước.

Sau những phút trang nghiêm trong khói hương tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trên đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi không ai cầm được lòng mình khi nghe các cán bộ ở đây kể lại câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, vì sự phát triển của quê hương Quảng Bình.

Chiều ngày 14/11/1972, B.52 ném bom rải thảm tuyến đường 20. Đội thanh niên xung phong 163 đang ở hiện trường vội vã chạy vào hang đá trú ẩn. Cả quãng đường bị bom cày nát và liền ngay tảng đá hàng ngàn tấn trên cửa hang bị sập xuống bịt kín miệng hang. Trong hang có tám thanh niên xung phong đều cùng quê Thanh Hóa. Tám liệt sĩ TNXP tại km 16 - trên đường 20 Quyết Thắng đã hy sinh khi tuổi đời còn ở độ mười tám đôi mươi. Họ biết trước điều gì có thể xảy ra. Song, với người chiến sĩ mang tên TNXP đã nói lên ý chí chiến đấu, ý thức tự nguyện: “Đâu có giặc là ta cứ đi. Đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần...”.

Dâng hương tại Đền tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên đường 20 Quyết Thắng
Dâng hương tại Đền tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên đường 20 Quyết Thắng

Năm tháng qua đi, nhưng anh linh của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì dân tộc vẫn như còn mãi với thời gian. Góc đền tưởng niệm có những dòng của giáo sư Vũ Khiêu: Đường 20 - Một miếu khang trang/ Đỉnh Quyết Thắng - trăm cờ khánh tiết/ Tưởng niệm những anh hùng, xót thương bao nghĩa liệt/ Tuổi chẳng thọ, nhưng huân công mãi trường tồn... và ngay tại cửa hang cũng có một tấm bia nhỏ khắc mấy dòng chữ ngắn gọn mà âm vang: “Khi còn đặt bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hi sinh cao cả của các cô. Những cô gái thanh niên xung phong - cầu cho các cô được vĩnh hằng!”.

Trước tấm bia “Tổ Quốc ghi công” chung cho tiểu đội nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, chị Hoàng Phương Lan, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ngân hàng phát triển Việt Nam bùi ngùi xúc động: Thông qua các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của toàn dân tộc là một phương cách giáo dục tư tưởng cho đoàn viên thanh niên, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tình người và lối sống nhân văn. Những đoàn viên thanh niên này sẽ là những điểm sáng lan tỏa ra toàn giới trẻ...

Chiều miền Trung sâu lắng trong ánh hoàng hôn, chúng tôi bước thấp bước cao giữa các hàng bia mộ, trong lòng bùi ngùi xúc động tưởng nhớ về những tấm gương anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, có những liệt sĩ đã vì nước hy sinh rồi hoá thành bất tử cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn.

Từ trên đồi cao, phóng tầm mắt ra Ngã ba Đồng Lộc thấy sự bình yên với màu xanh của cuộc sống mới, anh Phạm Đức Hòa - Phó Tổng giám đốc VDB chia sẻ: “Những địa danh huyền thoại mà cán bộ, nhân viên VDB đã đi trong chương trình tri ân này là nơi ghi dấu tội ác chiến tranh và là bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, những câu chuyện huyền thoại ấy đã được viết lại, dựng thành phim, thành kịch và câu chuyện về sự hy sinh của các anh, các chị thật lẫm liệt. Qua hoạt động này tạo được sự gắn kết, trở thành một phong trào sâu rộng trong các đơn vị, chi nhánh của VDB nói riêng và đoàn viên thanh niên trong cả nước nói chung để chương trình ngày càng trở nên ý nghĩa. Mong rằng, VDB sẽ có nhiều chuyến đi “Về nguồn” như thế này, có nhiều hoạt động tri ân thiết thực hơn, quy mô rộng hơn và có chiều sâu…”.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, trong quá trình phát triển của mình VDB đã rất quan tâm tới các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào các quỹ từ thiện, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách. Sự quan tâm đó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tiếp nhận các thương binh, bệnh binh, quân nhân xuất ngũ chuyển ngành, các đồng chí là con em liệt sĩ về công tác tại VDB; nhận chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng; phục dựng di tích hố bom tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); xây dựng công trình Đền Tưởng niệm - Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn (Quảng Trị)… tất cả là minh chứng cho những gì mà VDB đã và đang làm để tri ân những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì nền độc lập tư do của Tổ quốc.

Chuyến đi đã để lại nhiều ý nghĩa và xúc động, mỗi người đều có ý thức nâng niu các anh, mỗi bước chân nhẹ nhàng hơn như bước chân của các anh nhẹ nhàng về quê mẹ. Từ sâu thẳm lòng mình chúng tôi vẫn luôn nhớ về các anh… Xe đi qua cầu Hiền Lương - nơi một thời là giới tuyến chia đôi đất nước, trên đỉnh cột cao hôm nay lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay như chào đón những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc.

P.V

.
.
.
.