Nhập siêu giảm, điểm sáng của kinh tế năm 2011
Xuất khẩu tăng mạnh, giảm nhập siêu
Theo ông Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại Việt Nam), đây là mức giảm rất mạnh sau nhiều năm kỳ vọng đưa nhập siêu về mức 20% nhưng đều không đạt.
Lý giải về thành công bước đầu này, Bộ Công Thương cho biết nhân tố cơ bản góp phần giảm nhập siêu trong năm 2011 đó là xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010 và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Mức tăng trưởng này cao hơn 23% so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP lần đầu tiên vượt qua mức 80,7%, vượt xa so với kỷ lục 70% của năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỷ USD (nhập khẩu đạt 105-106 tỷ USD).
Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về thị trường và các rào cản thương mại, song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Đặc biệt, mặt hàng mới là điện thoại di động lần đầu tiên đạt 7,5 tỷ USD, tăng trưởng 257% và vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu, chỉ sau dệt may.
So với năm 2010, chúng ta có thêm 2 mặt hàng mới có kim ngạch trên 1 tỷ USD là mặt hàng túi xách, va li, mũ, ô dù và sản phẩm sắt thép, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 22 mặt hàng.
Khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh, bên cạnh các mặt hàng truyền thống có khối lượng xuất khẩu tăng khá như thủy sản, hạt tiêu, hàng dệt và may mặc, da giày, điện tử và linh kiện... kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng mới như điện thoại di động, máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su, sản phẩm từ sắn... đã tăng mạnh, điều này đã khẳng định chủ trương phát triển mặt hàng xuất khẩu mới từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng.
Sản xuất trong nước phát triển, hàng hóa trong nước đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu góp phần tăng trưởng xuất khẩu và giảm nhập khẩu, dẫn đến giảm nhập siêu. Theo đó, lượng nhập khẩu một số mặt hàng thuộc nhóm nguyên nhiên vật liệu đã giảm do sản xuất trong nước đã đáp ứng nhu cầu nhập khẩu như clinker (giảm 54%), thép các loại (giảm 19%, trong đó phôi thép giảm 58,5%).
Ngoài ra nhập siêu được kiểm soát có hiệu quả thông qua các chính sách, giải pháp do Chính phủ và các Bộ ngành ban hành, trong đó, riêng việc ban hành và triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm sóat nhập khẩu đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu như hàng tiêu dùng, ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe máy chỉ còn tăng 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng chung 25%.
Bảo đảm giảm nhập siêu bền vững
Mặc dù kết quả kiềm chế nhập siêu năm 2011 đạt được con số khá ấn tượng nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, các giải pháp thời gian qua mới chỉ tập trung vào giải pháp thương mại, có tính chất ngắn hạn, để nhập siêu giảm mang tính bền vững cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu cũng như chủ động được nguyên liệu cho các mặt hàng chủ lực như dệt may, chế biến.
Đại diện Bộ Công Thương khi trao đổi với phóng viên Cổng thông tin Điện tử cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu đã nêu tại Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ và xây dựng kế hoạch điều hành xuất nhập khẩu năm 2012.
Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng xuất khẩu; tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh.
Tới đây Bộ Công Thương sẽ đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế phân bổ tín dụng theo hướng ưu tiên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, ưu tiên cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho người nông dân và các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là vào các thời điểm trước khi bắt đầu vụ thu hoạch để giữ giá, tránh thiệt hại cho người nông dân đồng thời tạo sự chủ động về nguồn hàng cho xuất khẩu.
Về nhập khẩu, Bộ sẽ tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng không thiết yếu, hàng hóa trong nước đã sản xuất được, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu, giảm dần nhập siêu phù hợp với các cam kết quốc tế; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát thuế theo cam kết để sử dụng có hiệu quả công cụ này trong việc quản lý nhập khẩu; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường xây dựng các biện pháp kỹ thuật đối với nhóm hàng tiêu dùng.
Theo Chính Phủ