Văn hoá tiêu dùng hàng Việt Nam - Từ tầm nhìn đến giải pháp
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ văn hoá tiêu dùng hàng Việt Nam” năm 2011, sáng 24/12, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông Đông Nam tổ chức Tọa đàm “Văn hoá tiêu dùng hàng Việt Nam- Từ tầm nhìn đến giải pháp”.
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và chỉ đạo cuộc Toạ đàm. Báo cáo đề dẫn tại Toạ đàm, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu rõ: Năm 2009, trước những tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội toàn cầu, đặc biệt là sự khó khăn của thị trường xuất khẩu trọng điểm và sự lấn sân của hàng hoá rẻ từ các nước trong khu vực, Bộ Chính trị đã có quyết định kịp thời về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009. Thông báo nhấn mạnh: “ Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu". Qua 2 năm triển khai Cuộc vận động, với nhiều biện pháp sáng tạo, động viên được sức mạnh và lòng yêu nước của đông đảo nhân dân, Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy sản xuất, giảm nhập siêu, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã, hình thành văn hoá tiêu dùng, trở thành một nét đẹp văn hoá cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Cuộc toạ đàm được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến của các nhà văn hoá, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam, làm rõ nội hàm của văn hoá tiêu dùng, phân tích thực trạng đề xuất, kiến nghị những giải pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam đáp ứng yêu cầu, mục đích của Cuộc vận động.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS.TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cũng khẳng định: Văn hoá tiêu dùng vừa là mục tiêu, vừa là kết quả, động lực quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để đẩy mạnh có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng văn hoá tiêu dùng người Việt Nam, trước hết cần xác định rõ những thành tố chủ yếu của nội hàm văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam. Thực trạng văn hoá tiêu dùng và những giải pháp đồng bộ khả thi để xây dựng, phát triển sâu rộng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam. Cũng theo PGS. Đào Duy Quát, văn hoá tiêu dùng là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam là sự thể hiện các giá trị văn hoá của con người Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân và trong tiêu dùng sản xuất. Những giá trị văn hoá cơ bản của con người Việt Nam được thể hiện: tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự trọng, tự hào, ý chí tự cường dân tộc, có lối sống nếp sống cao đẹp trung thực, cần kiệm nhân nghĩa, kỷ cương; lao động cần cù với lương tâm nghề nghiệp, lao động có kỹ thuật có năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể, xã hội phải thấm sâu, lan toả thành hệ giá trị chỉ đạo tư tưởng, tình cảm và hành động của mọi con người Việt Nam và mọi tập thể lao động của nước ta trong tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng sản xuất.
Bàn về thực trạng văn hoá người tiêu dùng hiện nay, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: Thực tế hiện nay người tiêu dùng Việt Nam đang có tư tưởng “sính ngoại”. Đó là một trong những mặt trái căn bản của văn hoá tiêu dùng cần phải thay đổi, bởi nó ảnh hưởng tới sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế hiện nay có nhiều hàng hoá việt Nam có thể tự sản xuất, nhưng chúng ta vẫn cho nhập ngoại bởi bộ phận người tiêu dùng vẫn có nhu cầu rất cao. Như vậy chính thị hiếu sính ngoại cộng với cơ chế mở cửa chưa hoàn toàn phù hợp đã đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào hoàn cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Cùng với TS Cao Sỹ Kiêm, các đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia văn hoá... tham dự Toạ đàm đại diện cho các ngành, các cơ quan Trung ương và các công ty, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, phân tích, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến văn hoá tiêu dùng, từ đó đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị để xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam như: Nâng cao sức cạnh tranh, tiến tới chinh phục người tiêu dùng; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh phê phán thói quen sính ngoại; xây dựng môi trường pháp lý ngày càng công khai minh bạch, công bằng, trong sạch; xây dựng đạo đức người tiêu dùng..... Phát biểu kết luận Toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Tuy thời gian Toạ đàm rất ngắn, chỉ trong buổi sáng nhưng các đại biểu đã đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu, góp phần nhận thức sâu hơn về văn hoá tiêu dùng Việt Nam, nhận thức sâu hơn về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua các tham luận và ý kiến phát biểu tại Toạ đàm, cho thấy Văn hoá tiêu dùng là triết lý sống chứ không đơn thuần chỉ là hành vi văn hóa. Phát triển văn hoá tiêu dùng là tư duy chiến lược về phát triển kinh tế- xã hội, định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hiện nay. Bên cạnh đó, Văn hoá tiêu dùng còn là chính trị vì nó thể hiện ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, bảo vệ thương hiệu Quốc gia. Trong kỷ nguyên hiện nay chúng ta luôn phải gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá. Cũng qua Toạ đàm, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn về Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó kêu gọi sự đồng thuận của các cá nhân, tập thể, các doanh nghiệp tích cực tham gia, thực hiện Cuộc vận động. Với gần 20 tham luận của các đại biểu gửi tới Toạ đàm, đã góp phần phác hoạ được thực trạng văn hoá tiêu dùng của nước ta hiện nay, bên cạnh những thành tựu vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cảnh báo. Đặc biệt, qua buổi Toạ đàm, các đại biểu đã đưa ra được nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực và hữu hiệu nhằm xây dựng thương hiệu cũng như văn hoá người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở để những nhà quản lý, hoạch định chính sách tham khảo, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, văn hoá xã hội phù hợp với thực tế của đất nước./. |
||||||
Kim Thoa/ Theo ĐCSVN |