.
.

Khai mạc Hội nghị người Việt ở nước ngoài lần thứ 2

Thứ Sáu, 28/09/2012|06:51

Sáng 27/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đã khai mạc.

Một doanh nghiệp Việt Nam
Một doanh nghiệp Việt Nam

Dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và gần 1.000 đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao sự có mặt của các đại biểu, các vị khách quý có mặt tại buổi gặp gỡ có ý nghĩa quan trọng này.

Đây là biểu hiện sinh động cho ý chí và nguyện vọng của hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cùng nhau đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về quê hương đất nước.

Ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh nhận thức sâu sắc rằng hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn lực quý báu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là cầu nối quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, từ trước đến nay Đảng và Nhà nước ta luôn rất quan tâm đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đến nay, nhiều chủ trương, chính sách tiếp tục được ban hành hoặc sửa đổi, hoàn thiện mới, đáp ứng quyền lợi thiết thân của kiều bào. Công tác vận động kiều bào được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, giúp bà con ngày càng gắn bó với đất nước.

Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng, so với nhu cầu, mong mỏi của bà con kiều bào cũng như yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước trong tình hình mới, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thực tế thời gian qua cho thấy, kiều bào ở một số nơi vẫn chưa thực sự có cuộc sống bảo đảm, địa vị pháp lý chưa ổn định; nhu cầu về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, trong đó có việc duy trì tiếng Việt đang trở nên hết sức cấp thiết; công tác xây dựng và phát triển hội đoàn gặp không ít khó khăn, tính gắn kết ở một số khu vực cộng đồng không cao; một bộ phận nhỏ kiều bào do thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch nên còn có những lời nói, việc làm đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và dân tộc.

Nhiều chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào, như vấn đề quốc tịch, đầu tư kinh doanh, mua và sở hữu nhà... còn có những vướng mắc trong quá trình triển khai và còn thiếu những chính sách, biện pháp cụ thể để kêu gọi và tạo điều kiện hỗ trợ trí thức kiều bào về làm việc ở trong nước.
 
Từ những thực tế trên, ông Lê Hồng Anh đề nghị, hội nghị cần đánh giá một cách đầy đủ và sát thực hơn về tình hình và xu hướng phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, về hiệu quả của các chủ trương, chính sách đối với kiều bào, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, xác định chiến lược xây dựng cộng đồng tham gia với Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác này, từ đó xây dựng các chương trình, đề án vận động cộng đồng trước mắt và lâu dài.

Mặt khác, trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ và xây dựng trong thảo luận, tập trung làm rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng, định hướng trong xây dựng và phát triển cộng đồng trong mối liên hệ với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.

Theo ông Lê Hồng Anh, cần xác định Hội nghị lần này là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, là diễn đàn để các đại biểu cùng thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân và hội nhập quốc tế của đất nước mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đề ra.
 
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm quý báu của bà con kiều bào hướng về đất nước và luôn coi đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận ruột thịt không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ bà con.

Nhiều văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho kiều bào trong các lĩnh vực quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, mua nhà ở, đất ở… đã được xây dựng và ban hành. Công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm hơn trước.

Tuy vậy, Chính phủ cũng nhận thấy rằng những chính sách này còn chưa đáp ứng được hết các nguyện vọng và mong muốn của nhiều bà con. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, đóng góp của bà con kiều bào để có những chính sách mới đáp ứng được nguyện vọng của bà con. Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
 
Theo báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng địa bàn cư trú.

Đến nay, có hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ. Cộng đồng ngày càng ổn định, hòa nhập vào xã hội sở tại, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức.

Hàng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó có nhiều chuyên gia, trí thức về làm việc và nhiều người về tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh.

Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, năm 2011 đạt trên 9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hồi nhiều nhất; 6 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao cũng đã trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công tác người Việt Nam ở nước ngoài tặng bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quỹ hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài.

Sau chương trình khai mạc, chiều 27/9, 4 hội nghị chuyên đề song song cũng diễn ra, gồm “Tương lai của cộng đồng – Những vấn đề của hội nhập và phát triển kinh tế”, “Bản sắc văn hóa vả truyền thống dân tộc - Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước”, “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Từ tiềm năng đến hiện thực” và “Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước”.

Trong chương trình hội nghị diễn ra đến hết ngày 30/9, các đại biểu kiều bào còn tham gia giao lưu tại một số cơ sở kinh tế, văn hóa, thông tin tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Hoàng Anh Tuấn (Theo TTXVN)

.
.
.
.