.
.

Để hàng Việt ngày càng gắn bó với người tiêu dùng

Thứ Năm, 08/12/2011|23:09

 

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã được Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Kon Tum hưởng ứng tích cực hơn 2 năm qua. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc và quan trọng đối với đời sống xã hội; đó chính là đòn bẩy để đưa nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển. Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận ý tưởng cuộc vận động này khá sớm và đặt ra quyết tâm tạo thành một phong trào tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.

 

Hàng hoá Việt ngày càng đến với người tiêu dùng
ở vùng sâu, vùng xa.

 

Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn xây dựng các chương trình truyền thông về Cuộc vận động; Trong đó, tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như lương thực, thực phẩm, hàng dệt may, đồ điện dân dụng...; phản ánh những vấn đề cần khắc phục trong sản xuất,  kinh doanh, quản lý, phân phối và tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền dưới các hình thức như: Tổ chức các buổi họp dân, cổ động, tranh thủ uy tín của những già làng, trưởng bản tuyên truyền người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước. Tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, giảm giá, khuyến mại hàng hoá đã thu hút được đông đảo các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia.
 
Mặc dù vậy trong hơn hai năm qua, Cuộc vận động tuy đã được triển khai sâu rộng, nhưng chưa có tính thuyết phục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở. Công tác tuyên truyền, vận động thiếu thường xuyên, chưa thực sự đến với nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nên sức lan tỏa và hiệu quả cuộc vận động còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và một bộ phận nhân dân chưa nghiêm túc thực hiện tinh thần, nội dung cuộc vận động. Một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh về cuộc vận động để tổ chức lãnh đạo và thực hiện ở địa phương, cơ sở một cách nghiêm túc.
 
Để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động trong toàn xã hội ngày càng có sức lan toả và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong việc tiêu dùng hàng hóa trong nước, có sự chuyển động thực sự trong thói quen và hành vi mua sắm của người dân; cần tuyên truyền cuộc vận động nhiều hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như tổ chức các hoạt động triển lãm, hội chợ… Đặc biệt, các phương tiện truyền thông đại chúng cần chú trọng hơn việc ưu tiên tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh, trong nước để người tiêu dùng nắm bắt một cách nhanh nhất. Các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường đưa hàng hóa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…, một mặt vừa tăng sức mua đồng thời cũng phục vụ người dân nhiều hơn, góp phần hạn chế việc bình ổn giá ở nơi đây. Các siêu thị, các trung tâm Thương mại, các chợ, các điểm kinh doanh… cần ưu tiên bán hàng Việt Nam thay vì lợi dụng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng để bán hàng nhập khẩu. Việc ưu tiên này nên được đưa vào tiêu chí đánh giá của “người kinh doanh”. Từ đó hàng hoá Việt Nam sẽ thuyết phục được người tiêu dùng, khi những người lao động và quản lý doanh nghiệp Việt Nam trên dưới một lòng, tận tâm hiệp lực sản xuất ra hàng hóa một cách trân trọng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại và đạt chất lượng tốt, thì nhất định, đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm đến các sản phẩm của hàng hoá nội địa.
 
Bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh cần tuyên truyền các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng hóa trong tỉnh đổi mới quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân dưới mọi hình thức để có những việc làm thiết thực, ưu tiên sử dụng hàng hóa do các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước sản xuất, tạo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Năm 2011 và những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh Kon Tum cần tiếp tục tổ chức hội nghị đánh giá tình hình kết quả thực hiện cuộc vận động từ ngày thành lập đến nay; xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện cuộc vận động và phân công các thành viên phụ trách các lĩnh vực. Định kỳ 6 tháng, hằng năm tổ chức kiểm tra ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; tiến hành sơ kết, tổng kết cuộc vận động để báo cáo, kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần xác định rõ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung, tiêu chí của phong trào thi đua của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động trong nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chú trọng phát huy vai trò người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong chức sắc các tôn giáo về nội dung tinh thần của cuộc vận động, về xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Xây dựng điểm chỉ đạo cuộc vận động để rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình ở vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tăng cường hoạt động giám sát các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, cán bộ, đảng viên thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị; giám sát các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Ngoài những nhiệm vụ đã được phân công theo chức năng và nhiệm vụ, các cấp các ngành tiếp tục tổ chức triển khai đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, định hướng và vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, coi đó là sự thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng người Việt Nam; rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách bảo vệ sản xuất, bảo vệ thị trường và quyền lợi người tiêu dùng trong tỉnh. Thiết nghĩ, đây là một việc làm có ý nghĩa đang được Mặt trận, các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai nhằm hướng dư luận về một việc cụ thể nhằm chứng minh lòng yêu nước của người tiêu dùng đối với hàng hoá do Việt Nam sản xuất./.                                                                                    

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐĂNG BÌNH

Theo http://www.kontum.gov.vn

 

.
.
.
.