.
.

Đà Nẵng sau 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương

Thứ Bảy, 31/12/2011|17:40

 

Cách đây 15 năm, (1/1/1997 – 1/1/2011) thành phố Đà Nẵng chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Phóng viên thường trú Cổng TTĐT Chính phủ tại miền Trung-Tây Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP nhân sự kiện này.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến:  Qua 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, kinh tế- xã hội của thành phố đạt được nhiều thành tựu nổi bật - Ảnh Chinhphu.vn

PV: Tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau chặng đường 15 năm, Thành phố đã giành được những mốc son quan trọng nào?

 

Chủ tịch Văn Hữu Chiến: Ngày 16/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, khoá IX Quốc hội đã quyết định thành lập thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1997. 

Qua 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, kinh tế- xã hội của thành phố đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Từ một địa phương được thành lập trên cơ sở thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh) và huyện Hòa Vang trước đây, công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại chú yếu là buôn bán nhỏ, du lịch, dịch vụ rất kém phát triển. Với dân số 672.468 người, thu nhập bình quân trên đầu người/năm khoảng 318 USD, tổng thu ngân sách đạt 1.190,5 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng đạt khoảng 760,944 tỷ đồng, giá trị sản xuất khối thương mại- dịch vụ đạt khoảng 1.292 tỷ đồng, thì đến nay, sau 15 năm: dân số thành phố đạt khoảng 926.000 người, tăng khoảng 1,4 lần; thu thập bình quân đầu người/năm khoảng 2.283 USD, tăng 7,2 lần so với năm 1997, gấp khoảng 1,8 lần mức bình quân của cả nước, tổng thu ngân sách địa phương đạt 17.004 tỷ đồng, gấp 14,3 lần năm 1997; giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng ước thực hiện 14.855 tỷ đồng, gấp 19,5 lần; giá trị sản xuất khối thương mại dịch vụ đạt 42.670 tỷ đồng, gấp gần 33 lần. Năm 2000, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn là 2.359,2 tỷ đồng, thì đến năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 25.133,3 tỷ đồng, tăng 10,7 lần. Các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn. Diện mạo của thành phố ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân thành phố được cải thiện rõ rệt, kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và khá hiện đại; văn hóa, văn minh đô thị được nâng lên, quốc phòng- an ninh ổn định, vững chắc.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã được Chính phủ công nhận là Đô thị loại I cấp quốc gia (từ năm 2003), là một cực phát triển của cả nước, có vai trò, vị trí là đầu tàu kinh tế, là thủ phủ miền Trung - Tây Nguyên, được xác định tại Nghị quyết số: 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị là một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại  du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính- ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

PV: Là đô thị loại I, Đà Nẵng đã có những bài học gì về việc xây dựng chính quyền đô thị?

Một góc thành phố Đà Nẵng - Ảnh Chinhphu.vn

Chủ tịch Văn Hữu Chiến: Trong quá trình xây dựng và phát triển, từ một thành phố mới chia tách tỉnh, còn quá nhiều mặt khó khăn, đến nay Đà Nẵng đã trở thành Đô thị loại I cấp quốc gia, là một trong số rất ít tỉnh, thành có tổng thu ngân sách hàng năm hơn 10 ngàn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người/năm khoảng 2.283 USD, cao gần 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực, mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền đã và đang có những bất cập, hạn chế, không đáp ứng kịp thời với đòi hỏi phải đổi mới liên tục của thực tiễn cuộc sống, đó là:

- Mô hình tổ chức bộ máy cơ quan chính quyền hầu như giống nhau ở tất cả các cấp chính quyền, gồm HĐND và UBND, đã tạo ra một hệ thống bộ máy chính quyền rập khuôn, chưa phân biệt được sự khác nhau trong tổ chức quyền lực và quản lý hành chính nhà nước ở đô thị với nông thôn, trong khi đặc điểm, tính chất và yêu cầu quản lý ở mỗi địa bàn khác nhau, trong khi đó đòi hỏi của cuộc sống cư dân đô thị đang nhanh chóng hòa nhập với quá trình toàn cầu hóa.

- Quản lý đô thị với đặc điểm là yêu cầu tập trung, khép kín đồng bộ, trong khi đó hiện nay bị cắt khúc ra thành các cấp khác nhau trong khi bản thân đô thị là một thể thống nhất, không thể chia cắt được. Mệnh lệnh quản lý từ chính quyền cấp trên xuống cấp dưới triển khai chậm do nhiều trường hợp phải được HĐND cấp dưới ra nghị quyết để thực hiện. Bên cạnh đó, trách nhiệm chưa rõ ràng cấp dưới đối với cấp trên, đồng thời thiếu kiểm soát chặt chẽ giữa cấp trên đối với cấp dưới.

- Quan hệ của HĐND cấp dưới- cấp trên và với Quốc hội, quan hệ giữa UBND và HĐND cùng cấp, giữa UBND cấp dưới- cấp trên và với các Bộ, ngành còn chồng chéo, trùng lặp, chưa hợp lý. 

- Chế độ làm việc tập thể của UBND đang bộc lộ những hạn chế nhất định, không phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tổ chức, khó xử lý trách nhiệm khi các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn kém hiệu lực, hiệu quả.

- Hoạt động của HĐND các cấp quận, phường ít có nội dung cụ thể, bởi hầu hết các vấn đề được bàn bạc, quyết định không có tính riêng biệt mà chỉ là những vấn đề chung đã được quyết định ở cấp thành phố.

- Việc kiểm tra, giám sát đối với chính quyền địa phương nặng về hình thức, còn ôm đồm làm thay nhưng lỏng lẻo của cấp trên đã giảm đi tính năng động, sáng tạo vốn có của địa phương.

Việc thực hiện Chính quyền đô thị là đòi hỏi khách quan, là yêu cầu bức xúc của thực tiễn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng; phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; đồng thời góp phần phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị, thông qua đó, đóng góp cơ sở thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính nước ta.

Trên cơ sở đó, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án Chính quyền đô thị, hiện nay đang trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến.  

PV: Đà Nẵng được biết đến là thành phố xây dựng và chỉnh trang đô thị có tốc độ nhanh và hiệu quả. Vậy nhân tố nào làm nên thành công này, đặc biệt việc di dời gần 100 ngàn hộ dân suốt 15 năm qua?

Vịnh Đà Nẵng - Ảnh Chinhphu.vn

Chủ tịch Văn Hữu Chiến: Có nhiều nhân tố làm nên thành công trong việc xây dựng và chỉnh trang đô thị, đặc biệt, là trong suốt 15 năm qua, thành phố đã thực hiện di dời và bố trí tái định cư cho hơn 95 ngàn hộ dân, nhưng nếu chọn 4 nhân tố chủ yếu, theo chúng tôi có thể nói đó là:

 

- Trước hết phải nói đó là chủ trương đúng đắn, hợp quy luật phát triển và phù hợp với lòng dân, với sự quyết tâm cao của cả hệ thông chính trị thành phố.

- Thứ hai là, sự đồng tình, ủng hộ của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân thành phố. Có thể nói rằng các tầng lớp nhân dân là một trong những nhân tố quan trọng, chủ yếu góp phần tạo nên những thành quả ngày hôm nay. Hầu hết các tầng lớp nhân dân thành phố luôn kề vai sát cánh, ủng hộ các chủ trương của thành phố, trên cơ sở tình yêu quê hương, đất nước và mong muốn xây dựng thành phố quê hương ngày càng giàu đẹp.

- Thứ ba là, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Sự quyết liệt thể hiện ở chỗ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ vị trí người lãnh đạo cao nhất của thành phố cho đến những người thừa hành, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

- Thứ tư là, sự chung tay góp sức của các cơ quan thông tin đại chúng, đã góp phần tuyên truyền, định hướng nhận thức trong dư luận làm cho chủ trương, chính sách của thành phố nhanh chóng đi vào cuộc sống và thể hiện sức lan tỏa nhanh chóng trong thực tiễn sinh động của xã hội. 

PV: Đà Nẵng được biết đến với nhiều sáng kiến, ý tưởng mới trong chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội. Xin ông cho biết việc phát huy các sáng kiến đó cũng như tổ chức thực hiện, đưa các sáng kiến, ý kiến vào cuộc sống như thế nào?

Chủ tịch Văn Hữu Chiến: Trong quá trình xây dựng và phát triển, một khi nhận được một sáng kiến, đề xuất hay có tính khả thi, lãnh đạo thành phố luôn đặt quyết tâm cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn, đôi khi phải rất kiên trì, vận động, thuyết phục. Chúng ta đều biết một điều rằng, những điều mới mẻ, chưa ai làm, chưa ai nghĩ tới, một khi chúng ta nghĩ ra, chúng ta làm, chắc chắn gặp không ít trở ngại, khó khăn. Với chúng tôi, một khi đã nhận thức đúng đắn về cơ hội, thời cơ thì tại sao chúng ta không quyết tâm, tận lực mà làm. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai, phân công trách nhiệm cho từng thành viên, đơn vị rất cụ thể và đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra đôn đốc thường xuyên để kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã trở thành sự kiện văn hóa độc đáo, hấp dẫn

Tôi đơn cử một sự kiện trong nhiều sự kiện mà Đà Nẵng đã làm và rất thành công. Đó là sự kiện tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hằng năm tại Đà Nẵng, mà như chúng ta thấy, hiện nay đã trở thành một sự kiện rất đặc sắc, thương hiệu riêng có của Đà Nẵng.

Tuy nhiên để có được những thành quả như ngày hôm nay, thì việc biến từ ý tưởng ban đầu, thành chủ trương và triển khai thực hiện trong thực tế cũng khá gian nan. Ngay từ ban đầu, việc thực hiện ý tưởng này đã gặp khá nhiều khó khăn: như việc vận chuyển, nhập khẩu pháo từ nuớc ngoài về Việt Nam phải được các cơ quan chuyên môn trung ương thẩm định, cho phép, các ống phóng pháo thì một số cơ quan chức năng xem như là vũ khí, cần phải có sự cho phép của cấp có thẩm quyền cao nhất, rồi đến kinh phí tổ chức sự kiện này cũng phải vân động hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, trong khi các doanh nghiệp ở khu vực miền Trung chủ yếu nhỏ lẻ…Có thể nói, việc tổ chức sự kiện này, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Song bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, kiên trì vận động, thuyết phục và cùng với việc xây dựng kế hoạch chương trình rất cụ thể, khoa học, Đà Nẵng đã được phép tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế. Và đến nay, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã trở thành sự kiện văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút hàng chục ngàn khách du lịch đến thưởng ngoạn, mang lại nhiều lợi lích to lớn về kinh tế, văn hóa, du lịch, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến khắp nơi trên thế giới.     

PV: Đà Nẵng đang hướng tới Thành phố công nghệ cao và hiện là một trong những địa phương ứng dụng rất hiệu quả công nghệ thông tin. Xin ông cho biết, điều gì góp phần tạo ra kết quả đó?

Hiện nay, việc xây dựng, phát triển mạng thông tin hành chính điện tử Chính phủ được triển khai, trong đó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ được giao làm đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ. Với những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, Đà Nẵng sẽ tham gia vào việc xây dựng mạng thông tin này như thế nào?

Chủ tịch Văn Hữu Chiến: Ngay từ khi mới chia tách, lãnh đạo thành phố ý thức rất rõ muốn phát triển thì không có con đường nào khác là: ngoài việc khẩn trương xây dựng kết cấu hạ tầng, thì phải đi nhanh vào nền kinh tế tri thức. Nhiều người nói Đà Nẵng phải biến thành trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, trung tâm đào tạo nhân lực cao, trung tâm công nghệ cao... nghĩa là Đà Nẵng phải xây dựng nền kinh tế tri thức. Nói kinh tế tri thức thì phải hiểu đó là kinh tế thông tin, đã vậy thì phải biết ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin cho nhanh, từ sản xuất, đào tạo đến quản lý, điều hành, ra quyết định.

Ngay từ năm 1999, Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng đã rất nghiêm túc trong việc thực hiện chủ trương ứng dụng và phát triển CNTT; năm 2000, Thành phố thành lập Trung tâm công nghệ phần mềm với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất, gia công phần mềm và đào tạo lập trình viên quốc tế, phối hợp triển khai đào tạo tin học văn phòng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của thành phố. Song song với việc đào tạo, thành phố cũng tập trung nguồn lực cho đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để có được một hệ thống liên mạng cho toàn khối quản lý hành chính Nhà nước thành phố: 1 máy tính/1 công chức. Ngoài ra, thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý. Hiện nay, có thể nói, công nghệ thông tin đã trở thành công cụ lao động tối cần thiết của người lao động. Đến nay có thể nói, Đà Nẵng một trong những địa phương ứng dụng rất hiệu quả công nghệ thông tin. Trong 03 năm liên tiếp: 2008, 2009, 2010, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, trong đó chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố Đà Nẵng luôn giữ vị trí quán quân.

Về việc tham gia xây dựng mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ, Đà Nẵng cũng đang tích cực triển khai và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn do Chính phủ đưa ra. Trước mắt, Đà Nẵng đã hình thành Cổng Thông tin điện tử của thành phố. Cổng điện tử này được Văn phòng UBND thành phố trực tiếp quản lý cả về nội dung và công nghệ, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng Ban biên tập và đội ngũ thành viên là 34 phóng viên của 34 website sở, ngành, địa phương. Sau gần một năm hình thành, đến nay Cổng thông tin điện tử của Đà Nẵng đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, cập nhật thông tin khá đầy đủ về mọi mặt đời sống xã hội cũng như những chủ trương, chính sách của Trung ương và của Thành phố. Tuy nhiên còn khá nhiều việc phải làm để Cổng Thông tin điện tử thành phố thực sự đáp ứng được yêu cầu khai thác của tổ chức, cá nhân.

PV: Trong xu hướng phát triển cả trước mắt và lâu dài, Đà Nẵng hướng đến những mục tiêu nào, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Văn Hữu Chiến: Mục tiêu và phương hướng tổng quát trong 5 năm đến là: xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển; đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của miền Trung và cả nước, tạo nền tảng để xây dựng thành phố trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Tầm nhìn đến năm 2020 là: Xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị sinh thái - phát triển triển bền vững, với cơ cấu kinh tế hiện đại, các ngành dịch vụ (du lịch, thương mại, vận tải, viễn thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế...) phát triển mạnh, chất lượng cao, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế thành phố; công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và thông tin đồng bộ, hiện đại; môi trường văn hóa lành mạnh; quy mô dân số không vượt quá 1,5 triệu người.

Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch!

Lê Minh Hùng 

Theo   chinhphu.vn

.
.
.
.