Điểm báo ngày 03/02
Chủ Nhật, 05/02/2012|15:01
Trong ngày 03/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:
I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
1. Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhân kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2012), sáng 3/2, Đoàn đại biểu Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta.
Dự lễ viếng có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều đồng chí lão thành cách mạng.
Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Vào lăng viếng Bác, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta.
2. Chào mừng kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2012), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt nam cho biết, tối 2/2, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ - Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”. Đến dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; Trần Lưu Hải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Dự chương trình còn có đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội.
Đây là chương trình truyền thống hằng năm do Tạp chí Cộng sản khởi xướng, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chương trình tái hiện chặng đường đấu tranh và trưởng thành vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, của nhân dân và các lực lượng vũ trang anh hùng; nêu bật tình cảm, niềm tin yêu của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đối với con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Bằng những lời ca, tiếng hát, qua những ca khúc vượt thời gian về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khán giả cùng có dịp ôn lại truyền thống lịch sử hơn 80 năm vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, Chương trình còn có phần giao lưu với những đại diện ưu tú, tiêu biểu của các giai tầng xã hội đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như: PGS TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; đồng chí Đỗ Văn Hậu, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và đảng viên trẻ Nguyễn Huyền Trang, đến từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Các đại biểu khách mời bày tỏ niềm tự hào, tin tưởng về vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; khẳng định quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng ưu tú, tiên phong lãnh đạo đất nước tiến hành thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
3. Báo Sài Gòn giải phóng cho biết: Theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, năm 2012, ngành xây dựng phải đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng để bảo đảm chất lượng đô thị, nghiêm túc khắc phục tình trạng làm trái quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.
Đối với quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm chủ động lập các quy hoạch này làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, tránh hiện tượng xin cho, tùy tiện trong quá trình xây dựng và quản lý quy hoạch chi tiết. Bộ Xây dựng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các đồ án quy hoạch chi tiết nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng phải tập trung triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; có kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược nhà ở, nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 8 nhóm đối tượng tại các địa phương.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, cấp ủy và chính quyền địa phương, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TPHCM... cần hết sức quan tâm và quyết liệt triển khai xây dựng phát triển nhà ở xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu phát triển hàng năm. Phát huy và nhân rộng các mô hình tốt phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu phát triển bền vững. Sớm đề xuất quy định dành một tỷ lệ hợp lý nguồn thu từ quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển nhà xã hội.
4. Theo Báo Đại biểu nhân dân, năm 2012, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra 4 lĩnh vực trọng tâm của ngành, gồm việc quản lý và sử dụng đất đai; chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; hoạt động khoáng sản; khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Năm nay, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ triển khai 2 đoàn thanh tra về việc sử dụng đất nông trường, lâm trường trên địa bàn 2 tỉnh trọng điểm; thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Tổng cục cũng tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức tại 5 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, các lĩnh vực môi trường, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước đều được các đơn vị chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh kiểm tra theo các chuyên đề đang nổi cộm và gây bức xúc trong đời sống.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết cho từng cuộc thanh tra. các đoàn thanh tra phải có sự tổng kết, đánh giá, đề xuất cụ thể từng nội dung ưu, khuyết điểm của các cuộc thanh tra; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra và các đoàn giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. TTXVN phản ánh: Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê chuẩn dự án tín dụng trị giá 70 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) để hỗ trợ Việt Nam đối phó với những thách thức do biến đổi khí hậu.
Dự án tín dụng trên có thời hạn hoàn trả trong vòng 25 năm, trong đó có 5 năm ân hạn không phải trả lãi. Đây là dự án đầu tiên được phê chuẩn trong số ba dự án tín dụng của WB hỗ trợ phát triển và thực hiện các hành động ưu tiên tăng cường các chính sách, chiến lược và thể chế cần thiết để phản ứng hiệu quả trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Dự án tín dụng này tập trung thúc đẩy bốn mục tiêu chính sách trong ba trụ cột căn bản chống biến đổi khí hậu. Ba trụ cột gồm thích nghi, giảm tác động và các vấn đề ảnh hưởng chéo khác của các tác động biến đổi khí hậu nhằm giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Bốn mục tiêu bao gồm tăng cường khả năng chống biến đổi khí hậu, đặc biệt về nguồn nước; giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; tăng cường năng lực và ưu tiên thực hiện các chính sách chống biến đổi khí hậu; tăng cường khuôn khổ tài chính hỗ trợ hành động chống biến đổi khí hậu./.
II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW
1. Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản thông báo áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND với 5 tổ chức tín dụng theo điểm b, khoản 1, điều 1, Thông tư 20/2010/TT-NHNN ngày 29/9/2010 – TTXVN phản ánh.
Theo đó, các tổ chức tín dụng được áp dụng gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Mê Kông (MDB), Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank).
Theo điểm b, khoản 1, điều 1, Thông tư 20, các tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên tổng dự nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40 - 70% thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.
Mức dự trữ bắt buộc này sẽ áp dụng từ tháng 2/2012 đến tháng 7/2012.
2. Trong bài viết “Lo thanh khoản yếu, ngân hàng xin xuất vàng”, tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam phản ánh: Một số ngân hàng đang nắm giữ một lượng vàng lớn đã kiến nghị cho phép được xuất khẩu vàng tài khoản để tăng thanh khoản. “Phải tìm cách hạ lãi suất vì nếu không, sẽ không tăng được thị trường tài sản, dẫn đến những mong muốn như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ rất khó thành hiện thực”. Đó là thông điệp đầu năm mới của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trước nỗi lo thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay.
Thực ra, áp lực căng thẳng thanh khoản đã được Ngân hàng Nhà nước nhìn thấy từ tháng 6/2011, khi mà hầu như toàn bộ cơ cấu kỳ hạn tiền gửi của hệ thống ngân hàng trong tình trạng “giật gấu vá vai” bởi kỳ hạn “tiền vào” chỉ vài tháng, còn “tiền ra” tới hàng năm, thậm chí 5, 10 năm.
Bài báo cũng cho biết, theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): “Nhiều người cho rằng, Vietcombank cho vay trên thị trường liên ngân hàng mà cũng đòi thế chấp. Nhưng tình thế thay đổi, chúng tôi nhận thấy ở đâu cũng rủi ro và phải có biện pháp điều chỉnh cho tốt. Đến nay trong số 30 nghìn tỷ đồng Vietcombank bơm ra thị trường liên ngân hàng đã không có vấn đề gì về nợ xấu”.
Sự mở đầu của Vietcombank đã kéo theo một trào lưu thế chấp trên thị trường liên ngân hàng và báo hiệu lòng tin, nỗi lo lắng thanh khoản đang đi vào giai đoạn gay cấn nhất.
Còn ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì cho rằng, thanh khoản ngân hàng đang ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà điều dễ nhận thấy nhất là sự biến động lớn trên thị trường liên ngân hàng.
Trước thực tế trên, từ quý 1/2012 trở đi, trong rất nhiều nhiệm vụ nặng nề mà Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết thì thanh khoản vẫn được nhiều chuyên gia khuyến cáo là nên ưu tiên giải quyết trước. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, ở đây, không chỉ giải quyết vài món thanh khoản nhỏ, lặt vặt mà là giải quyết thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng, một vấn đề lớn nhất hiện nay của kinh tế vĩ mô.
3. Theo báo Đầu tư, trước tình hình thị trường dầu mỏ thế giới tăng nhiệt, chưa thể xác định nhập khẩu xăng dầu để tăng dự trữ có là giải pháp tối ưu hay không. Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, tình hình chính trị tại Iran sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ quốc tế, bởi sản lượng dầu mà nước này cung cấp khá lớn. Dù hiện tại, việc cấm vận hay ngừng xuất khẩu dầu của Iran chưa diễn ra, nhưng mới chỉ có các tuyên bố được các bên liên quan đưa ra, đã khiến thị trường xăng dầu quốc tế có những căng thẳng nhất định.
Theo Petrolimex, giá các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, đặc biệt là xăng đã tăng hơn 10% so với trước khi có các tuyên bố liên quan. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, khó khăn sẽ là chung của cả khu vực cùng toàn thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam hay Petrolimex nên khó có thể đưa ra những tiên lượng chính xác.
Năm 2012, riêng Petrolimex dự kiến sẽ nhập khẩu 7 - 8 triệu m3/tấn xăng dầu. Hiện nguồn xăng dầu nhập khẩu của Petrolimex từ khu vực Trung Đông chiếm khoảng 15-20%.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nơi đang đảm trách xuất khẩu phần lớn lượng dầu khai thác được tại Việt Nam cũng đang theo dõi sát tình hình biến động của giá dầu thế giới.
Năm 2012, PVN đặt mục tiêu xuất bán 15,78 triệu tấn dầu, so với con số 15,14 triệu tấn của năm 2011. PVN cũng dự kiến năm 2012 sẽ đạt doanh thu từ bán dầu là 9,94 tỷ USD với giá dầu mà Quốc hội cân đối ngân sách là 85 USD/thùng.
Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN cho biết, giá dầu cao sẽ tốt với PVN, nhưng về tổng thể sẽ không tốt với Việt Nam, bởi chúng ta vẫn được xem là quốc gia thuần nhập khẩu dầu.
PVN hiện cũng là đầu mối lớn thứ 2 về kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam thông qua hoạt động của hai đơn vị thành viên là PV Oil và Petech. Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, giá bán xăng dầu thành phẩm của các nhà máy lọc dầu trên thế giới chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ còn chịu điều chỉnh bởi các quy định liên quan đến thuế nhập khẩu xăng dầu, mức trích Quỹ Bình ổn giá… do Bộ Tài chính và Bộ Công thương tính toán. Với lý do này, các biến động trên thị trường dầu quốc tế không chỉ được những doanh nghiệp, mà còn cả các cơ quan chức năng cùng theo dõi sát sao, bởi sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động của nền kinh tế.
Thanh Tùng (tổng hợp)
.