PVI Holdings: Đạt doanh thu vượt mốc 5.000 tỉ đồng
(ĐUKDNTW) - Chỉ trong vòng 15 năm, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam - PVI (nay là PVI Holdings) đã bước những bước đi "thần tốc", từ một công ty bảo hiểm non trẻ trên thị trường đến một tổng công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam và trở thành một định chế tài chính - bảo hiểm có thương hiệu trong nước và quốc tế, góp phần thiết thực vào công tác đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và công tác an sinh xã hội. Tổng giám đốc Bùi Vạn Thuận đã chia sẻ với báo chí về bước tiến đáng tự hào này.
PV: Được biết, PVI đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu doanh thu kế hoạch năm 2011 khi chỉ mới bước sang tháng 12, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
TGĐ Bùi Vạn Thuận: Doanh thu cả năm 2011 PVI có khả năng đạt 5.200 tỉ đồng. Lợi nhuận ước thực hiện cả năm đạt 450 tỉ đồng. Nộp ngân sách 435 tỉ đồng. Tất cả các chỉ tiêu của PVI đều vượt so với kế hoạch của đại hội đồng cổ đông đề ra.
Để có được thành công này, đầu tiên phải nhắc đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp: PVI là công ty niêm yết đầu tiên của Việt Nam hoàn thành việc tái cấu trúc và chuyển đổi thành công mô hình công ty mẹ – công ty con. Đại diện phía đối tác (Talanx – Đức) chia sẻ với chúng tôi rằng, để có được một chương trình phát triển và tái cấu trúc như ngày nay của PVI, Talanx đã phải mất tới gần 100 năm, trong khi với chúng tôi chỉ cần 15 năm.
Thứ hai, PVI đã thành công trong đàm phán với cổ đông chiến lược nước ngoài để tăng vốn. Việc tái cấu trúc và tăng vốn thành công đã thể hiện việc quản lý của PVI rất tốt.
Thứ ba, PVI là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam 2 năm liên tiếp được A.M Best xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt). Tổng Công ty Bảo hiểm PVI là công ty con của PVI Holdings cũng được A.M.Best xếp hạng năng lực tài chính ở mức B+ (Tốt) sau tái cấu trúc. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp PVI được Tạp chí World Finance bầu chọn là Doanh nghiệp Bảo hiểm tiêu biểu của Việt Nam. Ngoài ra, năm nay, PVI cũng là định chế tài chính duy nhất của Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Mục tiêu của PVI đến năm 2015 đạt doanh số là 1 tỉ USD, vì vậy PVI phải vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, PVI đã có mặt ở những thị trường bảo hiểm như: Nga, Venezuela, Morocco, Malaysia, Singapore… Nếu PVI là đơn vị bảo hiểm đơn thuần thì hoạt động đầu tư tài chính sẽ rất hạn chế. Vậy nên, PVI đã đột phá trong khâu tái cấu trúc để PVI Holdings trở thành công ty mẹ quản lý vốn. PVI đã có một công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, đó là Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, ngoài ra còn có Công ty Tái bảo hiểm PVI. Sắp tới sẽ thành lập Công ty Bảo hiểm Nhân thọ và Công ty Quản lý quỹ. Đồng thời, các công ty con như Bảo hiểm PVI và Tái bảo hiểm PVI sẽ chủ động nghiên cứu các phương án phù hợp để tiếp tục tăng vốn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phấn đấu nâng hạng trên trường quốc tế.
Khác biệt lớn của PVI với các công ty bảo hiểm khác là xếp hạng quốc tế. Đại diện của Tổ chức A.M.Best có nói rằng, việc xếp hạng quốc tế là một tờ giấy thông hành để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Xếp hạng của của PVI là xếp hạng năng lực tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế, cùng hệ tiêu chuẩn với các công ty của Anh, Mỹ…
PV: Năm 2011 chứng kiến rất nhiều sự kiện của PVI Holdings, sau những sự kiện đó và đến nay PVI Holdings đã có sự thay đổi ra sao?
TGĐ Bùi Vạn Thuận: Có một sự so sánh rất rõ, đó là tầm vóc PVI trước kia chỉ là một Tổng Công ty Bảo hiểm. PVI hoạt động đơn thuần là kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính theo luật kinh doanh bảo hiểm, quy tắc đầu tư tài chính của bảo hiểm phải là đầu tư vào những cái có tính thanh khoản cao như tiền gửi hoặc mua trái phiếu, để đảm bảo nguồn tiền. Khi PVI trở thành công ty mẹ là PVI Holdings hoạt động theo luật doanh nghiệp và đầu tư tài chính, theo luật doanh nghiệp công ty mẹ sẽ thực hiện việc quản trị các công ty con thông qua vốn, chiến lược phát triển, thương hiệu, thị trường và công nghệ; các công ty con thực hiện các chức năng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, kinh doanh tái bảo hiểm, quản lý quỹ, quản lý tài sản, đầu tư dự án… và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Cái khác nhau cơ bản là các công ty hoạt động chuyên nghiệp hơn, dòng tiền sẽ được quản lý tập trung hơn và đầu tư tài chính đa dạng hơn. Thể hiện rõ ràng đó là doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn này mà PVI có được: doanh thu 11 tháng đạt trên 5.000 tỉ, lợi nhuận năm nay ước vượt 37% so với năm 2010.
Về phần mình, với sự ủng hộ to lớn của các cổ đông, đặc biệt là 3 cổ đông lớn: Petrovietnam, Talanx và OIF, PVI cam kết sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế, nâng cao xếp hạng tín nhiệm tài chính quốc tế Rating, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng dịch vụ khách hàng để mang lại lợi ích ngày càng tốt hơn cho các cổ đông và khách hàng của PVI.
PV: Theo ông, công tác tổ chức – cán bộ và hoạt động kinh doanh của toàn bộ hệ thống sẽ phát huy như thế nào với mô hình mới của PVI sau tái cấu trúc?
TGĐ Bùi Vạn Thuận: Thế mạnh lớn nhất của PVI là con người. Khi Talanx mua cổ phiếu của PVI thì có phóng viên hỏi tôi là Talanx có “phóng tay” quá không và đại diện của Talanx đã trả lời rằng, họ mua là mua đội ngũ nhân sự của PVI. Ngay cả A.M.Best khi xếp hạng cho PVI thì họ có cảm giác đang làm việc với đội ngũ nhân sự ở một nước phát triển nào đó chứ không phải là một nước đang phát triển như Việt Nam.
Với mục tiêu xây dựng PVI trở thành một định chế tài chính – bảo hiểm, trong những năm qua chúng tôi đã thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ như: Nâng cao năng lực tài chính thông qua thực hiện việc tăng vốn điều lệ, xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là chú trọng trong công tác nhân sự và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý rủi ro…
PVI có các chính sách đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho CBNV, đồng thời cung ứng đầy đủ các thiết bị phục vụ công việc và tạo môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp, đoàn kết để CBNV có thể yên tâm làm việc và phát huy hết khả năng của mình. Hằng năm, PVI đều cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tại các nước như: Anh, Malaysia, Singapore… về nghiệp vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm, nhân sự, tài chính, đầu tư… Đặc biệt là công tác đào tạo, chuyển giao vị trí quản lý cấp cao rất được chú trọng. PVI có kế hoạch cụ thể, rõ ràng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển đội ngũ quản lý kế cận nhằm tạo sự ổn định và đảm bảo Công ty luôn phát triển theo định hướng thống nhất, bền vững, tạo niềm tin với nhà đầu tư và các đối tác.
PV: Ông có thể cho biết kế hoạch của PVI Holdings trong năm 2012 như thế nào?
TGĐ Bùi Vạn Thuận: Năm 2012, tôi tin tưởng rằng PVI vẫn đạt được kết quả kinh doanh tốt, doanh thu phấn đấu đạt 6.500 tỉ đồng, lợi nhuận đạt trên 700 tỉ đồng. Còn cổ tức thì hiện nay PVI vẫn đang trong giai đoạn xây dựng năng lực tài chính của mình nhưng vẫn đảm bảo tỉ lệ 15% trở lên.
Petrotimes