.
.

Báo chí đồng hành với sự phát triển của ngành Dầu khí

Thứ Ba, 17/01/2012|23:15

 

Chiều 16/1/2012, tại hai điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Nhâm Thìn 2012 và  trao giải các tác phẩm báo chí viết về ngành Dầu khí.

“Báo chí đồng hành với sự phát triển của ngành Dầu khí”

Tham dự buổi lễ, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đồng chí Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV; đồng chí Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc; đồng chí Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc; đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cùng các đồng chí trong Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban, Văn phòng.

Đến dự buổi lễ còn có Nhà báo Trần Gia Thái, Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình TP Hà Nội, Trưởng Ban Sơ khảo và Chung khảo cuộc thi. Cuộc gặp mặt còn có sự tham dự của hơn 100 phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương ở hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng chí Lê Minh Hồng – Phó Tổng giám đốc đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2011 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012. Bản báo cáo đã nhấn mạnh đến những thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong năm qua: Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 675,3 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 160,8 tỉ đồng, ký 7 thỏa thuận, hợp đồng dầu khí mới; phát hiện 3 mỏ dầu khí mới và đưa vào khai thác 5 mỏ mới. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến công tác đầu tư phát triển, công tác đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp và các giải pháp đột phá để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012.

Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực trả lời các câu hỏi của các nhà báo.

Đồng chí Lê Minh Hồng khẳng định: “Trong năm qua, các phóng viên, các cơ quan báo chí đã thực sự đồng hành, luôn có mặt kịp thời, phản ánh không khí lao động, sản xuất và động viên cho những nỗ lực của các cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí”.

Cũng tại buổi gặp mặt báo chí, các nhà báo theo dõi lâu năm ngành Dầu khí đã đặt ra nhiều câu hỏi. Trả lời về việc Petrovietnam triển khai các tổ hợp liên doanh xây dựng trong các dự án về nhiệt điện, Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực cho biết dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 là một điểm sáng trong việc kết hợp các nhà thầu nội (Lilama và PVC). Với nỗ lực không ngừng của tổ hợp nhà thầu này đã giúp cho Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 về đích trước tiến độ 45 ngày. Petrovietnam đang nghiên cứu để giao thầu cho các tổ hợp nhà thầu trong nước tại các dự án điện Quảng Trạch1, Sông Hậu 2.

Trả lời câu hỏi liên quan đến các nhà máy nhiệt điện, Chủ tịch Phùng Đình Thực cho biết, các nhà máy nhiệt điện chạy than như Thái Bình 2, Vũng Áng 1 sẽ dùng than trong nước, các nhà máy điện khu vực phía Nam như Long Phú, Sông Hậu sẽ dùng than nhập khẩu.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Kinh tế Hà Nội đặt câu hỏi về việc nguyên nhân Petrovietnam có bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2011?

Chủ tịch Phùng Đình Thực đánh giá cao mong muốn tìm hiểu sâu về những bước thành công của Tập đoàn của các nhà khoa học. Năm 2011, Petrovietnam có bước phát triển đáng ngạc nhiên là do ngay từ những đầu quý IV, Petrovietnam đã vượt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh như: doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Giá dầu thế giới tăng cao cũng gia tăng thêm lợi nhuận, đặc biệt là dịch vụ dầu khí được đẩy mạnh. Trả lời những câu hỏi về tình hình hoạt động của Petrovietnam trên biển Đông, Chủ tịch Phùng Đình Thực nhấn mạnh, Petrovietnam sẽ vẫn duy trì các hoạt động dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và các cam kết quốc tế về biển Đông. Petrovietnam cũng đã kết hợp với Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng) nhằm đảm bảo an toàn, an ninh tuyệt đối cho các hoạt động dầu khí của Petrovietnam trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trao giải các tác phẩm báo chí xuất sắc

Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực trao 4 giải nhất ở 4 thể loại: Phản ánh, Ký chân dung, Phóng sự - phỏng vấn và thể loại phát thanh, truyền hình.

Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu và Tổng giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội Trần Gia Thái trao giải Nhì cho các tác giả.

Ngay sau buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Nhâm Thìn là buổi lễ trao giải thưởng cho các tác giả đạt giải trong cuộc thi tác phẩm báo chí viết về ngành Dầu khí. Buổi lễ thực sự là nơi gặp mặt, hội ngộ của những cây bút, các văn nghệ sĩ gắn bó với ngành Dầu khí.

Bắt đầu từ lễ phát động cuộc thi từ cách đây 8 tháng đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng khá rộng rãi. Chỉ trong 8 tháng các cây bút đã thực sự “sống” với không khí lao động sản xuất của các cán bộ công nhân viên ngành Dầu khí. Bất kể nơi đâu có dấu chân của “những người đi tìm lửa”, từ những giàn khoan trên biển khơi bao la đến vùng Siberia lạnh giá, sa mạc Sahara nóng bỏng hay những vùng đầm lầy hoang vu của vùng U Minh… là ở đó có những tác phẩm ghi lại không khí lao động sáng tạo và ý chí không lùi. 300 tác phẩm dự thi của các cây bút là các phóng viên, nhà văn chuyên nghiệp, mà còn của cả những cán bộ, các nhân viên của ngành Dầu khí đương chức và về hưu.

Những người tham dự lễ trao giải đã rất vui mừng khi đón một tác giả đặc biệt là một kỹ sư trẻ đang công tác trên tàu Bình Minh 02 lịch sử. Tác giả Nguyễn Văn Thủy – Tổng Công ty PTSC, người đạt giải nhất ở thể loại Phóng Sự – Phỏng vấn bằng tác phẩm “Những giờ phút căng thẳng trên tàu Bình Minh 02”. Bài viết của một người trong cuộc đã lay động lòng người – không chỉ với những “người dầu khí” mà với người dân cả nước trước hành vi phá hại hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Đồng chí Lê Minh Hồng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn trao 7 giải Ba cho các tác giả.

Đồng chí Trần Quang Dũng – Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn trao giải khuyến khích cho các tác giả.

Nhắc lại bối cảnh ra đời bài viết, kỹ sư Nguyễn Văn Thủy cho biết đó là thời điểm các tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02, cả nước trông đợi từng thông tin về con tàu  này. Phải khó khăn lắm, Tổng biên tập Nguyễn Như Phong mới liên lạc được với con tàu và một kỹ sư trên tàu. Tác giả Nguyễn Văn Thủy kể lại: “Còn nhớ lúc đó anh Như Phong liên lạc với tôi qua Internet, động viên và hướng dẫn tôi viết ngay bài cho Báo Năng lượng Mới bằng những chỉ dẫn chu đáo kịp thời của một cây bút phóng sự kỳ cựu và hứa tòa soạn sẽ dành “đất” để chờ”.

Thế là kỹ sư Nguyễn Văn Thủy tranh thủ cắm cúi ngồi viết. Những dòng chữ viết trên những con sóng biển dập dềnh của một người chưa viết báo bao giờ đã gây xúc động với người dân cả nước. Sự kiện cũng như những cảm xúc chân thành đã chinh phục tất cả các thành viên của Ban giám khảo cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về ngành Dầu khí và giành giải cao nhất ở thể loại Phóng Sự – Phỏng vấn.

Nhân dịp ra Hà Nội nhận giải, tác giả của “Những phút căng thẳng trên tàu Bình Minh 02” còn có cả người bạn đời tương lai để tham quan Thủ đô. Anh vui vẻ: “Mình sẽ lại là một cộng tác viên thường trú trên biển của báo Năng lượng Mới”.

Bác Lê Xuân Tùy – cán bộ lão thành của “Đoàn 36 Dầu lửa” nhận giải tác giả cao tuổi tham dự cuộc thi.

Nhà văn Tạ Duy Anh và nhà báo Xuân Ba nhận giải tác giả gửi nhiều tác phẩm về ngành Dầu khí nhất.

Một tác giả đặc biệt nữa đến tham dự buổi lễ là bác Lê Xuân Tùy – cán bộ lão thành của “Đoàn 36 Dầu lửa” – đơn vị thực hiện mũi khoan đầu tiên mở ra việc tìm kiếm Dầu khí. Vốn là cán bộ tuyên giáo, câu chuyện bác gửi về Báo Năng lượng Mới, những ký ức của người thợ khoan dầu khí đầu tiên thực sự là bài học thu hút và quý giá với các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí ngày nay. Nhận giải tác giả cao tuổi tham dự cuộc thi, bác Lê Xuân Tùy đã từ Thái Bình lên Hà Nội với tác giả cao tuổi như bác là nhiềm vui trẻ lại của tuổi già.

Phát biểu tổng kết cuộc thi, Nhà báo Trần Gia Thái – Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Sơ khảo và Chung khảo Cuộc thi cho rằng: “Các tác phẩm đều phản ánh được quá khứ lao động cực kỳ gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của những người thợ dầu khí, phản ánh được không khí thi đua sôi nổi trên các công trình trọng điểm của ngành Dầu khí. Các nhà báo cũng đã mạnh dạn đề cập đến những khó khăn đối với ngành Dầu khí do cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển thần tốc của ngành.”

Trong những loại bài viết này, phóng viên báo Năng lượng Mới có ưu thế hơn là được tiếp cận thực tế không hạn chế thời gian, được bám sát theo tiến trình sự kiện, cho nên các bài viết không những phản ánh trung thực sự việc mà còn có chiều sâu góp phần làm cho các phóng viên “ nhà” được vịnh dự nhận giải cao.

Ký chân dung là thể tài báo chí rất gần với văn học, cho nên điều đó hoàn toàn có thể lý giải rằng tại sao những bài viết của các nhà văn Xuân Ba, Tạ Duy Anh, Nguyễn Như Phong lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Một điều nữa là các bài ký chân dung đều tập trung vào 50 gương mặt tiêu biểu của ngành trong suốt nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, các nhà văn đều bày tỏ nguyện vọng là viết bài để hưởng ứng cuộc thi, chứ không đưa vào xét giải. Có một tác giả là người Nga – VOVK -  công tác ở Vietsovpetro, đã có bài ký rất cảm động về tình hữu nghị Nga – Việt  đó là bài: “Vietsovpetro là Trường đại học của tôi”. Tác phẩm này được giải Nhất, nhưng tiếc rằng, trong buổi vui hôm nay, ông VOVK đã không thể bay từ Matxcova sang dự.

Đối với các tác phẩm phát thanh và truyền hình, do số lượng tác phẩm không nhiều nhưng chính độ chính xác, chân thực đã thuyết phục Ban giám khảo.

Nói vể cuộc thi đầu tiên mà Báo Năng lượng Mới đóng vai trò thường trực, nhà báo Nguyễn Như Phong – TBT khẳng định: Kết quả tốt đẹp của cuộc thi đầu tiên này chính là những dấu hiệu cho mùa bội thu các tác phẩm báo chí viết về ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước – Ngành Dầu khí.

Hoàng Thắng – Đức Chính

Ảnh: Văn Dũng - Petrotimes

 

.
.
.
.