.
.

Quy hoạch phát triển ngành Than đến 2020: Đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH của đất nước

Thứ Sáu, 16/03/2012|13:33

Tại lễ công bố Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012) do Bộ Công Thương tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, bên cạnh việc thông báo nội dung chính của bản Quy hoạch, lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn còn trả lời các cơ quan báo chí và giải đáp dư luận xung quanh vấn đề phát triển ngành Than một cách bền vững.

Phấn đấu năm 2020 sẽ khai thác 60 - 65 triệu tấn than 

 
Theo Quy hoạch, việc phát triển Ngành Than được xây dựng dựa trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xó hội của đất nước. Quy hoạch cũng dự báo, nhu cầu tiêu thụ than phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước sẽ tăng nhanh, ước tính khoảng 103 - 118 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng nhu cầu than cho điện năm 2012 sẽ là 14,4 - 15,2 triệu tấn. Dự kiến, tới năm 2015 là 33,6 - 38 triệu tấn/năm; đến năm 2030 nhu cầu này sẽ lên tới 181,3 - 231,1 triệu tấn/năm. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng than của các ngành kinh tế khác như sắt, thép, xi măng…
 
Để đáp ứng nhu cầu này, Quy hoạch đặt ra mục tiêu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2012 phải đạt 45 - 47 triệu tấn; năm 2015 đạt 55- 58 triệu tấn; năm 2020 từ 60 - 65 triệu tấn; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Trên cơ sở đó, Quy hoạch đưa ra các kế hoạch thăm dũ than tại cỏc bể than Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, tính toán, rà soát theo từng dự án mỏ để hoạch định sản lượng khai thác. Theo đó, đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành việc thăm dũ phần tài nguyờn và trữ lượng bể than Đông Bắc thuộc tầng trên mức -300 m và một số khu vực dưới mức -300m, đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động và khai thác trong giai đoạn đến năm 2020. Phấn đấu đến năm 2015, bể than Đông Bắc sẽ đạt sản lượng than thương phẩm 55-58 triệu tấn.
 
Giảm dần xuất khẩu, đẩy mạnh nhập khẩu 
 
Quy hoạch chỉ rõ, việc khai thác than trước hết phải đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng. Trả lời báo chí về lượng than xuất khẩu, Phó TGĐ Tập đoàn Vũ Thành Lâm cho biết, năm 2011, lượng than xuất khẩu của Vinacomin là 16,8 triệu tấn, kế hoạch xuất khẩu năm 2012 sẽ giảm xuống 13,5 triệu tấn. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ giảm xuống 5 triệu tấn và những năm sau sẽ ổn định ở con số 3 triệu tấn. Theo Phó TGĐ, hiện nay than sử dụng trong nước chủ yếu là các loại than có nhiệt lượng thấp, còn loại than nhiệt lượng cao trong nước chưa sử dụng nên sẽ xuất khẩu để bù vào phần lỗ từ than bán cho các nhà máy điện. Hiện Chính phủ đã quy hoạch cảng xuất than phù hợp với từng giai đoạn.
 
Về một trong những mối lo ngại của các nhà quản lý hiện nay là tìm nguồn than cho các nhà máy điện, Ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, nhu cầu than nhập khẩu cho các nhà máy điện đến năm 2020 cần tới 48 triệu tấn/năm; đến năm 2030 nhu cầu này sẽ tăng lên 130 triệu tấn/năm. Để đáp ứng nguồn than này chỉ còn cách là nhập khẩu than. Chính phủ đó giao cho Vinacomin làm đầu mối chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước. Thị trường đang hướng tới là Australia và Indonesia. Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương xây dựng cơ chế điều hành xuất nhập khẩu than, khuyến khích các nhà đầu tư ra nước ngoài mua than về cho đất nước. Khuyến khích các nhà máy điện tư nhân, nhà máy điện có vốn đầu tư nước ngoài tự nhập khẩu than để phát điện. Việc quy hoạch cảng nhập than cũng đang được triển khai tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ cấp than cho các trung tâm nhiệt điện than ở khu vực miền Trung và miền Nam.
 
Thực thi linh hoạt chính sách giá năng lượng 
 
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Nguyễn Khắc Thọ, vấn đề giá bán than chính là yếu tố khuyến khích đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì việc điều chỉnh giá bán than là vấn đề quan trọng để các doanh nghiệp Ngành Than có điều kiện tái đầu tư và phát triển. Thực tế hiện nay, giá bán than cho các ngành khác đó gần tiếp cận thị trường. Riêng giá bán than cho điện mới đạt 57-63% giá thị trường. Tính riêng năm 2010, doanh thu từ than bán cho điện thấp hơn chi phí sản xuất tới 3.000 tỷ đồng, năm 2011 là 5.000 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu đầu tư của Vinacomin từ nay đến 2015 lên đến xấp xỉ 42.000 tỷ đồng/năm. Nếu không tăng giá bán than cho sản xuất điện sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch than nêu trên. Ông Thọ cho rằng, giá than bán cho sản xuất điện cần tăng thêm 26% mới bằng giá thành sản xuất than năm 2010, khi đó giá điện tăng tương ứng 18 đồng/kWh. Nếu điều chỉnh theo giá thành than năm 2011 thì giá điện sẽ tăng thêm 200 đồng/kWh. Để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, Chính phủ yêu cầu phải chuyển nhanh hoạt động Ngành Than hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán than cho các hộ sử dụng trong nước theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên than, giúp Ngành Than ổn định sản xuất, cân đối tài chính, tạo vốn đầu tư để phát triển ngành theo quy hoạch. Riêng than bán cho điện sẽ phải điều chỉnh dần theo lộ trình thích hợp nhằm đảm bảo 2 mục tiêu: ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển doanh nghiệp.
 
Cũng theo Quy hoạch, Ngành Than sẽ được xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển. Ngoài ra, Ngành Than sẽ phải tìm cách huy động tối đa các nguồn vốn trên cơ sở hiệu quả sản xuất của từng doanh nghiệp cũng như các giải pháp tiết kiệm, tái cơ cấu doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ.
 
Quy hoạch, khai thác bể than Sông Hồng được tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa với an ninh lương thực
 
Trả lời báo chí về việc khai thác bể than sông Hồng, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phạm Mạnh Thắng khẳng định, việc xây dựng quy hoạch thăm dò khai thác than tại bể than Đồng bằng sông Hồng được tính toán kỹ, không ảnh hưởng đến diện tích 3,8 triệu ha đất an ninh lương thực. Quá trình xây dựng các đề án khai thác than ở Đồng bằng sông Hồng đã đề xuất giải pháp về công nghệ, đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Hồng. Hiện Chính phủ cũng đã giao Vinacomin hoàn thành quy hoạch, đánh giá lại chính xác trữ lượng than cũng như đề xuất giải pháp để khai thác trong tương lai. Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết thêm, việc khai thác sẽ được triển khai với bước đi thận trọng từ nhỏ đến lớn để đảm bảo lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Trước mắt, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn lựa chọn khu vực có tiềm năng về trữ lượng, có điều kiện khai thác thuận lợi và ít ảnh hưởng đến môi trường để triển khai các dự án thử nghiệm. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm sẽ xem xét mở rộng quy mô với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo năng lượng quốc gia. Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi.
 
Đa dạng hóa sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường 
 
Theo yêu cầu của Quy hoạch, trước năm 2015 phải hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí các cơ sở tuyển vùng Quảng Ninh nhằm mục tiêu tối ưu hóa công tác vận chuyển than, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng về các chủng loại than qua sàng tuyển và đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông, cảng biển, yêu cầu bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 phát triển chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (nhiên liệu đốt trực tiếp, than dùng cho luyện kim, khí hóa than, nhiên liệu lỏng từ than, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất...)
 
Đi kèm với việc khai thác, Bộ Công Thương đã xây dựng khá chi tiết các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, cũng như tăng cường công tác thanh tra kiểm tra về môi trường và tìm cơ chế để thu hút vào việc bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn; đảm bảo an toàn trong sản xuất, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên đất nước, phát huy tối đa nội lực, kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế. Đến năm 2015 cơ bản đạt các chỉ tiêu chính về môi trường tại các khu vực nhạy cảm như đô thị, khu dân cư, điểm du lịch. Đến năm 2020 phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên các vùng mỏ.
 

 

 
.
.
.
.